Lợi thế ngành tôm Sóc Trăng

Trong bài phát biểu chào mừng tại Hội nghị phát triển ngành tôm vào ngày 03/3/2023, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam nhận định: “Với xu hướng tiêu dùng thủy sản ngày càng tăng, việc thúc đẩy phát triển thủy sản là hướng đi đúng, mang tầm chiến lược”.

Thực tế cho thấy, thủy sản không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng của tỉnh, vùng, mà còn cho nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và những tác động khác của biến đổi khí hậu, thị trường tiêu dùng… đã và đang gây ra ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản. Riêng năm 2023, ngành thủy sản được dự báo sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài lẫn nội tại.

Chế biến tôm cao cấp là lợi thế cạnh tranh lớn của doanh nghiệp Sóc Trăng. Ảnh: TÍCH CHU

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ngành thủy sản chi phối rất lớn đến đời sống của nhiều người dân và ngày càng khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, là đầu tàu kinh tế của tỉnh. Tiềm năng, lợi thế thủy sản đã được tỉnh phát huy một cách có hiệu quả, tạo ra giá trị to lớn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng và của ngành thủy sản Việt Nam nói chung trong hiện tại, kể cả trong tương lai. Nếu như xuất khẩu tôm nước lợ cả nước năm 2022 là 4,3 tỷ USD, thì Sóc Trăng chiếm khoảng 1 tỷ USD. Tuy không là thủ phủ ngành tôm, nhưng nếu phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, trong tương lai, Sóc Trăng sẽ là một trong những tỉnh trọng điểm xuất khẩu tôm của cả nước.

Đánh giá về vụ tôm nước lợ năm 2022, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đây là một năm đầy khó khăn, thách thức khi ngành thủy sản chịu ảnh hưởng tác động từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu; giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao… Trong khi đó, chất lượng con giống chưa được đảm bảo, dịch bệnh trên tôm có dấu hiệu tăng trở lại, đặc biệt là bệnh vi bào tử trùng EHP làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người sản xuất, gây khó khăn chung cho toàn ngành thủy sản và người sản xuất ở Sóc Trăng. Tuy nhiên, với sự chủ động trong điều hành của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp và nhất là sự hỗ trợ từ Trung ương; sự linh hoạt, sáng tạo của doanh nghiệp và nông dân trong quản lý sản xuất, kinh doanh, sản lượng tôm năm 2022 của Sóc Trăng vẫn đạt trên 201.000 tấn, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến của tỉnh, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2022 đạt 1,4 tỷ USD, riêng tôm nước lợ khoảng 1 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, Sóc Trăng là tỉnh có vai trò quan trọng cả về sản lượng lẫn giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Thứ trưởng dẫn chứng: “Sóc Trăng chỉ có 54.000ha nuôi tôm nước lợ, nhưng trong năm 2022 đã đóng góp hơn 20% sản lượng tôm và gần 25% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước”. Để có được kết quả trên, theo Thứ trưởng là do ngay từ khi nghề nuôi tôm phát triển, lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp đã rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là về thủy lợi và điện; đẩy mạnh công tác khuyến ngư, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đặc biệt là tập trung phát triển mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh.

Số doanh nghiệp ngành tôm Sóc Trăng không nhiều nhưng Sóc Trăng lại là tỉnh có nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm nằm trong top 10 của cả nước. Đa số các doanh nghiệp ngành tôm Sóc Trăng đều có trình độ chế biến cao, chuyên các mặt hàng chế biến sâu phục vụ phân khúc thị trường cao cấp, có giá trị và tính cạnh tranh cao. “Đây là điều đáng quý, là lợi thế rất lớn cần được lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp và người nuôi tôm phát huy để đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sản lượng và giá trị cho ngành tôm cả nước cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y… Trước mắt, khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao. Nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa, nhân rộng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC… Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…

TÍCH CHU

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T6,22/11/2024