Ngành tôm đối diện ‘nút thắt cổ chai’, chuyên gia nói phải lấy 2024 làm năm bản lề cho hồi phục

Bên cạnh những thách thức chung của thủy sản thế giới, ngành tôm Việt Nam còn phải thêm những thách thức đến từ giá thành tôm cao, trong khi đó giá đầu ra duy trì ở mức thấp và ‘chưa biết đến bao giờ hồi phục’. Giữa bối cảnh đó, tập trung vào mặt hàng chế biến sâu và tìm kiếm những thị trường cao cấp là một hướng đi tương đối khả quan.

Những thách thức của ngành tôm trong nửa đầu năm

Cùng với màu ảm đạm chung của ngành thủy sản 6 tháng đầu năm 2023, bức tranh thị trường tôm cũng không tránh khỏi sự giảm sút. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc) đồng loạt giảm 2 con số, trong đó giảm mạnh nhất thị trường EU với 48,9%, Mỹ giảm 38,1%, Hàn Quốc 28%, Nhật Bản giảm 29% và Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.


(Số liệu: Cục Xuất nhập khẩu, VASEP, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế ngành tôm 2023, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), Chủ tịch HĐQT Sao Ta (mã: FMC) đánh giá, so với các nước trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam có phần giảm mạnh nhất.

Lý giải nguyên nhân, ông Lực cho biết, những khó khăn của ngành tôm đến từ lạm phát, suy thoái toàn cầu khiến sức cầu giảm. Vấn đề này đã xuất hiện từ khi có xung đột giữa Nga – Ukraine, tác động mạnh đến 6 tháng cuối năm ngoái và kéo dài cho đến hiện tại.

Tiếp đến là sức cung tôm trên toàn thế giới tăng mạnh. Dẫn thông tin từ các diễn giả, chuyên gia cho hay trong năm 2023, sản lượng nguồn cung tôm trên toàn cầu khoảng 6 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2022, số lượng tôm luân chuyển trên sàn thương mại khoảng 5 triệu tấn. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, sản lượng tôm xuất khẩu giảm 30% do dịch bệnh và giá thành cao.

“Đây là những thách thức vô cùng lớn, là “nút thắt cổ chai” của ngành tôm Việt Nam hiện nay” – ông Lực nhận định.

Ngoài ra, việc giá tôm đang quá thấp, trong khi chi phí cao dẫn tới số lượng tôm thả giống trên thế giới giảm khoảng 50%, dẫn tới nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu từ quý III trở đi. Đây là khó khăn cục bộ, nhưng vẫn tác động đến ngành tôm nước ta.

Hai kịch bản cho ngành tôm nửa cuối năm 2023

Cho những tháng còn lại của năm 2023, chuyên gia đánh giá đã có những cơ sở để tiêu thụ tôm khá hơn. Đến từ việc đã qua cao điểm cung ứng tôm nguyên liệu, lượng tôm cung ứng từ các cường quốc sẽ giảm dần, cung giảm dẫn tới cầu tăng để tích trữ. Thêm vào đó, những tháng cuối năm là cao điểm của lễ hội, mảng dịch vụ (điểm vui chơi, nhà hàng,…) sẽ sôi nổi và lượng tôm chế biến được tiêu thụ sẽ cao hơn, phù hợp với Việt Nam khi nước ta có tôm chế biến sâu cao, chiếm thị phần lớn tại tất cả các nước xuất khẩu.

Nhận định về thị trường, ông Lực đưa ra 2 kịch bản: Một là vượt qua khó khăn, phục hồi kéo dài qua năm sau và hai là tình hình năm nay sẽ tái hiện năm sau, nghĩa là khó khăn sẽ còn tiếp diễn.

Giá tôm Việt Nam “chưa biết đến khi nào hồi phục”. Ảnh: Sao Ta

Ngoài những yếu tố chủ quan như đã phân tích, những tác động khách quan vẫn còn khó lường. “Điều này mức độ phục hồi kinh tế thế giới như lạm phát, suy thoái có thể dừng hay không, lúc nào dừng… Không ai có thể trả lời được câu hỏi này” – Vị chuyên gia đánh giá.

