Giá tôm tăng nhưng khối lượng vẫn chưa bứt phá

[Người nuôi tôm] – Dù lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 2/2025 còn thấp, giá xuất khẩu bình quân lại ghi nhận mức tăng ấn tượng, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, sức mua hạn chế, cạnh tranh gay gắt và nguồn cung chưa ổn định tiếp tục tạo sức ép lên ngành chế biến và xuất khẩu.

 

Tôm Việt xuất khẩu giá cao kỷ lục, nhưng thị trường vẫn chờ đợi phục hồi

Giá tăng nhưng đơn hàng vẫn chưa phục hồi

Trong tháng 2, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng của Việt Nam đạt 17.608 tấn, giảm 7% so với tháng 1, nhưng vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm sáng nổi bật là giá xuất khẩu bình quân tăng hơn 5%, đạt mức 9,01 USD/kg – chủ yếu nhờ mức giá cao tại thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo dự báo, xuất khẩu tôm trong tháng 3 nhiều khả năng phục hồi chậm. Nguyên nhân chủ yếu là số lượng đơn hàng mới còn hạn chế và các nhà máy vẫn gặp khó khăn trong đàm phán giá do phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ từ Ấn Độ và Ecuador.

Thị trường phân hóa mạnh

Trong tháng 2, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc và Hong Kong giảm 30%, EU giảm 17%, Anh giảm 19%. Trong khi đó, mức tăng tại các thị trường khác khá khiêm tốn: Hoa Kỳ tăng 6%, Nhật Bản tăng 9%, Hàn Quốc tăng 2%. Dù vậy, điểm tích cực là giá xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng.

Cụ thể xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ, giá tôm thẻ tăng lên 17,8 USD/kg – mức cao nhất trong gần một năm; sang Trung Quốc, giá tăng 9,1% lên 7,2 USD/kg – cao nhất kể từ tháng 3/2023; sang Nhật Bản và Hàn Quốc, giá cũng tăng lần lượt 5,6% và 5,3%.

Giá tôm sú tăng mạnh nhưng nguồn cung hạn chế

Tôm sú tiếp tục gặp khó về nguồn cung do thời điểm trái vụ và tiến độ thả nuôi chậm từ cuối năm 2024. Khối lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong tháng 2 chỉ đạt 1.475 tấn, giảm 21% so với tháng 1, nhưng vẫn cao hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Dù lượng giảm, giá lại tăng mạnh: giá xuất khẩu bình quân tất cả các sản phẩm tôm sú tăng 14%, đạt 12,77 USD/kg.

Xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc đạt 353 tấn, giảm nhẹ nhưng giá tăng 14,1% lên 10,5 USD/kg – mức cao nhất trong một năm. Tại Nhật Bản, dù khối lượng chỉ đạt 326 tấn, giá xuất khẩu tăng tới 16,7%, lên 14,7 USD/kg – cao nhất kể từ mùa hè năm 2023.

Giá tôm nguyên liệu diễn biến trái chiều

Từ đầu tháng 2, các nhà máy chế biến lớn đã nối lại hoạt động thu mua sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giao dịch tôm cỡ nhỏ (100 con/kg) chững lại do sức mua từ Trung Quốc yếu. Ngược lại, giá mua tôm cỡ lớn (20–40 con/kg) tăng 1–3% nhằm duy trì ổn định nguồn nguyên liệu trong bối cảnh khan hiếm. Tôm sú nguyên liệu cũng ghi nhận giá tăng nhẹ 1 – 2% ở các cỡ 20 – 50 và cỡ 80, do nhu cầu duy trì sản xuất xuất khẩu trong khi nguồn cung chưa dồi dào.

Dù giá xuất khẩu tăng là tín hiệu tích cực, nhưng với nguồn cung chưa ổn định, thị trường xuất khẩu phân hóa và áp lực cạnh tranh lớn từ các đối thủ, ngành tôm Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc mở rộng thị phần tại các thị trường cao giá như Mỹ, Nhật Bản và giữ ổn định đơn hàng tại Trung Quốc sẽ là bài toán trọng tâm trong những tháng tới.

Phương Nhung (theo undercurrentnews)

Tin mới nhất

T7,12/04/2025