Ngành tôm đối mặt khó khăn mới

Ngành tôm gặp thách thức mới với vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ sau một năm khó khăn, xuất khẩu sụt giảm hơn 20%

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), vào cuối tháng 11-2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng công báo khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Sản phẩm bị điều tra là tôm nước ấm đông lạnh thuộc các mã HS 0306.17, 1605.21 và 1605.29. Thời kỳ điều tra trợ cấp là năm 2022 và điều tra thiệt hại từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2023.

Điều tra trợ cấp

Theo DOC, do tôm tươi nguyên liệu chiếm tỉ trọng lớn, đến 95% giá trị của tôm nước ấm đông lạnh nên việc trợ cấp cho các nhà cung cấp tôm tươi của Việt Nam cũng được coi là trợ cấp dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm đông lạnh. DOC đã chọn 2 doanh nghiệp (DN) Việt Nam là bị đơn bắt buộc và đề nghị các DN này phải giải trình theo những yêu cầu mà cơ quan này đưa ra.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 800 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Mỹ, chiếm khoảng 20% tổng thị phần tôm xuất khẩu vào nước này.

Liên quan đến vụ việc này, mới đây VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.

Thu hoạch tôm tại Sóc Trăng (Ảnh: NGỌC ÁNH)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, quyết định việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh sẽ hỗ trợ tích cực cho ngành tôm.

Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các DN xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội hỗ trợ thông báo đến các DN xuất khẩu sản phẩm bị điều tra; chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án ứng phó, xử lý vụ việc. Đối với các DN sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị rà soát các chương trình, chính sách hỗ trợ nhận được (nếu có) trong giai đoạn điều tra, chuẩn bị trước các hồ sơ, sổ sách chứng từ liên quan. “DN cần chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Mỹ, các yêu cầu cung cấp thông tin của DOC để tuân thủ đúng trong trường hợp tham gia vụ việc. Cùng với đó, chuẩn bị nguồn lực cho việc xử lý vụ việc” – đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay.

Trước vụ việc DOC khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng nhu cầu bảo vệ cho sản xuất trong nước của các quốc gia ngày càng tăng nên số lượng các biện pháp phòng vệ thương mại được các nước điều tra áp dụng ngày càng nhiều. Khi vướng vào một vụ việc cụ thể, DN xuất khẩu phải liên hệ với luật sư của nước sở tại để được tư vấn, với mức chi phí khá cao, cũng như chi phí theo đuổi vụ kiện nên DN cần tính toán cụ thể. Bên cạnh đó, các DN cần chủ động phối hợp, liên kết với những DN khác có cùng mặt hàng xuất khẩu để lên kế hoạch ứng phó chung. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương, trong đó có Cục Phòng vệ thương mại, để được hướng dẫn và có thông tin cần thiết.

Đẩy mạnh chế biến, hạ giá thành

Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 với giá trị xuất khẩu đạt 3,4 tỉ USD, giảm 22% so với năm 2022. Năm 2024, dù còn gặp nhiều thách thức, trong đó có việc Mỹ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh nhưng VASEP dự báo giá trị xuất khẩu của ngành có thể đạt khoảng 4 tỉ USD với những giải pháp như đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng và tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi để hạ giá thành.

Cụ thể, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng của Việt Nam hiện chiếm 40% – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hằng năm. Trình độ chế biến của các DN Việt thuộc mức cao trên thế giới nên đây là một lợi thế cạnh tranh lớn. Các sản phẩm tôm chế biến sâu nổi bật của Việt Nam như: tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, sau khi có thông tin Mỹ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm Việt Nam, các DN hạn chế xuất khẩu 2 mặt hàng trong diện bị điều tra để tránh bị ảnh hưởng, chuyển hướng sang các mặt hàng chế biến sâu như: tôm bao bột, tôm chiên… Ông Lực cũng cho hay ngoài Việt Nam thì 3 nước xuất khẩu tôm lớn vào Mỹ là Ecuador, Ấn Độ, Indonesia cũng bị điều tra tương tự. Do đó, về cạnh tranh, tôm Việt Nam không quá bất lợi tại thị trường Mỹ.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cũng có nhận định tương tự về xuất khẩu tôm vào Mỹ năm 2024. Tuy nhiên, lo lắng của ông Lĩnh là khi tôm giá rẻ từ Ecuador không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ chuyển hướng “tấn công” thị trường châu Âu, Nhật Bản làm ảnh hưởng đến thị phần của Việt Nam. “Năm nay, ngành tôm tiếp tục vẫn khó khăn. Ngay từ đầu năm, các DN giao những lô hàng ký trước đã bị lỗ vì cước tàu đột ngột tăng cao” – ông Lĩnh lo lắng.

Minh Chiến – Vương Ngọc 

Nguồn: nld.com.vn

 

Vụ việc có thể được chấm dứt

Theo Cục Phòng vệ thương mại, kết luận cuối cùng của cuộc điều tra chống trợ cấp dự kiến được đưa ra vào ngày 17-5-2024. Tuy nhiên, chỉ khi DOC xác định có tồn tại trợ cấp và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ xác định ngành sản xuất nội địa Mỹ bị thiệt hại do hàng nhập khẩu có trợ cấp gây ra thì Mỹ mới ban hành lệnh áp thuế với Việt Nam. Nếu một trong hai bên xác định không tồn tại trợ cấp hoặc thiệt hại, vụ việc sẽ chấm dứt.

Tin mới nhất

T6,22/11/2024