Năm 2025 xuất khẩu tôm hướng đến mục tiêu 4,3 tỷ USD

[Người nuôi tôm] – Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm qua, ngành tôm Việt Nam vẫn kiên cường vượt qua khó khăn nhờ nỗ lực và quyết tâm. Từ những kết quả đã đạt được, trong năm 2025, ngành tôm tiếp tục đặt mục tiêu mới tiến tới nâng cao giá trị xuất khẩu.

Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu

Năm vừa qua, ngành tôm của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Các yếu tố như diện tích nuôi trồng tôm, sản lượng xuất khẩu và chất lượng sản phẩm đã có sự cải thiện đáng kể. Đặc biệt, ngành tôm của Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, với nhiều cải tiến về công nghệ nuôi trồng, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là tại các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ và các nước EU. Những chiến lược phát triển bền vững và cải thiện chuỗi cung ứng cũng đã giúp ngành tôm duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Theo số liệu thống kê, kết quả sản xuất tôm nước lợ năm 2024 so với chỉ tiêu kế hoạch của Quyết định 79 đến năm 2025  hầu hết hoàn thành, chỉ có tôm càng xanh chưa đạt chỉ tiêu về sản lượng. Cụ thể, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 749.800 ha cơ bản hoàn thành kế hoạch (KH) đến năm 2025, đạt 99,7% KH (750.000 ha); diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 68.000 (136,0% KH); nuôi tôm hùm đạt 3.812.272 m3 lồng ( đạt 293,3% KH).

Về sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 1.290.000 tấn, hoàn thành vượt kế hoạch đến năm 2025 (117,3%); tôm càng xanh đạt 34.000 tấn (đạt 67,9 % KH); tôm hùm đạt 3.962 tấn (đạt 132,1% KH). Theo VASEP, giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 3,95 tỷ USD (đạt 46,4% KH (8,4 tỷ USD), tăng 14% so với năm 2023, Riêng trong Quý IV/2024 tăng 23%. 

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 107 thị trường. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hồng Kông tăng từ 11% lên 39%; thị trường Hàn Quốc giảm 3%; thị trường Canada, Anh, Australia tăng từ 4% lên 33%. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc & Hồng Kông là top 3 thị trường nhập khẩu tôm chân trắng của Việt Nam lần lượt chiếm 23%, 13% và 11% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam. Trung Quốc & Hồng Kông, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng là top 3 thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam chiếm 23%, 21% và 16% tổng giá trị xuất khẩu tôm sú của Việt Nam.

Mục tiêu gia tăng giá trị xuất khẩu 

Bước sang năm 2025, xuất khẩu tôm bước đầu có nhiều khởi sắc. Theo đó, trong tháng 1/2025, tôm tiếp tục là mặt hàng tăng trưởng mạnh mẽ nhất với giá trị xuất khẩu đạt 273,349 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2025 đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 4-4,3 tỷ USD.

Năm 2025, xuấ khẩu tôm đặt mục tiêu 4,3 tỷ USD. Nguồn; VASEP

 

Năm 2025, theo dự báo của các chuyên gia, ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trong quý đầu năm 2025; tiếp tục cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ vè giá và nguồn cung. Bên cạnh đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng bởi 2 vụ kiện CDV và AD, trong khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu mạnh hơn nhưng lại trả giá thấp. 

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, năm 2025 đã có những tín hiệu tích cực hơn như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, Eu) khi doanh số xuất khẩu tôm việt Nam đều tăng. Đặc biệt là những thay đổi về chính sách thuế của Mỹ đối với một số nước như Ecuador, Trung Quốc có thể là cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam ở thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Dự báo nguồn cung tôm nước lợ toàn cầu có thể giảm trong Quý I/2025 nhưng tiếp tục tăng đạt 6,1 triệu tấn trong năm 2025. Nhu cầu tăng ở thị trường Hoa Kỳ (14%) và EU (11%) trong khi sản xuất tôm Trung Quốc đang chững lại, Indonesia đang giảm trong năm 2023-2024 và có thể dần khôi phục trở lại là thách thức cũng là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2025. 

Nếu có động lực hỗ trợ và tháo gỡ những bất cập nội tại trong sản xuất, chế biến và cả chuỗi giá trị, xuất khẩu tôm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

Phương Nhung

Tin mới nhất

T5,20/02/2025