Nam Định: Nông dân nuôi tôm xuất sắc nhờ ứng dụng công nghệ

[Người Nuôi Tôm] – Anh Trần Văn Thủy, Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, là một tấm gương tiêu biểu trong việc vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng nhờ ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm. Ước tính mỗi năm đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Anh Trần Văn Thủy kiểm tra tình hình phát triển của tôm (Ảnh: Đào Cảnh)


Từ ngược xuôi học cách nuôi tôm

Xuất thân từ vùng đất thuần nông thuộc xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, anh Trần Văn Thủy (SN 1988) đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để trở thành một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Với tinh thần đổi mới và quyết tâm bền bỉ, anh đã xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, ước tính mỗi năm thu về hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau những trái ngọt ấy là cả một hành trình đầy nan nan và thử thách.

Từ nhỏ anh Thủy đã thấu hiểu được nỗi vất vả của công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh phải gác lại ước mơ học hành để đi làm phụ giúp bố mẹ.

Năm 2016, anh trở về quê hương và bắt đầu công việc đầu tiên là hỗ trợ gia đình trong việc nuôi tôm, cá. Vừa học, anh vừa làm, anh không ngừng học hỏi; anh đã lặn lội đến các trang trại nuôi tôm thành công để tham quan và tích lũy kinh nghiệm, nhằm làm phong phú thêm kiến thức và kỹ năng của bản thân.

Khi đã tích lũy đủ kiến thức và kỹ năng, năm 2017, anh Thủy quyết định khởi nghiệp với vụ nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên trên diện tích khoảng 3.000m2. Nhờ vào tính cách chăm chỉ, cần cù và điều kiện thời tiết thuận lợi, lứa tôm đầu tiên đã mang lại cho anh những thành công vượt trội. Sau khi trừ hết chi phí, anh thu về lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mặc dù thu nhập từ nuôi tôm đã hơn hẳn các ngành nghề khác tại địa phương, tuy nhiên, không bằng lòng với những gì đã có được, anh Thủy tiếp tục nghiên cứu cách nuôi mới, tham gia nhiều lớp tập huấn về nuôi tôm công nghệ cao, đồng thời đi đến các trang trại nuôi tôm lớn ở các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam để học hỏi kỹ thuật nuôi, cách làm ao nuôi khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm trái vụ để tăng thêm thu nhập.

Anh Thủy chia sẻ: “Có thời gian, tôi vào tận miền Nam, tìm các cơ sở nuôi tôm thành công để học hỏi kinh nghiệm. Nhận thấy nuôi tôm công nghệ cao, chi phí đầu tư khá lớn, nhưng tỷ lệ thành công cao, nên tôi quyết định chuyển từ nuôi tôm thủ công, sang nuôi tôm công nghệ cao…”.

 

Đến người nuôi tôm thành công, thu tiền tỷ mỗi năm

Nếu như trước đây, khi nuôi tôm trong ao đất truyền thống, mỗi năm anh Thủy chỉ có thể thực hiện được 2 vụ và chỉ nuôi trong mùa Hè do thời gian của mỗi vụ kéo dài, có khi tới 5 tháng. Thì nay, nhờ áp dụng công nghệ cao, mỗi vụ tôm rút ngắn chỉ còn hơn 3 tháng, đặc biệt, anh Thủy còn có thể nuôi tôm quanh năm. Hơn nữa, giá tôm nuôi vụ Đông có thể cao gấp đôi so với nuôi chính vụ trong mùa Hè.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thành công, anh Thủy cho biết, nguồn nước nuôi tôm đặc biệt quan trọng. Do đó, muốn nuôi tôm thành công người nuôi phải đặc biệt quan tâm đến môi trường nước. Nước khi cho vào ao nuôi tôm phải được kiểm tra thường xuyên để cân bằng các chỉ tiêu về độ mặn, kiềm, độ PH…

Anh Thủy không ngần ngại chia sẻ: “Mặc dù, nuôi tôm công nghệ cao nhưng tôi không nuôi tôm trực tiếp trong một bể từ lúc thả đến lúc xuất bán mà chia thành 3 giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1, ương tôm từ lúc thả cho đến lúc khoảng 30 ngày tuổi. Lúc này, khi tôm đạt kích cỡ từ 500 – 700g sẽ được đưa sang ao nuôi ao khác nuôi tiếp ở giai đoạn 2. Ở giai đoạn 2, tôm sẽ được san vào các bể với số lượng con giảm đi, tôm được nuôi đến khi đạt kích thước từ 120 – 200 con/kg thì chuyển sang giai đoạn 3. Ở giai đoạn 3, đây là giai đoạn nuôi tôm thương phẩm, tôm sẽ tiếp tục được chuyển vào các ao có diện tích lớn hơn và được nuôi từ 30 – 40 ngày cho đến khi đạt kích thước từ 30 – 40 con/kg”.

Theo anh Thủy, việc chia tôm trên thành từng giai đoạn như trên sẽ giúp anh dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước, giúp tôm sinh trưởng phát triển đồng đều và cho trọng lượng lớn hơn.

Nuôi tôm theo công nghệ cao trong nhà kính đã giúp anh Thủy có thu nhập cao hơn hẳn. Đến nay, anh Thủy sở hữu 3 ha nuôi tôm công nghệ cao, với 4 ao xử lý nước, 6 bể ươm tôm giống, 24 ao nuôi tôm thương phẩm và 2 ao xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Mỗi năm, anh Thủy xuất ra thị trường gần 100 tấn tôm thương phẩm, cho thu nhập gần 3 tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Thủy đã tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương. Những kinh nghiệm quý báu trong nuôi tôm cũng được anh chia sẻ rộng rãi, giúp nhiều hộ dân khác học hỏi và áp dụng.

Với những thành tích xuất sắc, anh đã nhận được nhiều bằng khen danh giá, trong đó có danh hiệu “hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương” năm 2017 – 2021. Năm 2020 – 2023, anh nhận bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong lao động do Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khen thưởng.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm đang mở ra một hướng đi bền vững, giúp giải quyết triệt để tình trạng tôm nhiễm bệnh và nâng cao năng suất. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao không chỉ giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh mà còn đảm bảo đầu ra ổn định, mang lại nguồn thu nhập cao cho người nuôi. Nhờ đó, người nuôi có thể chủ động về thời vụ, tránh được tình trạng được mùa mất giá, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hảo Mai (Tổng hợp)

Tin mới nhất

T7,04/01/2025