Ngành tôm ĐBSCL: Nhanh chóng phục hồi, tăng tốc sản xuất

[Người Nuôi Tôm] – Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 vẫn trên đà tăng trưởng sau thời gian chững lại. Việc này đã góp phần thúc đẩy giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL tăng dần lên.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch tôm.

 

Mở ra nhiều tín hiệu vui

Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đang phục hồi và tăng dần trong vài tuần qua đã phần nào giải tỏa áp lực rủi ro đối với các hộ nuôi. Hiện nay, giá mua tại ao đối với tôm thẻ cỡ 100 con/kg là 90.000 đồng, loại 40-60 con/kg từ 120.000-140.000 đồng, 30 con/kg: 160.000 đồng, 25 con/kg: 180.000 đồng, 20 con/kg: 240.000 đồng. Tôm sú loại 20 con/kg được tư thương mua với giá khoảng 250.000 đồng, 30 con/kg từ 180.000-190.000 đồng. Với mức giá thu mua như vậy, người nuôi tôm vẫn có lãi dù giá thức ăn và các loại thuốc thủy sản vẫn ở mức cao.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại các địa phương có sản lượng tôm nuôi và xuất khẩu lớn nhất nước như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… Song, việc giá tôm nguyên liệu tăng dần vào cuối năm đã xua tan nỗi lo lắng cho người nuôi.

Ông Ngô Minh Nguyên, ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, cho biết vừa thu hoạch ao tôm thẻ được gần 1 tấn, kích cỡ 30 con/kg, bán được giá 160.000 đồng/kg, lãi gần 70 triệu đồng. “Tháng trước, vì lo ngại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới giá tôm cuối năm nên tôi định thu hoạch sớm cả 4 ao tôm. Nếu bán lúc đó thì chỉ có thể thu hồi vốn chứ không có lãi. Nhưng khi giá tôm có dấu hiệu tăng trở lại, tôi chỉ thu hoạch 1 ao. Còn lại 3 ao, tôm cũng có kích cỡ tương tự, tôi đợi đạt cỡ lớn hơn và giá nhích lên thêm mới thu hoạch để được nhiều lãi hơn”, ông tính toán.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: thông thường vào những tháng cuối năm, giá tôm nguyên liệu cao hơn các tháng khác trong năm. Vì vậy, ở thời điểm này, người nuôi tôm ai cũng đặt kỳ vọng lớn vào vụ nuôi cuối năm. Sau khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu tôm vẫn cao. Việc sản xuất, chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 tháng tới khi tỉ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh, thành ĐBSCL tăng lên nhanh chóng, hạn chế tác động của dịch Covid-19.

Hiện tại nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL có khá nhiều diện tích nuôi siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh tại một số vùng nuôi thuận lợi về nguồn nước, nông dân đang tích cực cải tạo chuẩn bị thả nuôi sớm vì giá tôm được dự báo sẽ còn ở mức cao cho đến tận quý I/2022. Tại Sóc Trăng, các trang trại nuôi tôm lớn của các doanh nghiệp: Sao Ta, Vinacleanfood, Stapimex, Khánh Sủng… đầu tư đều đã thu hoạch dứt điểm và đang chuẩn bị thả nuôi sớm vụ mới để chủ động nguyên liệu trong những tháng đầu năm 2022.

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: Năm nay tính ra quay vòng cũng được hơn 2 vụ/ năm, với tổng sản lượng tôm thu hoạch trên 3.000 tấn và chuẩn bị thả vụ mới. Còn tại trang trại của Sao Ta, theo ông Hồ Quốc Lực do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát trở lại khi tôm cũng đạt size nên Công ty quyết định thu hoạch toàn bộ 300 ao vụ 2 ngay trong tháng 11. Trại tôm hiện đang trong giai đoạn cải tạo và cũng sẽ thả nuôi sớm nếu điều kiện cho phép.

Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, giá tôm tăng cao sau thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh đã mở ra tín hiệu vui cho người dân vùng biển. Tỉnh Bến Tre có diện tích nuôi tôm biển khoảng 35.000 ha, sản lượng đạt hơn 55.000 tấn/năm. Hiện nay người dân đang dần chuyển đổi sang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn, nuôi tôm quảng canh cải tiến mang lại hiệu quả cao lợi nhuận tăng lên nhiều lần so với nuôi tôm theo cách truyền thống như trước đây.

