Mở lối cho ngành thủy sản: Sử dụng chế phẩm sinh học có trách nhiệm

Dễ mua, dễ sử dụng, thậm chí có những trường hợp tiếp tay tiêu thụ chế phẩm sinh học không đạt chất lượng, do vậy thắt chặt việc kiểm soát và tăng cường hậu kiểm là vô cùng cần thiết.

Nông dân được khuyến cáo không sử dụng kháng sinh cấm, bừa bãi trong nuôi trồng thủy sản.

Kiểm soát từ gốc

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, ngoài 3ha tự có, HTX Kỳ Như, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, còn liên kết với các hộ nuôi trong vùng sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 12ha. Trung bình mỗi năm, đơn vị thu mua và chế biến hơn 500 tấn cá thát lát nguyên liệu. Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như cho biết, hiện vẫn còn tình trạng nông dân ở một số địa phương dùng những kháng sinh cấm, bừa bãi trong nuôi trồng thủy sản.

“Người dân mình khi con cá bệnh thì chỉ nghĩ việc dùng những sản phẩm cấm sẽ nhanh hết bệnh. Nhưng ngược lại, những hóa chất đó tồn dư trong đất, trong nước lâu và nó sẽ thải ra môi trường, sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước. Chúng ta nên khuyến cáo bà con mình từ đây về sau ai ai cũng ý thức không nên sử dụng thuốc cấm để nguồn nước sạch, bảo đảm nuôi trồng hiệu quả và chất lượng để đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới”, chị Nguyễn Kim Thùy bày tỏ.

Còn tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tăng cường các giải pháp trong khâu nuôi cá tra để hạn chế dịch bệnh, đảm bảo quản lý tốt về môi trường, hạn chế sử dụng các loại thuốc cấm, nhất là kháng sinh. Tổ chức sản xuất theo chuỗi gắn kết chặt chẽ với vùng nuôi cũng như khâu thu mua chế biến của các doanh nghiệp để phục vụ xuất khẩu. Sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các vùng nuôi áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP…”.

Thống kê của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.550ha, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2022; ngoài ra có khoảng 1.513 bè, vèo nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Cụ thể, phần lớn thiệt hại xảy ra trên diện tích nuôi tôm nước lợ, chiếm tới 88% tương đương 19.853ha. Bệnh nguy hiểm xuất hiện trên tôm chủ yếu như: Đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. Riêng đối với cá tra, tổng diện tích nuôi bị thiệt hại là trên 341ha; giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022; chủ yếu do mắc bệnh: gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng và một số bị sưng bóng hơi, phù đầu và tuột nhớt. Tuy nhiên so với năm 2022, các bệnh này đã có chiều hướng giảm. Tại một số vùng nuôi của tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau cũng ghi nhận bệnh vi bào tử trùng và có nguy cơ lan rộng.

Ngoài những nguyên nhân trực tiếp do dịch bệnh, biến đổi môi trường, thời tiết gây thiệt hại đến diện tích nuôi trồng thủy sản. Mới đây, tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới diễn ra ở thành phố Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thẳng thắn chỉ ra, chế phẩm sinh học được xem là tác nhân kiểm soát dịch bệnh lại được bán tràn lan trên thị trường. Thậm chí có những trường hợp tiếp tay bán sản phẩm không chất lượng, khiến tôm, cá tra chết, năng suất thấp. Thứ trưởng đặt ra câu hỏi “Công tác rà soát, kiểm tra, hậu kiểm có làm chặt không?”.

Hiện nay, trên thế giới chưa có vắc-xin để chủ động phòng bệnh cho tôm, giáp xác, nhuyễn thể,… hiện chỉ có vắc-xin phòng một số ít bệnh cho cá… Vì vậy, phòng bệnh chủ yếu phải dựa vào các biện pháp an toàn sinh học và quản lý ao nuôi, xây dựng quy trình nuôi phù hợp với từng vùng nuôi, đặc biệt là xử lý nguồn nước ao nuôi và kiểm soát nguồn giống, điều chỉnh quy trình chăm sóc ao nuôi. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến thời tiết cực đoan, tiêu cực, khó dự báo diễn ra tại nhiều vùng nuôi; nguồn nước cấp ở phía cuối nguồn thường bị thiếu và ô nhiễm; các mô hình nuôi thủy sản không kiểm soát còn khá phổ biến… gây thiệt hại cho người nuôi và thường trực nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh.

Sử dụng nguồn lực hiệu quả

Trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh ảnh hưởng đến ngành thủy sản, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã quan tâm, chủ trì các hội nghị và trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời về công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản. Các địa phương quan tâm đến công tác thú y thủy sản, chỉ đạo quyết liệt, huy động các nguồn lực để hỗ trợ kịp thời, phối hợp chặt chẽ với ngành thú y xử lý dịch bệnh chủ động hơn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung khó khăn hiện nay là kinh phí. Nhiều địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản không bố trí kinh phí hoặc bố trí không đủ kinh phí cho các hoạt động chuyên môn; một số địa phương chỉ bố trí kinh phí để xử lý dịch bệnh thủy sản khi có ổ dịch xảy ra, chưa đúng với tinh thần “phòng bệnh là chính” theo chỉ đạo của Bộ. Do vậy, Cục Thú y đề nghị các địa phương quan tâm, tăng cường sử dụng các nguồn lực để triển khai giám sát chủ động dịch bệnh. Đến đầu tháng 9, đã có 42/63 tỉnh, thành có kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2023, 21 tỉnh có dự toán kinh phí với tổng kinh phí trên 40 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y, đánh giá: Kinh phí phòng chống dịch bệnh thủy sản chỉ chiếm khoảng 8,34% tổng số kinh phí cấp cho công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Số lượng các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm về thủy sản có kế hoạch và có bố trí kinh phí còn rất thấp, không đủ để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, đặc biệt là giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân. Những tháng cuối năm, Cục Thú y đề nghị các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động trên tôm, cá tra và một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao hoặc nuôi phổ biến.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Phải cùng nhau ngăn chặn các yếu tố, cảnh báo như thế mới giảm sử dụng kháng sinh. Kháng sinh phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu bán tới khâu sử dụng. Đồng thời hướng dẫn, tập huấn cho người dân và truyền thông rộng rãi để người dân hiểu và thực hiện đúng.

Tính đến nay, cả nước đã có 32 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 30 cơ sở sản xuất tôm (27 cơ sở sản xuất tôm giống với số lượng đạt 40 tỉ tôm post/năm, 3 cơ sở nuôi tôm thương phẩm) và 2 cơ sở sản xuất cá cảnh xuất khẩu. Hiện nay, một số chi cục chăn nuôi và thú y đang phối hợp các doanh nghiệp để đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát dịch bệnh chủ động theo quy định.

Mộng Toàn

Nguồn: Baohaugiang.com.vn

Tin mới nhất

T5,21/11/2024