Khan hiếm nguồn cung, tôm thương phẩm tăng giá

Sau một thời gian giá tôm thẻ chân trắng “chạm đáy”, khiến nhiều hộ phải nuôi cầm chừng, thậm chí “treo ao”, thì những ngày cuối năm 2024, giá tôm bắt đầu leo dốc trở lại và đang nằm ở ngưỡng cao nhất từ đầu năm đến nay, giúp người nuôi có lợi nhuận khá.

 

Giá đang ở mức cao

Trở lại vùng nuôi tôm tập trung của huyện Tuy Phong vào những ngày cuối tháng 12/2024 như Chí Công, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân… không khí nuôi tôm nơi đây không còn nhộn nhịp như những năm về trước, các đìa tôm trơ đáy, diện tích các ao tôm đã thu hẹp dần. Hơn 1 năm nay, giá tôm thương phẩm liên tục giảm, trong khi giá thức ăn, thuốc, chi phí đầu vào tăng cao, khiến nhiều người “treo ao”, không dám thả nuôi vụ mới. Đặc biệt, nửa đầu năm 2024, giá tôm tiếp tục lao dốc ở hầu hết các kích cỡ, đúng vào thời điểm thả giống vụ mới, nên đa số các hộ nuôi không mặn mà, vì trước đó đa số các vụ thu hoạch chỉ lỗ vốn. Thêm vào đó, hiện nay, chi phí nuôi tôm thẻ chân trắng khá cao vì giá thức ăn tăng, công nuôi và chi phí thuốc men phòng bệnh cũng ngốn khá nhiều, cộng thêm giá điện sản xuất cũng tăng theo. Chưa kể, người nuôi tôm còn phải đối mặt với bệnh trên tôm diễn biến phức tạp. Nuôi càng lâu chi phí càng cao, tỷ lệ hao hụt lớn nên chuyện có lời là rất khó.

Tôm rớt giá trong thời gian dài khiến nhiều hộ không dám thả nuôi vụ mới

 

Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây, giá tôm ở nhiều tỉnh, thành đang lội ngược dòng và đang nằm ở ngưỡng cao nhất trong năm. Ông Nguyễn Văn Trí, một hộ nuôi tôm thẻ ở xã Chí Công cho biết, những năm trước tôi nuôi 5 ao, nhưng giá tôm liên tục giảm sâu nên vụ vừa qua tôi chỉ nuôi 2 ao cầm chừng. May mà tôm lên giá vào thời điểm người nuôi thu hoạch tập trung, do đó nông dân có lãi bù cho những vụ trước thất thu. Vụ tôm mới nhất, tôi thu hoạch gần 5 tấn loại tôm lớn gần 40 con/kg, được thu mua với giá 160.000 – 170.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, tôi lãi hơn trăm triệu đồng. Để nuôi được con tôm kích cỡ lớn đã rất khó và tốn nhiều công sức, may mà tôm tăng giá, nếu nằm ở mức giá cũ, thì người nuôi không có lời, thậm chí lỗ vốn.

Thu hoạch tôm

 

Nhưng thiếu nguồn cung

Hiện tại, giá tôm thẻ được mua tại ao loại 40 con/kg có giá 170.000 – 190.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg dao động ở mức 98.000 – 125.000 đồng/kg, tăng 8.000 – 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 11/2024 và tăng 30.000 – 40.000 đồng/kg so với giữa năm 2024. Đây là mức giá tôm thẻ chân trắng tăng cao nhất trong vòng một năm qua. Với giá tôm này, nông dân nuôi tôm thẻ có lợi nhuận từ 20.000 – 30.000 đồng/kg (tùy loại, tùy kích cỡ) so với giá thành sản xuất.

Một số ít thả nuôi đang thu hoạch ngay thời điểm giá tăng trở lại rất phấn khởi

 

Theo một thương lái chuyên thu mua tôm ở huyện Tuy Phong, từ giữa tháng 9 đến nay, giá tôm thương phẩm đã tăng mạnh trở lại. Nguyên nhân chính là do nguồn cung giảm, người nuôi hạn chế thả giống trong vụ này, dẫn đến cung không đủ cầu khi thị trường gần Tết Nguyên đán rất cần nguồn tôm nguyên liệu. Thêm vào đó, do thời tiết khắc nghiệt, mưa trái mùa, bệnh phát sinh ở một số khu vực, nên sản lượng tôm nuôi sụt giảm. Dù thu mua nhiều nơi trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận, nhưng nguồn tôm vẫn không đủ cho đơn đặt hàng.

Tôm tăng giá nhưng khan hiếm nguồn cung

 

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện có 149 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích mặt nước nuôi 154,58 ha, đã chuyển đổi sang công nghệ nuôi mới 2, 3 hoặc 4 giai đoạn, năng suất nuôi cao từ 15 – 30 tấn/ha/vụ (bình quân 2,5 – 3 vụ/năm). Gần đây, các cơ sở nuôi tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước cấp và nước thải riêng biệt, áp dụng quy trình nuôi vi sinh, sử dụng các loại máy theo dõi môi trường nước nuôi, máy cho ăn tự động… nên phần nào hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan. Toàn tỉnh, hiện có 1 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm đã được chứng nhận Global Gap, Bap và ASC với tổng diện tích khu nuôi là 104 ha. Trong năm 2024, tình hình nuôi tôm nước lợ ít thuận lợi do thời tiết thay đổi, giá tôm thương phẩm thấp trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao nên các hộ nuôi hạn chế thả giống nuôi.

Dự báo, tình trạng thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ kéo dài đến hết quý I/2025

 

Hy vọng, giá tôm thương phẩm giữ ổn định ở mức cao trong năm 2025 để kích thích người dân thả nuôi vụ mới trở lại, tránh tình trạng “được mùa mất giá và mất mùa được giá” diễn ra bấy lâu.

Nguồn: Minh Vân (Báo Bình Thuận)

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm nay, nguồn cung tôm giảm mạnh, mùa vụ ngắn hơn so với năm ngoái, khiến lượng tồn kho tại các nhà máy sụt giảm. Để duy trì sản xuất và đáp ứng đơn hàng, các nhà máy chế biến lớn buộc phải tăng giá thu mua. Dự báo, tình trạng thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ kéo dài đến hết quý I/2025. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp chế biến đối mặt với thách thức lớn khi phải thu mua tôm nguyên liệu giá cao, trong khi giá thành phẩm phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giá rẻ hơn từ nhiều quốc gia.

Tin mới nhất

T3,07/01/2025