Ngành tôm: Vượt gian khó, ló tương lai

[Người Nuôi Tôm] – Ngành tôm Việt Nam đang trải qua một giai đoạn chuyển mình khi vụ mùa 2024 sắp khép lại. Năm vừa qua, người nuôi tôm đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn và bất lợi. Mặt khác, những thách thức này không chỉ thúc đẩy ngành tôm tìm kiếm hướng đi mới để thích ứng và phát triển, mà còn mang đến cơ hội cho ngành tôm Việt Nam.

Người nuôi tôm tràn đầy hy vọng vào vụ mùa bội thu (Ảnh: Hoàng Huynh)

 

Nuôi tôm – nghề không dễ

Đã qua rồi cái thời “nuôi là trúng”, những năm gần đây, ngành tôm Việt Nam đã trải qua những biến động mạnh mẽ chưa từng thấy. Đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng giá vật tư đầu vào, trong khi giá sản phẩm giảm. Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan đang tạo áp lực lớn lên môi trường nuôi trồng. Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng gia tăng. Chưa kịp hồi phục, ngành tôm lại phải ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm như EHP, TPD, cùng sự tái phát của các bệnh như EMS, WSSP và AHPND, khiến tình hình trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Ông Hứa Văn Quốc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết, mấy vụ nuôi gần đây, tình hình giá cả bấp bênh, thời tiết thay đổi liên tục khiến cho việc nuôi tôm của người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều người nuôi không có lợi nhuận. Người nuôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đến việc nạo vét các tuyến kênh cấp nước để khi đưa nước vào sản xuất được sạch và an toàn. Cùng đó, là quan tâm hơn nữa đến việc quản lý ổn định giá cả nguồn thức ăn, đảm bảo việc nuôi của người dân thuận lợi. Hy vọng giá cả cuối năm được tăng lên sẽ giúp người nuôi phấn khởi.

Trong khi người nuôi tôm miền Nam đang chật vật đối phó với dịch bệnh bùng phát, không thể hoàn thành mục tiêu “về đích” và buộc phải “treo ao” mặc dù giá tôm đang có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian dài “chạm đáy”, thì người nuôi tôm miền Bắc lại phải gánh chịu thiên tai và bão lũ. Cơn bão Yagi đã tàn phá nặng nề, cuốn trôi tài sản của người nông dân, khiến họ kiệt quệ và không thể đứng dậy sau những thất bại liên tiếp. Nhiều tài sản và cơ sở vật chất đã bị hủy hoại nghiêm trọng, khiến ngành tôm miền Bắc rơi vào tình cảnh ảm đạm chưa từng thấy trong suốt 10 năm qua.

 

Sau tất cả, người nuôi không bỏ nghề

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng thời điểm này, người nuôi tôm trên khắp cả nước vẫn đang hăng say chuẩn bị cho vụ thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán năm 2025. Sự hồi phục nhu cầu từ các thị trường chính là động lực thúc đẩy người nuôi tái sản xuất trong những tháng cuối năm. Giá tôm nguyên liệu đã có những tín hiệu khả quan trong thời gian gần đây, mang đến niềm vui cho hàng nghìn hộ nuôi tôm. Theo chia sẻ của nhiều nông dân, vào thời điểm này, giá tôm thường tăng cao, vì vậy họ đang tràn đầy hy vọng vào một mùa vụ bội thu.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, ông Ung Hoàng Phúc (ấp Bình Khương, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) thả nuôi 900.000 con giống trên diện tích 12.000m2. Hiện ông tập trung chăm sóc cho tôm đạt tiêu chuẩn về trọng lượng cũng như chất lượng để kịp thu hoạch vào những ngày Tết.

Theo ông Phúc, giá tôm thẻ trên thị trường đang ở mức cao, cụ thể cỡ khoảng 30 con/kg, giá từ 190.000 – 200.000 đồng/kg; cỡ khoảng 100 con/kg, giá từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Nếu vụ nuôi thuận lợi, dự kiến gia đình anh sẽ cung cấp khoảng 24 tấn tôm phục vụ thị trường Tết.

Giá tôm tăng cao những ngày cận Tết

 

“Từ đầu vụ 2024 đến nay, tôm nuôi thường xuyên rớt giá, dịch bệnh hoành hành như EHP, phân trắng, đốm trắng,… trong khi giá các loại thức ăn, thuốc và trang thiết bị phục vụ sản xuất tôm thì liên tục tăng, gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm. Tôi chỉ hy vọng vụ giáp Tết này giá tôm sẽ tăng và bình ổn để người nuôi tôm có thể kết thúc vụ mùa 2024 với niềm vui được mùa, trúng giá”, ông Phúc chia sẻ.

Ông Trần Văn Mừng, một hộ nuôi tôm tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Sau một thời gian dài vật lộn với giá tôm thấp và dịch bệnh, chúng tôi rất mừng khi thấy giá tôm bắt đầu phục hồi. Điều này giúp chúng tôi phần nào bù đắp lại những thiệt hại trước đó và có thêm động lực để tiếp tục đầu tư vào vụ nuôi mới”.

Còn tại miền Bắc, sau những biến cố, người nuôi tôm đang dần bắt nhịp lại với nhịp điệu sản xuất. Những ao nuôi tôm đã được sửa sang, khôi phục lại để bắt đầu một vụ nuôi mới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi hạ tầng, người dân vẫn kiên cường giữ vững tinh thần lạc quan và quyết tâm “có gì làm nấy” để nhanh chóng ổn định sản xuất. Tất cả mọi người cùng nhau nỗ lực, chung tay góp sức nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường trong dịp cuối năm.

