Hà Tĩnh: Mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, anh nông dân thu lãi tiền tỷ

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Trước thực trạng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tình hình dịch bệnh thường xảy ra trong nhiều năm qua, trong khi nhiều hộ nuôi tôm đã phải bỏ ao thì anh Lê Văn Sỹ ở xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh đã mạnh dạn chuyển hướng nuôi tôm theo phương thức mới bằng cách áp dụng công nghệ tuần hoàn nước mang lại thu nhập tiền tỷ ngay từ vụ đầu tiên.

Khi triển khai mô hình này, anh Lê Văn Sỹ đã bỏ ra nhiều công sức, thời gian cũng như một nguồn vốn khá lớn để đầu tư về cơ sở hạ tầng cũng như cải tạo quy hoạch lại ao nuôi phù hợp với quy trình nuôi mới.

Anh Sỹ cho hay: Vùng nuôi thủy sản Hói Dua xã Kỳ Thư này, phần lớn các diện tích ao hồ còn nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, một số chủ hồ đã đầu tư lót bạt nuôi thâm canh. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ, các hộ nuôi còn mạnh ai nấy làm nên khi thời tiết bất lợi cộng với việc xả thải nước ao nuôi trực tiếp ra môi trường làm dịch bệnh rất dễ lây lan. Đã không ít lần, tôm nuôi của gia đình bị nhiễm bệnh phải hủy bỏ.

Hệ thống ao nuôi và các ao phụ trợ được anh Lê Văn Sỹ xây dựng lại bài bản đáp ứng nuôi theo quy trình nuôi tuần hoàn nước

Mặc dù vậy, với quyết tâm không bỏ hoang diện tích, anh bắt đầu tìm hiểu các mô hình nuôi tiên tiến ở trong và ngoài tỉnh thông qua các trang mạng internet và đi tham quan thực tế một số mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ cao ở Miền Nam. Quá trình tìm hiểu, nhận thấy, nuôi tôm theo quy trình tuần hoàn nước có nhiều ưu điểm, đặc biệt là quản lý tốt được nguồn nước ao nuôi, phù hợp với điều kiện ao nuôi của gia đình nên đầu năm 2023, anh đã thuê nhân công, máy móc xây dựng lại ao nuôi hợp lý và đầu tư các thiết bị hiện đại để nuôi tôm theo quy trình tuần hoàn nước.

Trên tổng diện tích 3ha, anh Sỹ đã dành 2/3 diện tích để xây dựng các ao phụ trợ gồm 01 ao lắng, 01 ao xử lý nước đầu vào, 01 ao để xử lý nước ao nuôi đã được lọc qua các lớp lưới và qua một lớp lọc sinh học, 1 ao cuối cùng được anh Sỹ gọi là ao sẵn sàng. Ao này chứa nguồn nước đảm bảo tất cả các yếu tố để sẵn sàng cấp vào ao nuôi bất cứ khi nào cần. Còn đối với ao nuôi thương phẩm, anh đã thiết kế 2 ao hình tròn, sử dụng bạt nhựa HPDE lót toàn bộ đáy và bờ ao nuôi, mỗi ao 0,2 ha.

Khi được hỏi về lý do mô hình lại dành nhiều ao bổ trợ như vậy, anh Sỹ đã cho biết: Quá trình nuôi tôm nói riêng và nuôi thủy sản nói chung thì nguồn nước vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. “Nuôi tôm là phải nuôi nước”, đó như là bí quyết giúp anh thành công. Do đó, khi xác định áp dụng công nghệ vào nuôi tôm thì cũng có nghĩa là áp dụng công nghệ để làm sao xử lý, quản lý tốt môi trường nước, có như vậy tôm mới phát triển khỏe mạnh.

Nhờ áp dụng công nghệ mới đã mang lại cho gia đình anh Sỹ một mùa vụ bội thu

Quá trình nuôi, nguồn nước ao nuôi không hề xả thải ra môi trường mà được xử lý để tái sử dụng theo một chu kỳ khép kín tuần hoàn, mọi yếu tố môi trường đều được kiểm soát tốt nên cả giai đoạn nuôi tôm từ nhỏ tới trưởng thành không phải sử dụng kháng sinh, nước nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học nên đã giúp môi trường nước nuôi luôn ổn định, đặc biệt là hàm lượng khí độc NH3 luôn được duy trì trong ngưỡng cho phép khi nuôi dài ngày với mật độ cao, nước nuôi không phải thay nhiều như trước đây, không xả thải ra môi trường bên ngoài, nhờ đó bảo vệ được môi trường vùng nuôi nên hạn chế dịch bệnh, tôm nhanh lớn, tiết kiệm được nguồn nước, giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn.

Tôm đảm bảo chất lượng được thương lái mua với giá cao hơn 5000đ/kg

 “Với số lượng thả ban đầu 1 triệu tôm giống, mật độ 250 con/m2, sau gần 3 tháng thả nuôi, tôm đạt tỷ lệ sống 85%, trọng lượng 38con/kg, sản lượng ước đạt hơn 22 tấn. Do tôm nuôi đảm bảo chất lượng nên thương lái đặt hàng với giá cao hơn so với nuôi thông thường 5000 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, vụ tôm này mang lại lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng cho gia đình. Từ thành công trong vụ nuôi đầu tiên đã cho tôi thêm sự tự tin để mở rộng diện tích, quy mô nuôi tôm trong thời gian tới .”. anh Sỹ phấn khởi chia sẻ.

Trao đổi với ông Nguyễn Duy Thành- Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh được biết,  toàn xã Kỳ Thư  hiện có 53ha nuôi tôm nhưng những năm qua, phương thức nuôi vẫn chủ yếu nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh và quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, một số vùng nuôi trên địa bàn năm nào cũng xảy ra dịch bệnh. Vụ nuôi tôm năm nay, xã đã vận động người dân đầu tư nuôi tôm thâm canh được gần 40ha. Đối với nuôi tôm áp dụng công nghệ tuần hoàn nước thì đây là  mô hình đầu tiên trên địa bàn xã được anh Lê Văn Sỹ áp dụng. Điều này cho thấy sự sáng tạo, mạnh dạn trong cách làm, cách nghĩ để mang lại giá trị cao hơn từ con tôm. Đây cũng là mô hình điểm để nhiều hộ dân trong vùng tham quan học tập kinh nghiệm và nhân rộng trong thời gian tới.

Với những khó khăn của nghề nuôi tôm như hiện nay thì thành công từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tái sử dụng nước theo công nghệ tuần hoàn khép kín được nếu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sẽ giúp người dân tiếp cận được với hình thức, phương thức sản xuất mới, hạn chế được tối đa tình trạng lây lan dịch bệnh trong vùng nuôi, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, đồng thời tạo ra được sản phẩm tôm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thành công từ  mô hình nuôi tôm theo công nghệ tuần hoàn nước cho thấy là hướng đi phù hợp, nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, nhất là những vùng thường xảy ra dịch bệnh, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mở ra nhiều triển vọng mới, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Nguyễn Hoàn