Hạt giá thể vi sinh: Giải pháp mới trong quản lý chất lượng nước nuôi thủy sản

[Người Nuôi Tôm] – ProBio Media (PBM) là một loại vật liệu mới được sản xuất từ gốm có độ xốp cao, làm gia tăng diện tích bề mặt, tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi cư trú, sinh sôi đang được sử dụng trong các trại giống thủy sản, nuôi tuần hoàn (RAS) và ao nuôi truyền thống.

Hạt PBM

 

Nuôi trồng thuỷ sản đang ngày càng phát triển với mức độ thâm canh ngày một cao. Điều đó khiến cho việc quản lý hệ thống nuôi trở nên khó khăn. Mật độ tôm nuôi cao, lượng phân thải nhiều khiến môi trường dễ bị ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh. Để kiểm soát môi trường nước ao nuôi và dịch bệnh, ngoài việc cải thiện hàm lượng oxy hoà tan, người nuôi có thể sử dụng nhiều công nghệ khác nhau như (Semi) Bioflocs, điện hoá siêu âm, tuần hoàn và bán tuần hoàn. Tuy nhiên, các công nghệ này đều có những nhược điểm nhất định khi triển trai trong thực tế. Biện pháp dễ áp dụng hiện nay là bổ sung thường xuyên vi khuẩn có lợi vào hệ thống ao nuôi. Mặc dù vậy, biện pháp này lại mất nhiều thời gian của người nuôi và chi phí cũng không hề thấp. Việc áp dụng những công nghệ mới, đơn giản, dễ áp dụng nhằm giảm chi phí sản xuất vẫn luôn được người nuôi tìm kiếm.

ProBio Media là một loại vật liệu mới được phát minh bởi các nhà khoa học Isarel. Đây là các hạt giá thể vi sinh được sản xuất từ gốm có độ xốp cao, làm gia tăng diện tích bề mặt, tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi cư trú, sinh sôi đang được sử dụng trong các trại giống thủy sản, nuôi tuần hoàn (RAS) và ao nuôi truyền thống. Vật liệu này có thể được xem là một giải pháp tiên tiến để giải quyết những thách thức về nuôi trồng thủy sản hiện nay trên toàn thế giới và tác động tích cực đến hành tinh của chúng ta vì một tương lai bền vững hơn.

 

Ưu điểm của PBM

Với bản chất được tạo ra từ các hạt xốp gốm, vật liệu này có thể làm tăng tổng diện tích bề mặt lên hơn 2.000 lần so với các vật liệu bằng nhựa hiện nay. Tổng diện tích bề mặt của 1 m3 vật liệu mới này có thể lên tới hơn 2,3 triệu m2, trong khi vật liệu nhựa thông thường chỉ cho khoảng 530 m2. Với độ xốp cao (80%), nó có thể cho phép nước chảy qua dễ dàng với áp suất tối thiểu. Bên trong hạt PBM có hàng triệu mao mạch có kích thước từ rất nhỏ, đường kính từ 50 đến 100 μm, giúp vi khuẩn hiếu khí phát triển trên bề mặt bên ngoài và vi khuẩn kỵ khí phát triển trên bề mặt bên trong.

Các nghiên cứu còn chỉ ra việc hình thành các màng sinh học siêu mỏng giúp giảm hiện tượng tắc nghẽn. Bề mặt gồ ghề còn giúp vi khuẩn dễ bám và cư trú. Bề mặt của PBM giúp bảo vệ các khuẩn lạc vi khuẩn khỏi các tác động của dòng chảy mạnh. Ngoài ra, có sự tồn tại của lực hút tĩnh điện giữa bề mặt gốm và vi khuẩn.

