Ngành tôm Việt: Nắm bắt cơ hội vàng để vươn mình mạnh mẽ

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Những thuận lợi về Hiệp định thương mại tự do, hiệp định thế hệ mới là EVFTA và CPTPP mang đến cho ngành tôm Việt Nam cơ hội lớn để mở rộng và cải thiện cơ cấu thị trường.

Ngày 21/ 08, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố thuế suất tôm Việt nhập vào Hoa Kỳ ở đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) cho 2 bị đơn bắt buộc và khoảng 30 doanh nghiệp còn lại đều bằng 0%. Trong bối cảnh giá tôm xuống thấp trong 6 tháng đầu năm, thì mức thuế trên thực sự là tin vui cho ngành tôm Việt, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành, vừa là cơ hội để cải thiện cơ cấu, kích thích sự năng động  của thị trường.

Với mức thuế 0%, theo dự báo, sản lượng tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ những tháng cuối năm nay sẽ có sự tăng trưởng đáng kể.  Tuy nhiên, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cũng đồng thời đưa một cảnh báo, cần quan tâm nhiều hơn đến việc đáp ứng tiêu chuẩn thị trường này, chỉ nên gia tăng xuất khẩu ở mức độ vừa phải, không quá ồ ạt dẫn đến khó kiểm soát về bài toán chất lượng, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.

Theo Ông Hồ Quốc Lực (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta), mức thuế mà DOC công bố cho thấy phản hồi tích cực và đánh giá khả quan từ phía thị  trường Hoa Kỳ. Từ quyết định đưa thuế suất về 0%, đồng nghĩa với việc các Doanh nghiệp Việt có xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ sẽ nhận lại được khoản tiền đặt cọc 4.58% giá trị của tôm đã xuất vào thị trường này. Điều này có ý nghĩa rất lớn, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thu hồi được vòng quay vốn, tăng lợi nhuận và có nhiều điều kiện để chia sẻ với người nuôi tôm về giá thu mua.

Như vậy, quyết định mới này từ chính phủ Hoa Kỳ chính là tin vui giúp người nuôi tôm và doanh nghiệp có thêm động lực để đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô. Thuế suất 0% giúp  tăng cường và tổng hoà lợi ích của mọi thành phần, mắt xích liên quan đến ngành tôm từ người nuôi, thương lái, doanh nghiệp và tựu chung là sự phát triển của ngành tôm nước nhà.

Thực tế cho thấy, sau 6 tháng đầu năm xuất khẩu tôm của Việt Nam đã bắt đầu có sự tăng trưởng chậm, đến tháng 7 vừa qua, xuất khẩu tôm Việt đã có sự tăng trưởng trở lại tại hầu hết các thị trường chính như: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada,… Trong đó, riêng thị trường Mỹ và Trung Quốc có sự tăng trưởng tới 2 con số. Theo số liệu công bố  từ VASEP, trong tháng 7, xuất khẩu tôm cả nước đạt trên 334 triệu USD, tăng 13.4% so với cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu tăng đã giúp giá tôm nguyên liệu trong nước và cả giá tôm xuất khẩu tăng trở lại và cùng với đó là nhu cầu thị trường cũng được cải thiện.

Hiện nay đã bước vào vụ tôm cuối năm, diện tích tôm ở các vùng nuôi lớn như đồng bằng sông Cửu Long thậm chí không còn nhiều, trong khi đó, nhu cầu về tôm cuối năm cuối năm tăng cao, giá tôm tăng mạnh trở lại,. Điểm qua một vài thông tin trên, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng vào vụ tôm cuối năm và giá trị tôm xuất khẩu sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới. Như vậy, sau hơn nửa năm chờ đợi và hy vọng, cuối cùng cơ hội cũng đến với vụ tôm nước lợ 2019, dù có hơi muộn màng đôi chút.

Tin mới nhất

CN,24/11/2024