Cũng tại Hội thảo, một số diễn giả khác cho rằng, giá tôm diễn biến ra sao không ai có thể dự đoán được. Thậm chí phải lấy 2024 là năm bản lề để phục hồi vì không cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm nay, khiến sức tiêu thụ 6 tháng cuối năm khá “mong manh”, không tăng trưởng đáng kể.

Bên cạnh đó, ông Lực phân tích rằng khả năng cung ứng tôm nguyên liệu giảm, nhưng thực tế tình hình tôm cung cấp đến các nhà máy có giảm hay không thì chưa chắc, vì phỏng đoán hàng tồn kho tại các nhà máy chế biến nước trên thế giới còn lớn. Điển hình như tại Ấn Độ, sản lượng nuôi 6 tháng đầu năm không có nhiều thay đổi, thậm chí giảm 15%, nhưng doanh số xuất khẩu giảm chỉ 1%, rất có thể lượng tôm xuất khẩu này lấy từ lượng hàng tồn kho còn từ 6 tháng cuối năm 2022. Đây chỉ là những phỏng đoán, vì không có số liệu cụ thể về vấn đề này.

Ngoài ra, tình hình nuôi tôm trong giai đoạn EI Nino đầy rủi ro bất ngờ, tác động tiêu cực đến lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nói riêng.

Đề xuất giải pháp thiết yếu, ông Lực cho biết để hạ giá thành tôm giống thì không thể thành công trong thời gian ngắn. Để khắc phục nhược điểm giá thành cao hơn 1-2 USD so với mặt bằng chung, ngành tôm Việt cần nỗ lực phát huy thế mạnh là nâng cao trình độ chế biến. Sản phẩm chế biến sâu có giá trị thặng dư đáp ứng được kỳ vọng thu về lợi nhuận cao, chia sẻ cho người nuôi tôm, nghĩa là các nhà máy mua tôm từ người nuôi với giá cao hơn so với mặt bằng chung thế giới. Song song đó là tìm thêm mặt hàng mới và thị trường phù hợp với thế mạnh để phát huy được ưu thế, đồng thời tránh sự cạnh tranh với các đối thủ mạnh.

Bài toán giảm giá thành phụ thuộc rất lớn vào nâng cao tỷ lệ thành công trong nuôi tôm giống, mà điều này tập trung vào 3 yếu tố chính là giống, nước và thức ăn.

Giống là yếu tố quyết định. Vấn đề nóng bỏng hiện nay là giám sát, quản lý tôm giống để hạn chế tôm giống không đạt chất lượng lưu thông trên thị trường. Thêm vào đó, cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi. Việt Nam nuôi tôm nhỏ lẻ, tự phát, phá quy hoạch nên hệ thống thủy lợi hiện có không còn phù hợp. Do đó, Nhà nước cần quy hoạch lại để có nguồn nước sạch, tránh lây nhiễm chéo dịch bệnh qua các chuồng nuôi. Bên cạnh đó là yếu tố thức ăn (chiếm 60% giá thành tôm nuôi) cũng cần được chú ý.

Một vấn đề được ông Lực đặc biệt nhấn mạnh là phát huy bền vững, xây dựng thương hiệu tôm. Hiện nay, Ecuador xây dựng thương hiệu tôm từ quốc gia (SSP), tôm thân thiện với môi trường (ASC). Còn Việt Nam xây dựng thương hiệu từ doanh nghiệp, sau đó sẽ lan tỏa thành thương hiệu quốc gia.

Muốn vào thị trường EU, các thị trường cao cấp để cải thiện giá, bên cạnh FTA, chúng ta cần có chứng chỉ ASC. Nhưng muốn có chứng chỉ này, vùng nuôi cần lớn, tổ chức bài bản. Trong khi đó, Việt Nam nuôi tôm nhỏ lẻ, rất khó để đạt được quy chuẩn này.

“Muốn phát triển bền vững cần chính sách đất đai, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, khuyến khích nông dân tập trung đất đai để có trang trại nuôi tôm lớn, đạt đủ chứng nhận ASC để thâm nhập hệ thống cao cấp. Có tập trung cũng mới có thể ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi tôm để tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, từ đó góp phần nâng tầm tôm Việt Nam trên trường thế giới trong bối cảnh khó khăn khó lường”, vị Chủ tịch Sao Ta kiến nghị.

Nguồn: Doanhnhanvn.vn

Tin mới nhất

T5,21/11/2024