Gỡ khó cho mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Trong những năm qua, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và có những đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) đã phát triển vượt bậc và có vai trò dẫn dắt đối với sự phát triển của ngành tôm. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức trên con đường mở rộng.

Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thu hoạch tôm thẻ siêu thâm canh. Ảnh: H.T

Không ngừng mở rộng sản xuất

Những năm qua, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tăng liên tục. Nếu năm 2015, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh chỉ dừng ở con số 76ha, thì đến năm 2023 đã đạt hơn 6.620ha, tăng gấp 87 lần. Điểm nhấn của mô hình này là cho năng suất cao gấp 10 – 15 lần so với nuôi tôm bằng cách thức truyền thống, riêng sản lượng mô hình siêu thâm canh có UDCNC trong năm 2023 chiếm trên 41% tổng sản lượng tôm nuôi trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 25 tổ chức và trên 830 cá nhân đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh có UDCNC. Đồng thời, có 6 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp UDCNC. Cùng với đó, Khu Nông nghiệp UDCNC phát triển tôm Bạc Liêu đang triển khai xây dựng hứa hẹn sẽ tạo nên những động lực mới cho ngành tôm bên cạnh 5 vùng nuôi tôm công nghệ cao được chứng nhận.

Có thể nói, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có UDCNC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua mang lại hiệu quả cao, nhiều quy trình nuôi tôm UDCNC được doanh nghiệp, người dân áp dụng như: nuôi tôm hai giai đoạn ít thay nước, hoặc tuần hoàn nước, có giải pháp xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường; sử dụng “chip” điện tử để theo dõi và kiểm soát các yếu tố môi trường; cho ăn bằng máy và sử dụng công nghệ điện toán đám mây để tôm bắt mồi tự động; hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí lại hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, chứa nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải (Biogas).

Đáng chú ý, trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nên những mô hình nuôi tôm hiện đại đứng đầu cả nước và góp phần quảng bá cho hình ảnh Bạc Liêu về thế mạnh nuôi tôm. Điển hình là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của Tập đoàn Việt – Úc với các khu phức hợp UDCNC được xây dựng bên trong các nhà kín. Các ao nuôi đều được lót bạt dưới đáy, nguồn nước mặn được xử lý tiệt trùng bằng một ao lắng với nhiều trang thiết bị hiện đại. Mỗi ao nuôi đều được trang bị thiết bị thu sóng siêu âm sonar, quạt nước, máy bơm ôxy… hoạt động liên tục 24/24 giờ, nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết cho con tôm phát triển …

Cùng với mô hình nuôi tôm trong nhà kín, Tập đoàn này còn áp dụng mô hình nhà màng bong bóng để nuôi tôm. Đây là công nghệ nuôi mới từ Israel được triển khai lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là mô hình tiên tiến giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả cao.

Ngoài Tập đoàn Việt – Úc, Bạc Liêu còn có nhiều doanh nghiệp nuôi tôm với các mô hình hiện đại khác cho siêu lợi nhuận như: Công ty TNHH MTV Long Mạnh, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh, Công ty TNHH thủy sản công nghệ cao Việt Nam Chi nhánh 1 tại Bạc Liêu, Công ty TNHH Growmax Bạc Liêu…

Trong thời gian qua, mô hình nuôi tôm UDCNC nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và Bạc Liêu đã xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo. Cụ thể là Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, Bạc Liêu cũng thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành quan tâm đến ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nghiên cứu tiếp cận thị trường, hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh như: Tuyển chọn dự án đầu tư vào khu nông nghiệp UDCNC phát triển tôm Bạc Liêu, đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp UDCNC theo quy hoạch, xây dựng và đưa vào sử dụng một số dự án, công trình trọng tâm thích ứng với BĐKH (xây kè của một số bờ sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh, nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng…), xây dựng hệ thống công trình ngăn triều, chống ngập trên địa bàn tỉnh.

Tập đoàn Việt – Úc hướng dẫn mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho nông dân các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: K.T

Nhiều khó khăn, thách thức

Có thể nói, những mô hình nuôi tôm UDCNC bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nền nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, nông nghiệp UDCNC hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có những hạn chế nhất định. Đó là mô hình nuôi tôm UDCNC đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, trong khi đa số các hộ dân muốn thực hiện theo mô hình này đều thiếu vốn để thực hiện nhưng số hộ đảm bảo thủ tục vay thì không nhiều, hầu hết thiếu tài sản thế chấp hoặc đang thế chấp ngân hàng khác. Thiếu vốn đầu tư đang là một rào cản không nhỏ đối với phát triển con tôm UDCNC ở Bạc Liêu hiện nay.

Một khó khăn rất quan trọng khác là thiếu và yếu về nguồn nhân lực. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế nhưng hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nói riêng còn thiếu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm cản trở việc thực hiện các chương trình nông nghiệp UDCNC và sẽ khó tạo nên sự lan tỏa mạnh cho các mô hình.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra sản lượng nuôi lớn. Trong  khi đó, bài toán “được mùa mất giá” vẫn đang là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Tác động trực tiếp đến phát triển nông nghiệp chính là kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Trên thực tế, các công trình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất. Cụ thể, hệ thống thủy lợi vùng nuôi tôm tập trung chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống kênh mương bị bồi lắng nhanh, nhất là ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1A. Hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm tập trung còn hạn chế và chỉ mới đạt khoảng 30 – 40%. Hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Ngay cả khu Khu Nông nghiệp UDCNC phát triển tôm Bạc Liêu vẫn chưa thể hoạt động sau 5 năm có quyết định thành lập đã khiến cho con đường trở thành thủ phủ ngành tôm cả nước của Bạc Liêu vẫn còn gập ghềnh.

Tất cả những khó khăn này là trở lực lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp UDCNC. Cũng như, rất khó thu hút đầu tư cho các dự án lớn cho phát triển mô hình nuôi tôm UDCNC. Những giải pháp được giải quyết thì mới tạo nên những động lực cho phát triển mô hình nuôi tôm UDCNC.

Kim Trung

Báo Bạc Liêu

Tin mới nhất

T5,21/11/2024