Kỳ vọng vụ tôm cuối năm

Sau thời gian dài chạm đáy, hiện giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại. Nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu bắt đầu thả giống cho vụ nuôi mới với kỳ vọng thu được lợi nhuận ở vụ cuối năm.

Giá tôm phục hồi giải tỏa áp lực đối với các hộ nuôi tôm. Ảnh: Nguyên Du.

Tín hiệu vui

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2023 tình hình xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên từ khoảng tháng 10 đến nay, thị trường xuất khẩu bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc, nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ các thị trường lớn dần tăng trở lại.

Dự báo của giới chuyên gia, những tháng cuối năm 2023, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của các nước sẽ tăng để phục vụ dịp lễ Giáng sinh và năm mới, vì vậy nhiều DN đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường.

Ghi nhận tại tỉnh Bạc Liêu cho thấy, giá tôm tăng nhưng không ít người nuôi tôm nuối tiếc khi tôm nuôi trong ao không còn nhiều, hoặc mới thả nuôi.

Anh Trần Văn Thuận, xã Vĩnh Hâu A, huyện Hòa Bình chia sẻ: Hễ cầu vượt cung là giá lại tăng. Chi phí nuôi tôm hiện nay của nông dân vẫn quá cao, cần nguồn vốn lớn nên nông dân đa phần không kham nổi. Do đó, phải chọn cách “ăn trước, trả sau”, lấy chính con tôm vừa mới thả để “thế chấp” cho đại lý.

“Mấy tháng qua giá tôm giảm mạnh nên tôi “treo ao” chờ giá tăng mới thả nuôi vụ mới. Chuyện giá tôm tăng, vừa là chuyện vui của nhà nông mà cũng là nỗi buồn khi không còn tôm để bán” – anh Thuận bộc bạch.

Tuy nhiên, việc giá tôm phục hồi phần nào giải tỏa áp lực đối với các hộ nuôi tôm. Nhiều người dân tỉnh Bạc Liêu bắt đầu cải tạo, thả nuôi vụ mới với kỳ vọng, đến cuối năm giá tôm tiếp tục tăng, người dân có thể gỡ lại phần nào chi phí đầu tư cho vụ trước.

Anh Lê Thanh Tiện, ấp 17, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình cho biết: “Vụ nuôi vừa qua, giá tôm giảm mạnh kéo dài, chi phí đầu tư quá cao trong khi giá bán quá thấp, tôi lỗ gần gần 400 triệu đồng, nợ đại lý tiền thức ăn. Vụ này tôi thả 500.000 con giống, hy vọng giá tôm tăng để gỡ lại vụ cuối năm nay có tiền trang trải cho cái Tết”.

Nâng chất lượng, nâng sức cạnh tranh

Theo đánh giá của nhiều thương lái, sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại. Bên cạnh đó, các hợp đồng với giá trị lớn cũng được ký kết, chủ yếu từ các nhà nhập khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… giúp thị trường khởi sắc hơn.

Hiện nay, có 3 yếu tố tích cực đẩy giá tôm tăng lên trong thời gian tới là hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt; nhu cầu đặt hàng tăng nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm; nguồn cung thế giới giảm khi các nước như: Ecuador, Malaysia… kết thúc thu hoạch tôm chính vụ.

Hiện giá tôm được thương lái thu mua ở mức 110.000 – 120.000 đồng/kg loại 30 con/kg, mức 90.000 – 100.000 đồng/kg loại 60 con/kg, cao hơn khoảng 15.000 đồng mỗi kg so với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng. Trong khi đó, giá tôm sú cùng kích thước được thương lái thu mua cao hơn tôm thẻ khoảng 40.000 đồng mỗi kg. Giá tôm sẽ còn tăng hơn vì dịp cuối năm, nhu cầu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sẽ tăng.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh giá thức ăn, các loại thuốc thú y thủy sản phục vụ nghề nuôi tôm vẫn còn ở mức cao, để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, tiết kiệm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận, người nuôi tôm cần tuân thủ những khuyến cáo về lịch thời vụ thả tôm của ngành chuyên môn, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi.

Trong nuôi tôm thâm canh, chi phí thức ăn chiếm hơn 50% tổng giá thành sản xuất, do đó người nuôi nên chọn loại thức ăn có chất lượng tốt, phù hợp với cỡ tôm, cân đối lượng thức ăn phù hợp với sản lượng tôm có trong ao tránh cho ăn thừa gây lãng phí và tốn chi phí xử lý nước. Các hộ nuôi tôm lựa chọn con giống chất lượng tốt và sạch mầm bệnh trước khi thả nuôi để nâng tỷ lệ sống, góp phần thành công đáng kể trong vụ nuôi. Chọn quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn (2-3 giai đoạn) và mật độ thích hợp góp phần giảm chi phí.

Ông Hồ Thanh Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) khuyến cáo: Hiện đang vào giai đoạn giao mùa, thời tiết bất lợi tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh. Người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi diễn biến để bổ sung các loại khoáng chất, vitamin nhằm tăng cường dinh dưỡng và khả năng đề kháng giúp tôm chống chịu lại thời tiết bất thường; sử dụng men vi sinh vào môi trường nước nuôi giúp phân hủy bùn bã hữu cơ và ổn định môi trường nước trong ao.

Nguyên Du

Nguồn: baomoi.com

Tin mới nhất

T6,22/11/2024