Hiệp hội tôm Mỹ đòi áp thuế chống bán phá giá tôm từ Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia
Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA), một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Mỹ, đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu.

ASPA tuyên bố các kiến nghị này nhằm giải quyết vấn đề bán phá giá không công bằng và trợ cấp bất hợp pháp, bao gồm yêu cầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) gần đây đã quyết định duy trì thuế chống bán phá giá đối với tôm từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam trong đợt rà soát 5 năm vừa qua – một động thái được ASPA ủng hộ. Tuy nhiên, hiệp hội cho biết tôm nhập khẩu vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành tôm nội địa của Mỹ.

Bốn quốc gia bị ASPA nhắm đến là bốn nhà cung cấp tôm hàng đầu vào Mỹ (Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam), lượng tôm nhập khẩu từ các nước này đã tăng hơn 100 ngàn tấn trong giai đoạn 2020 – 2022, và chiếm 90% tổng lượng tôm đông lạnh nhập khẩu vào năm 2022. ASPA tuyên bố rằng mức độ bán phá giá tôm của một số quốc gia sẽ còn tăng nhiều – ước tính tỷ suất lợi nhuận của tôm Ecuador sẽ “lên tới 111%”.

Trong một thông cáo, ASPA cho biết: “Thị trường tôm Mỹ đã bị choáng ngợp bởi số lượng lớn tôm nhập khẩu được định giá thấp, dẫn đến giá tại cảng thấp và thiếu ổn định, thị phần trong nước giảm, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn rất nhiều và mức tồn kho đặc biệt lớn”. Trong năm 2023, giá tôm nội địa của Mỹ ở gần mức thấp lịch sử, do sản lượng đánh bắt tại nhiều bang chỉ tăng nhẹ khi nhập khẩu tăng cao.

Hiệp hội cũng tuyên bố rằng hàng chục chương trình trợ cấp của Chính phủ đang giúp người nuôi và chế biến tôm ở Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam giảm chi phí như các khoản vay trợ cấp, ưu đãi thuế, trợ cấp, tín dụng xuất khẩu và cung cấp đất, nước và các yếu tố đầu vào khác. Do đó đã cho phép các nước này giữ giá ở mức thấp mà các nhà sản xuất tôm nội địa của Mỹ không thể cạnh tranh.

Chủ tịch ASPA Trey Pearson cho biết: “Kiến nghị của chúng tôi đến từ gần 800 nhà đánh bắt tôm tự nhiên, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng đánh bắt trong nước. ASPA đặc biệt cảm ơn nhiều cá nhân và tổ chức đã làm việc chăm chỉ và cam kết cho phép ASPA khởi kiện những vụ việc này với sự hỗ trợ tích cực của toàn bộ ngành tôm.”

“40% tôm nhập khẩu tại thị trường này đến từ Ấn Độ. Ấn Độ không phải là nhà cung cấp thống trị vì nước này nuôi tôm tốt hơn nhiều nước khác. Việc sử dụng tràn lan các loại kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thủy sản, dung túng cho các biện pháp lao động cưỡng bức bóc lột và các khoản trợ cấp xuất khẩu lớn do chính phủ Ấn Độ cung cấp đang giết chết thị trường tôm Mỹ” – giám đốc điều hành SSA John Williams nhận định.

ASPA không phải là tổ chức duy nhất tìm kiếm giả pháp cho sự mất cân bằng thương mại giữa nhập khẩu tôm nước ngoài và sản xuất trong nước. Cuối tháng 8 năm 2023, Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Cassidy (R-Louisiana) đã đưa ra dự luật nhằm vô hiệu hóa các khoản trợ cấp của chính phủ Ấn Độ để giảm số lượng tôm nhập khẩu giá rẻ. Động thái này được hỗ trợ bởi Liên minh Tôm miền Nam (SSA), tổ chức đại diện cho những người thu hoạch tôm ở các bang miền Nam nước Mỹ (Vịnh Mexico và bờ biển Đông Nam Mỹ).

Thượng Nghị sĩ Mỹ Bill Cassidy, đảng viên Đảng Cộng hoà đến từ bang Louisiana cũng đưa ra hai luật nhằm tạo sân chơi bình đẳng hơn cho tôm và gạo của Mỹ bằng cách gây khó khăn hơn cho các nhà nhập khẩu cùng loại sản phẩm từ Ấn Độ. Theo đó, họ áp thuế cao dần trong 3 năm liên tiếp, bắt đầu từ tháng 1/2024.

Cố vấn thương mại của ASPA, Elizabeth Drake và Eddy Hayes, cho biết các kiến nghị của hiệp hội là cần thiết để chống lại các hành vi thương mại không công bằng. Họ cho biết: “Nếu thành công, các lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp sẽ dẫn đến các mức thuế bù đắp cho việc bán phá giá và trợ cấp do các công ty nước ngoài và chính phủ nước ngoài thực hiện”. “Điều này sẽ mang lại biện pháp điều chỉnh thị trường và cứu trợ vô cùng cần thiết cho toàn bộ ngành tôm của Mỹ.”

ASPA cũng đang tìm kiếm các quy định về thuế đối kháng để áp lên tôm nhập khẩu từ 4 quốc gia: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Họ đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC), dự kiến câu trả lời sẽ được đưa ra vào ngày 15/11/2023. Ngày 8/12, ITC sẽ bỏ phiếu về việc nhập khẩu tôm từ các quốc gia châu Á có đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành tôm nước Mỹ hay không. Nếu cả hai đơn vị cùng đồng thuận, một cuộc điều tra trên diện rộng sẽ được thực hiện tại hai cơ quan này đến cuối mùa thu năm 2024.

Theo báo cáo gần đây của Undercurrent News, Mỹ đã nhập khẩu 73.617 tấn vào tháng 8, cao hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ hai tăng sau chuỗi 13 tháng giảm liên tiếp so với cùng kỳ.

9 trong số 20 quốc gia có nguồn cung lớn nhất đã chứng kiến sự cải thiện về khối lượng. Tuy nhiên, giá tôm vẫn giảm. Giá trung bình ở tất cả quốc gia nhập khẩu là 8,14 USD/kg, thấp hơn 12% so với 8 tháng 2022.

Hải Đăng (theo Seafood Source)

Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn