Giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thuỷ sản

Đó là chủ đề chính của buổi hội thảo “Giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thủy sản” diễn ra vào sáng 3/11 tại Hội trường tòa nhà Công nghệ cao (Trường Đại học Cần Thơ). Hội thảo do tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tổ chức. Dự hội thảo có đại diện tổ chức ActionAid; Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV) và đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh có nghề nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tại buổi hội thảo, đại biểu được nghe lãnh đạo các đơn vị liên quan trình bày các tham luận, về: Ngành nuôi trồng thủy sản bền vững – Cơ hội và thách thức; nghiên cứu đo mức độ phát thải thấp trên mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và quảng canh và thảo luận về các giải pháp nhân rộng mô hình nuôi tôm phát thải thấp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mục tiêu chung của dự án nhằm góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính từ nuôi trồng thủy sản thông qua thí điểm và lồng ghép các biện pháp thực hành tốt, có thể nhân rộng tại đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu nhằm mang lại lợi ích kinh tế thông qua áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và các giải pháp năng lượng tái tạo. Đồng thời giảm lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản và tăng cường các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Dự án đã tổ chức các khóa tập huấn cho người dân về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hiểu biết về phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thủy sản, các biện pháp cần áp dụng trong nuôi trồng thủy sản; triển khai các hoạt động mô hình để hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp theo mục tiêu, điều kiện hỗ trợ về tài chính của dự án và khả năng đáp ứng, phối hợp triển khai mô hình của các hộ dân, đồng thời tiến hành giám sát, đánh giá kết quả đạt được trong quá trình triển khai các mô hình… Qua đó đề xuất các chính sách, lộ trình chuyển giao, mở rộng áp dụng kết quả của dự án.

Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Chương trình Dự án An sinh xã hội Việt Nam và đại diện đối tác, gồm: Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên; Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa các bên, giai đoạn 2023 – 2027. Ảnh: QUANG BÌNH

Để giảm khí nhà kính từ các trang trại nuôi trồng thủy sản, cần hiểu cách thức và lý do chúng phát sinh. Để giúp đáp ứng thách thức này, dự án đã hợp tác với các chuyên gia từ Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) thiết lập một cơ chế đo lường dựa trên bằng chứng khoa học để định lượng phát thải khí nhà kính tại trang trại bằng cách sử dụng Phân tích vòng đời (LCA). Theo đó, các nhà khoa học đã phát triển các kế hoạch, công cụ và quy trình thân thiện với người dùng để thu thập dữ liệu phát thải trên các vuông tôm ở các mô hình nuôi khác nhau và qua đó xác định lượng khí thải trang trại theo nguồn đối với mỗi loại hình nuôi. Đây là lần đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ có phương pháp đo tính để xác định thế nào là phát thải thấp trong nuôi tôm.

Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm từ 13 – 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới, trong đó, đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 70% sản lượng. Do đó, từ kết quả nghiên cứu xác định được lượng phát thải thấp trong nuôi tôm giúp ngành tôm lựa chọn được bước đi bền vững trong sản xuất.

Tại buổi hội thảo, tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Chương trình Dự án An sinh xã hội Việt Nam và đại diện đối tác, gồm: Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên; Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa các bên, giai đoạn 2023 – 2027.

Quang Bình

Nguồn: Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T5,21/11/2024