Giải pháp giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất trong chuẩn bị ao, hồ, nuôi tôm thẻ chân trắng

Với ngành tôm, quý II, quý III, là 2 quý chủ lực, quyết định sản lượng trong kế hoạch cả năm, quyết định hiệu quả sản xuất, cân đối các khoản chi phí đầu vào, làm cơ sở hạch toán lợi nhuận kinh doanh, sản xuất. Như những ngành khác, ngành tôm vừa trải qua 1 năm ảm đạm do dịch bệnh covid 19 tác động, thị trường đang từng bước gượng dậy, sau những thiệt hại nặng nề do dich bệnh gây ra. Với người nuôi tôm, hơn bao giờ hết, bước vào vụ nuôi mới, cần một vụ nuôi thành công, để trang trải, khoả lấp, tạo động lực, xây dựng niềm tin, duy trì, phát triển, mô hình nuôi tôm của mình.

Khi đề cập đến các yếu tố quan trọng, ảnh hưởng, tác động, quyết định thành công của mô hình nuôi tôm hiện nay như con giống; môi trường; thức ăn; kỹ thuật hay nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ, bà con hay truyền miệng; tự nhắc nhau trong thực tế nuôi tôm là vấn đề muôn thuở của nghề nuôi tôm. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến vấn đề chuẩn bị ao, hồ trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Nội dung đề cập được xem là không mới, nhưng trên thực tế sản xuất tôm hiện nay, vấn đề này luôn đóng vai trò then chốt, quyết định thành công của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Những tồn tại, hạn chế, vẫn hiện hữu, gây khó khăn, thiệt hại cho người nuôi tôm. Nuôi tôm mô hình ao đất, ao đất lót bạt bờ, ao đất lót bạt bờ đáy lưới, ao lót bạt bờ bạt đáy, ao công nghệ cao. Người nuôi đánh giá thấp việc dùng lưới hay bạt đáy ao, ngăn chặn phèn rò rỉ, hạn chế tôm hoạt động, quậy đáy ao làm đục nước. Hệ thống quạt nước, oxy đáy bố trí chưa tương xứng diện tích thả nuôi, mật độ thả nuôi, công nghệ nuôi,… nên khi khai thác sẽ kém hiệu quả. Hiện nay, việc xử lý bùn đáy, nguồn nước của vụ nuôi trước chưa được thực hiện triệt để. Việc đầu tư hệ thống các ao lắng lọc, ao xử lý có hệ thống zic zac bằng lưới, ao sẵn sàng, ao nuôi, ao xử lý thải…người nuôi tôm dù muốn, nhưng lệ thuộc vào quỹ đất, khả năng tài chính, mô hình đang ứng dụng,… Lượng bùn tồn của vụ nuôi trước không được loại bỏ triệt để, ẩn chứa nhiều mầm bệnh, khí độc, là nguy cơ tác động trực tiếp đến tỷ lệ sống bầy tôm postlarvae thả nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của tôm trong quá trình nuôi.

Lượng bùn tồn của vụ nuôi trước không được loại bỏ triệt làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của tôm. Ảnh: khoahocxanh.com

Thông qua đánh giá BOD (nhu cầu oxy sinh hoá) trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng, cho thấy, khi mật độ nuôi càng tăng, tỷ lệ sống tôm nuôi giảm, lượng thức ăn dư thừa tăng, lượng phân thải hàng ngày tăng, lượng dịch thải hàng ngày tăng. BOD do thức ăn dư, do phân, do dịch, và BOD tổng, đều tăng theo thời gian nuôi và tăng mạnh khi mật độ thả nuôi tăng. Khi BOD tổng tăng cao, chứng tỏ ô nhiễm hữu cơ tăng, nhu cầu oxy sinh học, đại diện cho lượng oxy tiêu thụ của vi sinh vật, khi chúng phân huỷ chất hữu cơ, trong điều kiện hiếu khí cũng tăng cao. Khi khối lượng tôm thu hoạch tăng cao, BOD sinh ra tỷ lệ thuận, theo sự tăng của trọng lượng. Mặt khác, tái sử dụng nước của vụ nuôi trước, nếu không được xử lý triệt để, khí độc trong nước sẽ rất cao, đặc biệt NO2, H2S, NH3, người nuôi phải đầu tư thêm tài chính, mua thuốc, hoá chất,… gây tốn kém trong chi phí sản xuất, liên tục gây bất ổn về môi trường trong quá trình nuôi, gây stress trực tiếp cho tôm trong ao.

