Khởi nghiệp thành công nhờ nuôi tôm công nghệ cao

Trên mảnh đất của cha mẹ để lại có diện tích 1,8 ha. Anh Nguyễn Văn Hải, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch luôn tìm cách làm ăn tạo ra thu nhập kinh tế cho gia đình. Nhận thấy thế mạnh của địa phương là nuôi tôm thẻ chân trắng, anh đã mạnh dạn đầu tư như đào ao, mua giống, đầu tư máy quạt nước, thuê người phụ giúp. Và đã khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Anh Hải chia sẻ: “Ban đầu tự tìm tòi, học hỏi cách nuôi truyền thống nhưng kết quả không thành công. Được địa phương giới thiệu, mình đã tham gia các lớp tập huấn nuôi tôm của Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản Long Thành – Nhơn Trạch, Công ty Cổ phần công nghệ nuôi tôm theo kỹ thuật cao (CP) trong việc nuôi thẻ chân trắng và đã áp dụng thực hiện theo kỹ thuật này”. Không những thế, anh Hải còn xung phong đăng ký tham quan các mô hình nuôi tôm theo công nghệ kỹ thuật cao tại Bạc Liêu, Thái Lan, tham gia các lớp hội thảo nuôi tôm và được nghe những nhà nghiên cứu Hà Lan truyền đạt, các thanh niên nuôi thành công tại Bạc Liêu trao đổi. Nhờ đó mà anh đã mạnh dạn đầu tư sang mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới.

Theo đó, mô hình nuôi tôm công nghệ cao khuyến khích người nuôi chia nhỏ diện tích ao nuôi để dễ quản lý, mặt khác thay vì sử dụng phần lớn diện tích làm ao nuôi, thì người nuôi sử dụng phần lớn diện tích là ao ươm, ao lắng để đảm bảo chất lượng nguồn nước nuôi tôm. Việc thu hẹp diện tích ao nuôi sẽ được bù đắp bằng năng suất và số vụ nuôi một năm. Chính vì vậy, với mô hình này, người nuôi sẽ tăng được lợi nhuận và quan trong hơn là họ không còn phải lo lắng về dịch bệnh trên tôm nuôi. Bên cạnh đó, nuôi tôm quan trọng nhất là nhiệt độ, nhiệt độ lý tưởng cho tôm phát triển là từ khoảng 28°c đến 32°c. Do đó, nuôi tôm công nghệ cao sẽ  sử dụng lưới che làm giảm bớt nhiệt độ hồ nuôi do lưới đã hấp thu bớt một phần nhiệt nên nhiệt độ hồ nuôi luôn được đảm bảo ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Ngoài ra, nhờ lưới che nên cũng tránh được ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm.

Ngoài ra, với công nghệ nuôi tôm công nghệ cao, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trừ dịch bệnh cho tôm, người nuôi bắt buộc phải sử dụng men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh. Không những hạn chế được dịch bệnh, người nuôi còn có được sản phẩm tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh.

Trên diện tích 1,8 ha anh đã mạnh dạn đầu tư 6 ao nuôi, 2 ao ươm giống, 5 ao dự trữ nước, đầu tư máy móc, thiết bị, tôm giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, điện và dầu chạy máy, thuê 10 nhân  công phụ giúp. Một năm anh nuôi được 3 vụ, sau mỗi vụ nuôi anh thu về khoảng 50 tấn tôm thẻ chân trắng  cho thu nhập 21 tỷ đồng, sau khi tính hết tất cả chi phí, anh Hải thu về 3,6 tỷ đồng lợi nhuận/năm.

Anh Hải cũng cho hay, nếu với cách nuôi truyền thống như lúc trước, tôi thả 50 con giống/m2 thì với kỹ thuận công nghệ cao  thả đến 200con/m2 mà kết quả tôm đạt chất lượng hơn trước rất nhiều. Ngoài ra, do có diện tích ao ương nên mình có thể nuôi tôm giống đến khoảng 1 tháng tuổi mới cho vào ao nuôi, nhờ đó, số vụ nuôi cũng được nâng lên 4 vụ/năm thay vì 2 vụ/năm.

Mô hình nuôi tôm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp anh Hải khởi nghiệp thành công nhờ tận dụng vào thế mạnh điều kiện tự nhiên của địa phương. Bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế cho bản thân, anh Hải còn giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho 10 thanh niên địa phương trong việc phụ nuôi tôm và truyền đạt mô hình cho những hộ nuôi tôm lân cận về kỹ thuật nuôi, giống nuôi và thức ăn cho tôm.

Trần Văn Lưu

Nguồn: startupdongnai.gov.vn

Tin mới nhất

T5,21/11/2024