Với các đặc điểm vật liệu như vậy, PBM có thể làm tăng tốc độ phát triển của vi khuẩn có lợi nhiều hơn 50 lần so với các vật liệu nhựa. Từ đó giúp người nuôi quản lý tốt chu trình nitơ và sự tích tụ hữu cơ, cải thiện chất lượng nước một cách bền vững mà không cần đầu vào hóa chất hoặc năng lượng. Việc sử dụng PBM cũng rất đơn giản khi người nuôi tôm chỉ cần treo những túi chứa PBM vào trong các ao, bể và không cần bổ sung thêm bất kì chế phẩm vi sinh nào trong suốt quá trình ương, nuôi.

 

Các kết quả sử dụng PBM vào hệ thống nuôi tôm thẻ ở Việt Nam

Áp dụng trong sản xuất giống tôm thẻ chân trắng

Thí nghiệm được tiến hành để so sánh hiệu quả ương nuôi khi sử dụng 2 loại vật liệu khác nhau: PBM và các chế phẩm sinh học tốt nhất hiện có của trại giống. Tôm được ương với mật độ khi mới nở là 150 ấu trùng/L và giai đoạn gièo là 2.000 ấu trùng/m3 và tất cả các điều kiện khác được bố trí tương đồng giữa các nghiệm thức thí nghiệm. Mỗi công thức thí nghiệm được tiến hành lặp lại 5 lần.

Bảng 1: Kết quả ương tôm thẻ lên giai đoạn giống (PL12)

Kết quả cho thấy, nhóm PBM cải thiện rõ rệt về tỷ lệ sống sót (Hình 2), trọng lượng trung bình và khối lượng PL12 so với nhóm đối chứng, giảm 6,82% tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR), tăng 35,31% khối lượng cuối so với các kết quả thu được từ lô đối chứng (Bảng 1, Hình 1).

Hình 1: Kết quả ương tôm thẻ giống

 

Hình 2: Tỉ lệ sống qua các giai đoạn

Kết quả sử dụng khi nuôi tôm thẻ thương phẩm

Thí nghiệm được tiến hành nhằm so sánh hiệu quả khi sử dụng PBM để nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Thí nghiệm gồm 3 công thức như sau:

– Công thức 1: sử dụng ProBio Media (PBM).

– Công thức 2: sử dụng chế phẩm sinh học tốt nhất hiện có của trang trại (Bioflocs).

– Công thức 3: đối chứng (không bổ sung chế phẩm sinh học).

Tôm được gièo giai đoạn đầu với số lượng 35.000 tôm post trong bể 250 m3, sau đó được chuyển vào bể composit có dung tích 4 m3 mỗi bể để nuôi thương phẩm.

Kết quả theo dõi hàm lượng amoniac trong quá trình nuôi cho thấy, các bể sử dụng PBM duy trì mức amoniac ở mức 1 ppm hoặc thấp hơn trong phạm vi an toàn cho sự phát triển của tôm và không cần thay nước. Trong khi các bể có men vi sinh đã chứng kiến mức amoniac tăng đột biến lên 5 ppm (Hình 3). Điều đó cho thấy chu trình nitơ trong nhóm PBM diễn ra nhanh hơn nhiều.

Hình 3: Biến động NH3 trong thí nghiệm

 

Kết quả thu hoạch sau 105 ngày nuôi: tôm trong công thức sử sụng PBM năng suất cao hơn so với công thức sử dụng vi sinh bioflocs là +11% (Hình 4).

Tôm nuôi bằng Bioflocs đạt 29 con/kg (trái) và tôm nuôi bằng PBM 26 con/kg (phải)

 

Nhìn chung, sử dụng PBM cho tỷ lệ sống sót cao hơn và tăng năng suất, ổn định chất lượng nước, giảm nhu cầu thay nước, cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức và phòng ngừa bệnh tật. Hiện nay, các sản phẩm PBM đang được tiếp tục thử nghiệm để nuôi thương phẩm trong ao lót bạt và được phân phối bởi công ty Megavet Việt Nam.

TS. Nguyễn Ngọc Tuấn

Học viện Nông nghiệp Việt Nam