Để đáp ứng sản lượng tôm cho vụ đông và tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi, bên cạnh việc khôi phục cơ sở vật chất, hợp tác xã Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả (HTX) cũng đang tích cực xuống giống, khôi phục sản xuất. Hiện tại, HTX đã hoàn tất việc lắp đặt nhà bạt cho 4 ao nuôi bị hư hỏng do bão, đồng thời ưu tiên thả tôm giống ở giai đoạn 1 – 2 với mật độ từ 1.500 con/kg đến 200 con/kg. Đối với các ao còn lại, sẽ tiến hành thả tôm ở các giai đoạn trưởng thành, nhằm đảm bảo cung ứng ra thị trường từ 40 – 45 tấn tôm mỗi tháng, với kích thước từ 30 – 35 con/kg.

Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả, Đặng Bá Mạnh, cho biết: “Mặc dù phải đối mặt với thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, chúng tôi đã nhanh chóng khôi phục, tái đàn và ổn định sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện tại, đầu ra tôm rất ổn định, với các tư thương thu mua ngay tại chỗ, giúp tiết kiệm chi phí cho người nuôi. Hơn nữa, giá tôm hiện đang ở mức cao khoảng 280.000 đồng/kg, vì vậy mặc dù sản lượng có giảm, nhưng lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao”.

Ông Bùi Huy Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Nhật Long (Quảng Ninh), chia sẻ: “Ngay sau cơn bão số 3, chúng tôi đã nhanh chóng huy động nhân lực, thiết bị và máy móc để khôi phục cơ sở vật chất cho 60 ao nuôi tôm. Nhân cơ hội thời tiết ấm áp, chúng tôi đã nỗ lực ổn định sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường; cứ khắc phục được đến đâu, chúng tôi sẽ thả giống đến đó. Hiện tại, các ao đầm của công ty đã cơ bản hoàn tất việc thả tôm giống”.

 

Chuyển mình mạnh mẽ hướng tới chuyên nghiệp hóa

Trải qua muôn vàn thách thức và biến động, ngành tôm Việt Nam đang từng bước thích ứng bằng cách thực hiện những thay đổi và cải tiến cần thiết, qua đó định hình lại hướng đi của mình.

Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân, nhận định rằng, trong bối cảnh phải đối mặt với các thách thức về môi trường, dịch bệnh và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không thể phủ nhận những nỗ lực đáng ghi nhận của các doanh nghiệp trong ngành tôm Việt Nam. Thời gian qua, họ đã triển khai nhiều sáng kiến đổi mới, từ việc ứng dụng công nghệ tiên tiến cho đến việc phát triển hạ tầng khu nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý môi trường, giảm thiểu phát thải, kéo dài chuỗi giá trị và gia tăng hiệu quả cho cả người nuôi và doanh nghiệp.

Trước những thách thức mà ngành tôm Việt Nam đang phải đối mặt, TS. Trần Lộc, Giám đốc Shrimpvet và là một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản, không ngừng nỗ lực để phát triển một mô hình nuôi tôm mới. Ông sắp đưa vào hoạt động một trang trại nuôi tôm rộng 30 ha với công suất đạt 1.500 tấn. TS. Trần Lộc kỳ vọng rằng trang trại này sẽ trở thành hình mẫu cho thế hệ nông dân trẻ tại Việt Nam, đồng thời mang lại những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng xuất và chất lượng tôm, cũng như giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.

Chia sẻ với báo chí, TS. Trần Lộc cho biết, mục tiêu của ông là xây dựng một trang trại nuôi tôm hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng năng suất và đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

“Do chịu tác động của biến đổi khí hậu, sự bùng phát dịch bệnh và ô nhiễm môi trường từ các hoạt động nông nghiệp thâm canh không bền vững, nền nông nghiệp quảng canh truyền thống ngày càng suy thoái. Nhận thức rõ những hạn chế của mô hình nông nghiệp truyền thống, tôi mong muốn xây dựng một trang trại hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động đến môi trường. Tôi sẽ thực hiện việc giám sát chặt chẽ các chỉ số môi trường, đặc biệt là lượng nước thải, để đảm bảo rằng hoạt động sản xuất của chúng tôi không gây ra ô nhiễm cho môi trường xung quanh”, TS. Trần Lộc chia sẻ với tờ The Fishsite.

Đứng trước bối cảnh hội nhập sâu rộng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, ngành tôm Việt Nam cần có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Tại một sự kiện gần đây, ông Trần Ngọc Hải, Trưởng Đại học Cần Thơ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế trong ngành tôm. Ông cho rằng, ngành tôm cần có những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành những người nuôi tôm chuyên nghiệp và hiệu quả. Người nuôi tôm cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi đối tượng nuôi, áp dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới sự bền vững. Đặc biệt, việc xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi ngành với các tiêu chuẩn quốc tế là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Phạm Huệ

VASEP: Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục

VASEP nhận định rằng ngành tôm đang có những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu, dự báo sẽ đạt gần 4 tỷ USD trong năm 2024, tăng trưởng ấn tượng so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 9,5 tỷ USD, với sự đóng góp mạnh mẽ từ ngành tôm, thể hiện niềm tin vào sự phát triển bền vững của ngành này trong thời gian tới. Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục, giá xuất khẩu ở các thị trường đang và sẽ tiếp tục tăng là động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm và năm 2025.

Tin mới nhất

T3,24/12/2024