Ngành tôm Indonesia bị tác động mạnh bởi thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ

[Người Nuôi Tôm] – Việc từ chối nhập khẩu tôm chân trắng nuôi từ Indonesia vào Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến cán cân xuất khẩu của nước này.

Ngành tôm Indonesia bị tác động mạnh bởi thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ (Ảnh: Hoàng Huynh)

 

Các công ty tôm ở Indonesia đang bắt đầu cảm nhận được tác động tiêu cực của thuế chống bán phá giá gần đây do Hoa Kỳ áp đặt, khiến các nhà xuất khẩu nước này phải gấp rút tăng doanh thu và giảm chi phí tại các thị trường khác.

Tháng 11/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã mở cuộc điều tra nhằm đáp lại các kiến nghị từ Hiệp hội các nhà chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA), cáo buộc tôm nhập khẩu được hưởng lợi từ những lợi thế không công bằng tại thị trường Hoa Kỳ. DOC xác định sơ bộ rằng các khoản trợ cấp mà ngành tôm Indonesia nhận được là không đủ để biện minh cho thuế đối kháng. Tuy nhiên, cơ quan này phát hiện ra rằng lĩnh vực này phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 6,3%.

Budhi Wibowo, Chủ tịch Hiệp hội tiếp thị, chế biến và sản xuất thủy sản Indonesia (AP5I), cho rằng mức thuế này có thể dẫn đến tổn thất tài chính và cơ hội việc làm. Wibowo nhấn mạnh rằng Indonesia, một trong những nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới, đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng việc xem xét các lập luận này có thể đưa ra những quan điểm mới trước quyết định cuối cùng.

Đại diện doanh nghiệp tại Indonesia, ông Cicilia Darmali, Tổng Giám đốc công ty Siam Canadian, các nhà đóng gói địa phương phải chịu các mức thuế này đang gặp khó khăn khi bán sản phẩm tại Hoa Kỳ, do bị áp đặt biên lợi nhuận, đối mặt với mức giá không cạnh tranh và khó tạo ra doanh thu. Để giảm thiểu tác động thuế quan, họ đã cố gắng giảm giá nguyên liệu thô, mặc dù quá trình này diễn ra chậm do nguồn cung hạn chế.

Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia (KKP) đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Thương mại và các cơ quan chính phủ khác để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ, bất chấp những thách thức. Họ cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Indonesia tại Washington DC để đảm bảo liên lạc hiệu quả với chính quyền Hoa Kỳ và chống lại quyết định sơ bộ về biên độ bán phá giá. Ngoài ra, ngành tôm Indonesia cũng ráo riết tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc để chống lại tác động từ thuế quan của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia từ Shrimp Insights, Indonesia đang gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa thị trường cho cả tôm thẻ nguyên liệu và các sản phẩm giá trị gia tăng, với nhu cầu khó lường từ Trung Quốc và mức tăng trưởng khiêm tốn ở các thị trường châu Á và EU. Trong quý I/2024, đà xuất khẩu của Indonesia tiếp tục giảm, với tổng xuất khẩu tôm của cả nước giảm 8%. Xuất khẩu tôm thẻ nguyên liệu giảm 18%, trong khi các sản phẩm giá trị gia tăng giảm 3%.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường trọng điểm cho tôm của Indonesia, nhưng nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ để giành thị phần tại Hoa Kỳ ngày càng gay gắt, đặc biệt là các sản phẩm nấu chín và tẩm bột.

Tố Uyên

Tin mới nhất

T3,03/12/2024