Năm 2021, tỉnh Bạc Liêu thả nuôi gần 140.000 ha tôm nuôi, trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh gần 9.000 ha. Các đơn vị đi đầu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là Việt – Úc, Long Mạnh, Trúc Anh, Huy Long An – Bạc Liêu, C.P. Việt Nam – Chi nhánh Bạc Liêu… Hiện nay, giữa vùng nuôi và các chuỗi cung ứng về nuôi trồng thủy sản, sẽ tạo điều kiện cho thông thoáng. Đặc biệt là kịp thời để người nuôi tôm có thể tiêu thụ tôm, cung ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tôm. Đồng thời, xuất khẩu được giá trị con tôm ra thị trường nước ngoài đạt mục tiêu đề ra đến cuối năm.

Dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, xuất khẩu tôm ở ĐBSCL những tháng cuối năm 2021 vẫn trên đà tăng trưởng.

 

Thành công trong đại dịch

Vụ tôm nước lợ năm 2021 ở ĐBSCL về cơ bản đã kết thúc và được đánh giá là khá thành công ở cả 3 chỉ tiêu: diện tích, năng suất, sản lượng.

Hiện trong khu vực các tỉnh ĐBSCL chỉ có Sóc Trăng là địa phương còn diện tích tôm chưa thu hoạch tương đối lớn, chủ yếu là số diện tích nuôi lót bạt, ao tròn nổi 2 – 3 giai đoạn và mô hình nuôi tôm sú. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến trung tuần tháng 11, toàn tỉnh thả nuôi 51.507,2 ha, đạt 101% so kế hoạch và bằng 100,1% so cùng kỳ năm 2020; trong đó, diện tích tôm thẻ chân trắng là 38.983,1 ha, còn lại là tôm sú. Kết quả thu hoạch trên 38.000 ha cho sản lượng trên 164.000 tấn. Trong đó, tôm thẻ chân trắng gần 150.000 tấn, tôm sú chỉ khoảng 14.000 tấn.

Như vậy, đến thời điểm trên, Sóc Trăng còn khoảng 10.000 ha tôm chưa thu hoạch, nên khả năng sản lượng tôm năm 2021 của Sóc Trăng sẽ vượt xa so với kế hoạch. Không chỉ có Sóc Trăng, các tỉnh trọng điểm nuôi tôm trong khu vực ĐBSCL đều cho biết, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 và giá tôm thấp trong thời gian dài nhưng sản lượng tôm năm nay vẫn đạt khá so với kế hoạch đầu năm. Riêng tỉnh Cà Mau, lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, sản lượng tôm năm nay nhiều khả năng không đạt theo kế hoạch dù diện tích đang có tôm khá nhiều, nhưng chủ yếu là mới thả nuôi hơn một tháng theo mô hình quảng canh là chính. Hiện tại, số diện tích nuôi siêu thâm canh, thâm canh của mỗi tỉnh còn lại không nhiều, riêng số diện tích nuôi tôm – lúa hiện lúa vẫn chưa thu hoạch, nên phải đến đầu năm 2022 mới có thể tiến hành thả giống.

Hiện các doanh nghiệp ngành tôm đã tăng tốc trở lại khi giá tôm ở mức cao và dự báo sẽ còn ổn định đến tận quý I/2022

 

Theo Chi cục Thủy sản Cà Mau, đối với những diện tích nuôi quảng canh, người nuôi cần lưu ý 2 yếu tố tác động chính là: triều cường và hạn mặn. Rút kinh nghiệm thiệt hại do đợt triều cường tháng 12 năm ngoái, ngành khuyến cáo, tại những vùng nuôi bị ảnh hưởng, người nuôi cần tôn bờ lên cao, theo dõi dự báo để xử lý kịp thời. Còn những vùng nuôi sâu trong nội đồng phải có ao chứa nước đủ lớn để khi nhiệt độ hay độ mặn tăng cao có nguồn nước để thay đổi hoặc bổ sung. Đối với những diện tích còn tôm của các tỉnh, nông dân đang tập trung chăm sóc chu đáo vì hiện giá tôm vẫn còn ở mức cao.

Từ nay đến Tết Nguyên đán ngành tôm dự báo sẽ đón tín hiệu vui. Hiện nay, nhịp độ sản xuất và xuất khẩu tại các doanh nghiệp ngành tôm đã tăng tốc trở lại khi giá tôm ở mức cao và dự báo sẽ còn ổn định đến tận quý I/2022, thị trường nhập khẩu được phục hồi với sức mua tăng cao. Đây được đánh giá là thời điểm “vàng” để ngành tôm gia tăng xuất khẩu.

Bảo Yến

Tin mới nhất

T7,23/11/2024