Tái sử dụng nước của vụ nuôi trước, nếu không được xử lý triệt để gây bất ổn môi trường sống. Ảnh: voicongnghiep.com.vn

Đối với những ao mới làm, việc xây dựng ao nuôi quá lớn ≥ 1.800 m2, khó chăm sóc, quản lý, môi trường luôn biến động. Quy trình lấy nước, các bước xử lý, sử dụng hoá chất các loại, tuần tự hoá chất và liều lượng mỗi loại hoá chất,… còn nhiều bất cập. Với các vấn đề thảo luận trên, khi vận hành mô hình nuôi, theo sự phát triển của tôm trong ao, theo nhu cầu thức ăn tăng cao, môi trường nuôi bắt đầu bất ổn, khí độc tăng cao, chất thải tăng cao, kéo theo phân huỷ hữu cơ tần suất tăng cao, sinh nhiều khí độc, làm BOD tăng. Các giải pháp trú trọng vào khâu chuẩn bị ao, hồ nuôi, đúng yêu cầu kỹ thuật, giảm thiểu rủi ro, tăng cơ hội thành công cho các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Bà con nên thiết kế ao nuôi có diện tích ≤ 1.500 m2, thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý, vận hành. Trang bị đầy đủ các ao đã đề cập trên. Việc đầu tư thêm lưới đáy hay lót bạt đáy giúp ngăn chặn phèn rò rỉ, ngăn tôm quậy đáy, làm đục nước, giảm oxy trong nước. Lót lưới hay bạt, giúp người nuôi loại bỏ chất thải, chất hữu cơ, ra khỏi ao nuôi dễ dàng. Nguồn nước lấy từ kênh cấp, qua túi lọc dẫn vào ao lắng thô (ao này có thể thả cá rô phi) để lắng 1 đến 2 ngày, bà con cần đảm bảo thời gian lắng này. Sau khi lắng, nước được bơm sang ao xử lý hình zic zac. Hệ thống zic zac thiết kế: ngang: 3 – 5 m, dài: ≥ 150 m, tấm ngăn giữa các ô zic zac thiết kế bằng lưới lan đặt ngang, khoảng cách giữa các tấm lưới 5 – 10 m, đập tràn bố trí cách nhau 30 – 40 m, xen kẽ các tấm ngăn bằng lưới lan. Tại đường zic zac đầu vào, nước được xử lý bằng PAC (Poly Aluminum Chloride), là một hợp chất lắng tụ gốc nhôm, nồng độ 5 g/m3 nước, hoá chất xử lý tiếp theo là thuốc tím (KMnO4) nồng độ 4 – 5 g/m3 nước. Nếu nguồn nước cấp có độ đục cao, có thể dùng thuốc tím nồng độ 20 – 25 g/m3.

Lót lưới hay bạt, giúp người nuôi loại bỏ chất thải, chất hữu cơ, ra khỏi ao nuôi dễ dàng. Ảnh: Tepbac

Tiếp đó, trong hệ thống zic zac, nước được xử lý bằng Chlorine Ca(ClO)2, nồng độ 25 – 30 g/m3 nước. Ngoài Chlorine, bà con có thể dùng BKC, TCCA, VIKON…Chlorine hòa tan kỹ trong xô chứa nước, tạt đều quanh ao, đảo nước bằng máy quạt 30 phút đến 1 giờ. Đánh Chlorine chiều mát hoặc tối. Sau khi đánh Chlorine, cần tắt xục khí 24 giờ. Tại đường zic zac đầu ra, nước được bơm từ ao xử lý sang ao sẵn sàng. Tại đây, nước được bổ sung khoáng chất, tăng kiềm, điều chỉnh pH, gây nuôi vi sinh. Khi nước ở ao sẵn sàng đạt tiêu chuẩn, tiến hành cấp vào ao ương, ao nuôi. Kiểm tra hàng ngày các chỉ tiêu như oxy hòa tan (DO), pH, độ mặn, độ trong, nhiệt độ, độ kiềm, NH3, H2S, bảo đảm giá trị của các thông số, đạt yêu cầu tiêu chuẩn nuôi tôm.

