Hàng ngàn tấn thủy sản Nam Định không thể thông quan

Tắc đường sang Trung Quốc, thủy sản rớt giá hàng ngàn tấn thủy sản không thể thông quan khiến người nuôi lo lắng. 

Chuyển đổi đối tượng

Khu nuôi trồng thủy sản của anh Nguyễn Như Ngọc (xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) rộng 1ha, được chia thành 6 ao nuôi cá bống bớp. Thời điểm này, 3 ao đang được tháo cạn nước bởi càng nuôi càng lỗ

Từ năm 2018 trở về trước, giá cá bống bớp giữ ổn định khoảng 260.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 330.000 đồng. Tuy nhiên, từ năm 2019, giá bống bớp giảm sâu (từ 170.000 – 200.000 đồng/kg tùy loại).

Trong khi đó, giá thành sản xuất 1kg cá bống bớp khoảng 200.000 đồng, nuôi hơn 1 năm mới được thu hoạch.

Do thua lỗ, nhiều chủ ao ở thị trấn Rạng Đông và xã Nam Điền đã phải chuyển sang nuôi cá mú, bởi đây là đối tượng có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ nội địa tốt, không phụ thuộc vào biến động thị trường nước ngoài.

Không chỉ các hộ dân nuôi cá bống bớp thương phẩm gặp khó, các cơ sở ương nuôi cá giống và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng đang chật vật. “Hiện cá bống bớp giống chỉ 3.000 đồng/con (giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái), thế nhưng đầu ra hạn chế do người nuôi không mặn mà”, ông Nguyễn Văn Sơn (khu 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng) chia sẻ.

Khu sản xuất cá giống của gia đình ông Sơn gồm 150 bể và 40 ao ương nuôi, nhưng 2/3 bể đã “treo” nhiều tháng nay. Ngoài sản xuất cá giống, ông Sơn còn liên kết với khoảng 300 hộ nuôi cá bống bớp để xuất khẩu sang Trung Quốc. Những năm trước, khi Trung Quốc chưa siết chặt hoạt động thương mại theo đường tiểu ngạch, mỗi ngày ông Sơn xuất khoảng 2 – 3 tấn bống bớp cho đối tác nước bạn. Vậy nhưng, thời điểm này mỗi ngày ông chỉ xuất bán được khoảng 400 – 500kg. 

Thị trường tắc ở đâu?

Người dân Trung Quốc thích ăn bống bớp vì thịt có độ đạm cao; loài cá này sống rất khỏe, khi đóng vào thùng xốp, vận chuyển 2 ngày từ Nam Định sang chợ đầu mối Đông Hưng (Trung Quốc) mà không chết. Trong khi đó, người tiêu dùng nước bạn lại ưa chuộng thực phẩm tươi sống để chế biến món ăn.

Theo bà Phạm Thị Thoa, Trưởng phòng Chế biến thương mại nông sản (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nam Định), cần phải xác định Trung Quốc là thị trường rất khó tính và hoạt động theo nguyên tắc thương mại Quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc phải được chứng nhận tiêu chuẩn HACCP (hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm); truy xuất nguồn gốc và kiểm soát tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm (ví dụ như hàn the, urê…).
Tuy nhiên, đến nay tỉnh Nam Định mới có 9 doanh nghiệp chế biến được chứng nhận tiêu chuẩn HACCP, do đó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đang lỗ lực đồng hành, hướng dẫn các doanh nghiệp để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu, trong đó có Trung Quốc.

Theo ông Sơn, khi Trung Quốc chưa “đóng biên” đối với sản phẩm xuất theo đường tiểu ngạch, đưa hàng sang bao nhiêu họ cũng mua hết. Tuy nhiên, từ năm nay, đánh hàng sang Trung Quốc khó khăn vô cùng.

Tắc đầu ra, doanh nghiệp của ông Sơn buộc phải giảm thu mua cá của bà con (từ 40 – 50 tấn/tháng xuống còn 10 – 15 tấn/tháng). Số hàng trên chủ yếu được bán tại thị trường nội địa.

Theo ông Khương Văn Toàn – Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng: Giai đoạn 2015 – 2017, toàn huyện có hơn 400 ha mặt nước nuôi cá bống bớp, sản lượng bình quân khoảng 1.200 – 1.300 tấn. Nhưng đến năm 2019, diện tích nuôi cá bống bớp chỉ còn khoảng 200 ha do các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sang Trung Quốc gần như “đóng băng”.

Ông Sơn cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến con cá bống bớp chưa thể thông quan chính ngạch sang Trung Quốc. Thứ nhất, cá bống bớp chưa nằm trong danh mục thủy sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thứ hai, các lô sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ (nuôi tại các vùng đã được cấp mã số). Thứ ba, phải tuân thủ quy cách đóng gói, tem nhãn, mã vạch theo yêu cầu của phía bạn. Thứ tư, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải được Trung Quốc chấp thuận.

Mặc dù chúng tôi đã được Sở NN-PTNT Nam Định mời tham dự các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, do Bộ NN-PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai. Tuy nhiên, đối với từng khâu cụ thể để giải quyết khó khăn, thì còn rất nhiều vướng mắc. 

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Nam Định, đây là câu chuyện rất trớ trêu trong hoạt động thương mại. Bởi, trong khi thị trường Trung Quốc đang rất cần nhập khẩu, thì các vùng nuôi trồng thủy sản, tàu khai thác hải sản lại chịu cảnh rớt giá.

Minh Phúc – Kiên Cường

Hàng ngàn tấn thủy sản không thể thông quan

/></p>
<p style= Bà Hoàng Thị Tố Nga (ảnh) – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết:

Trong những năm qua, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc rất nhiều. Nhưng, việc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc để bổ sung các mặt hàng nông sản vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch còn rất ít.
Bà Nga lấy ví dụ, đối với Nam Định, sản lượng ngao đạt 30 – 50 ngàn tấn/năm; sứa biển khoảng 11 – 12 ngàn tấn/năm… Thị trường tiêu thụ các sản phẩm trên chủ yếu là Trung Quốc. Nhưng từ khi bị Trung Quốc “cấm biên”, các doanh nghiệp xuất khẩu, nông dân và ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động đàm phán với Trung Quốc, để đa dạng hóa các loại nông sản, thủy sản vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào nước bạn.

Tin mới nhất

T5,21/11/2024