Hệ thống ao “zic zac” trong nuôi tôm nhằm xử lý nước sạch hơn. Ảnh: nguoinuoitom.vn

Ao ương, bà con nện thiết kế diện tích khoảng 200 – 300 m3, nên làm ao tròn nổi, nếu ao vuông nổi, cần bo tròn góc. Ao được lót bạt HDPE toàn bộ, có mái che, có hố si phon ở giữa ao để gom chất thải ra ao chứa bùn. Ao ương bố trí 1 máy sục khí 3 KV/giờ, với 20 sủi kèm theo. Ao nuôi diện tích 1.000 – 1.500 m2, ao hình vuông, bo tròn góc, nhằm tạo dòng chảy tốt, gom chất thải triệt để, cung cấp oxy đầy đủ cho ao, tốt nhất bà con nên thiết kế ao hình tròn. Ao nuôi có hố si phon ở giữa, gom tụ chất thải, định kỳ hút ra ngoài. Nếu có khả năng tài chính, bà con nên lót bạt bờ, bạt đáy, nhằm chủ động kiểm soát chất lượng nước, kiểm soát khí độc. Các ao nuôi thiết kế với độ sâu 1,2 – 1,5 m, phù hợp tập tính hoạt động rộng khắp tầng nước của tôm thẻ chân trắng. Ao nuôi bố trí 1 – 2 máy sục khí, công suất 2,5 – 3,5 kW, sử dụng dàn quạt có 12 – 14 cánh, với 4 dàn quạt nước. Kết hợp cánh quạt nhựa và cánh quạt lông nhím, vòng tua cánh quạt nhựa lớn hơn 120 vòng/phút. Bố trí thêm 1 – 2 máy sủi công suất 2,5 – 3,5 kW; dùng 120 – 200 cục sủi rải đều khắp ao. Nếu mật độ nuôi ≥ 500 post/m2, số lượng sủi trung bình 120 – 200 cục sủi/ 1.000 m2.

Sử dung máy sục khí để duy trì mức oxy mong muốn trong ao nuôi tôm. Ảnh: baoduongmaythoikhi.com

Gây nuôi vi sinh có lợi, tạo Floc, nguồn thức ăn tự nhiên trong ao ương, ao nuôi. Bà con sử dụng các nguyên liệu gồm 180 lít nước ngọt sạch, cám gạo: 2 kg, 2 kg thức ăn tôm 43% đạm, 5 kg rỉ mật đường, 1 kg muối ăn, 500g chế phẩm sinh học có thành phần gồm Bacillus subtilis 108 CFU/kg; Bacillus lichenniformis 108 CFU/kg; Bacillus megaterium 108 CFU/kg; Bacillus polymyxa 108 CFU/kg. Sục khí thùng ủ vi sinh liên tục 1-2 ngày, sau đó tạt đều xuống ao ương, ao nuôi. Bổ sung vi sinh đã qua sục khí liên tục trong 5 ngày đầu, bật quạt nước và sủi oxy liên tục để tạo biofloc.

Công tác chuẩn bị ao, hồ, rất quan trọng trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Tepbac

Công tác chuẩn bị ao, hồ, rất quan trọng trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Quá trình chuẩn bị đúng quy trình, từng công đoạn, triệt để, đảm bảo thời gian, nhằm giảm thiểu những rủi ro do môi trường, ảnh hưởng xấu đến nguồn nước nuôi tôm. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản xuất, cơ hội thành công của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ tăng lên, nếu các rủi ro phát sinh do công tác chuẩn bị ao hồ được chủ động giảm thiểu. Người nuôi tôm sẽ không bị chi phối bởi các vấn đề trên, tập trung nâng cao tỷ lệ sống tôm nuôi, chủ động phòng bệnh, gia tăng sản lượng, tự tin cải thiện năng suất và trọng lượng tôm nuôi.

Lý Vĩnh Phước

Nguồn: Thuỷ sản Tép Bạc

Tin mới nhất

T5,21/11/2024