EHP: Mối đe dọa đối với ngành tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Chưa hết khó do thời tiết, môi trường thì người nuôi tôm hiện nay lại tiếp tục đương đầu với khó khăn mới là bệnh phân trắng và tôm nhiễm vi bào tử trùng (EHP) khiến tôm chậm lớn, buộc phải hủy bỏ (nếu tôm nhỏ) hoặc thu hoạch sớm để thu hồi chút vốn liếng đầu tư…người nuôi tôm thêm chùn tay trước quyết định có nên thả nuôi hay tạm ngưng.

Tôm nhiễm EHP chậm lớn, còi cọc và không có biểu hiện rõ ràng

 

Thiệt hại không nhỏ

Từ tháng 6 đến hết tháng 9 là khoảng thời gian mưa bão nhiều, việc chăm sóc tôm nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là bệnh EHP hiện vẫn chưa có giải pháp phòng trị hiệu quả, nên từ đầu tháng 5 đến nay đã có một số trang trại, hộ nuôi tôm nhỏ lẻ đã tạm ngừng thả giống vì lo sợ thiệt hại.

Ông Lê Minh Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), cho biết mọi năm bệnh EHP xuất hiện trên tôm nuôi rất ít. Tuy nhiên bước sang năm 2022 do thời tiết phức tạp, môi trường không thuận lợi, bệnh EHP xuất hiện trên diện rộng gây khó khăn cho ngành nuôi tôm ở khu vực miền Trung.

“Qua nắm bắt các anh em nuôi tôm từ phía Bắc cho đến tỉnh Bình Thuận đều xảy ra rất nhiều. Ngay cả các trang trại nuôi lớn và cả bản thân khu nuôi của gia đình thả 2 vụ đều dính EHP”, ông Lê Minh Chính chia sẻ.

Với thâm niên 35 năm trong nghề nuôi tôm nước lợ, cũng là người tiên phong triển khai thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Semi biofloc từ năm 2014, ông Chính cho rằng, đối với bệnh này nếu người nuôi không giải quyết triệt để ban đầu thì khó nuôi tôm trở lại thuận lợi. Bởi lẽ ký sinh trùng vẫn tồn tại trong ao, thiết bị, vì vậy khi thả giống xuống sau khoảng 1 tháng, tôm nuôi chắc chắn sẽ bị nhiễm EHP. Khi tôm nuôi nhiễm EHP sẽ gây chết rải rác và khó nuôi được về kích cỡ dưới 100 con/kg.

Có thể thấy, tôm nhiễm EHP hiện đang là bệnh gây thiệt hại nặng nề nhất cho người nuôi tôm tại nhiều địa phương, nhất là đối với tôm thẻ chân trắng. Bệnh không gây chết tôm hàng loạt mà làm cho tôm nuôi chậm lớn và chết dần. Vừa tiêu tốn thức ăn vừa làm phát sinh nhiều khoản chi phí khác. Bên cạnh ảnh hưởng về mặt kinh tế, môi trường ao nuôi cũng sẽ chịu nhiều tác động khi khả năng tôm lưu lại mầm bệnh trong ao nuôi là khá cao, kéo dài từ vụ này sang vụ khác và rất khó để xử lý triệt để.

Ông Trần Công Khôi, phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, bệnh EHP không gây chết tôm hàng loạt như bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp nhưng ảnh hưởng rất lớn về kinh tế cho người nuôi. “Một khi tôm bị bệnh này sẽ chậm lớn, thậm chí không lớn mặc dù tiêu tốn rất nhiều thức ăn. Tôm nuôi 90 – 100 ngày tuổi vẫn có thể chỉ đạt kích cỡ bằng 4 – 5 gram/con, tức tầm 200 – 250 con/kg”, ông Khôi nói.

 

Cần chủ động bảo vệ ao nuôi        

Cho đến thời điểm hiện tại, EHP chưa có thuốc điều trị, do đó việc sử dụng thuốc kháng sinh để phòng và trị bệnh là không hiệu quả. Việc lạm dụng kháng sinh làm cho tôm chậm lớn và gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Tỷ lệ nhiễm EHP trên tôm giống và tôm nuôi hiện nay khá cao, lây truyền theo chiều dọc (từ tôm bố mẹ sang tôm post) lẫn chiều ngang (lây từ ao này sang ao khác). Do đó, để phòng ngừa bệnh EHP, trong quá trình nuôi nhiều hộ nuôi chủ động áp dụng các nguyên tắc an toàn sinh học từ trại giống đến khâu cải tạo và quản lý ao nuôi.

Tại khu nuôi tôm Ấp 3, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, kể từ khi tôm nuôi nhiễm bệnh EHP (từ năm 2018), khu nuôi đã tiến hành cải tạo lại toàn bộ từ ao nuôi, hệ thống xử lý nước đến sự thay đổi về phương thức nuôi. Theo đó, từ 2 năm nay, khu nuôi áp dụng mô hình nuôi tôm 4 giai đoạn theo hình thức lót bạt đáy. Với mô hình này, hộ nuôi có thể kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường trên tôm, vừa chủ động kiểm soát được môi trường nước, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xử lý ao khi có tôm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thực hiện xổ ký sinh trùng cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu được hộ nuôi áp dụng để xử lý, nhằm hạn chế tình trạng tôm bị nhiễm bệnh EHP.

Bà Tạ Thị Bích Thu, khu nuôi tôm Tùng Thu, thị trấn Long phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho hay. Khu nuôi của gia đình có diện tích 400m2, tiến hành gièo giống từ 20 – 22 ngày rồi mới đưa xuống ao nuôi. Sau khi về kích cỡ 400 con/kg, tiếp tục vệ sinh ao nuôi và tiến hành san tôm… cứ thế tiến hành san tôm 4 lần/vụ nuôi kéo dài 110 – 120 ngày. Bên cạnh đó, bà Thu thường xuyên kiểm tra tôm, nếu thấy đuôi tôm xuất hiện đốm trắng như hạt gạo, lập tức tiến hành xổ ký sinh trùng, hạn chế tối đa tình trạng tôm nhiễm EHP.

Theo Ths. Trần Tuấn Phong, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, đối với EHP, khi tôm nhiễm bệnh người nuôi cần cải tạo ao nuôi kỹ lưỡng trước khi bước vào vụ nuôi mới. Đối với ao lót bạt, khi cải tạo cần chà rửa bạt thật kỹ, phơi khô sau đó khử trùng lại bằng nước vôi hoặc Chlorine. Còn đối với ao đất, cần xới kỹ đáy ao, phơi khô sau đó rải vôi CaCO3 để nâng độ pH lên mức 11 – 12 trong khoảng 5 ngày nhằm loại bỏ mầm bệnh EHP. Sau đó, tiến hành điều chỉnh lại pH cho phù hợp với điều kiện ao nuôi.

Lưu ý, khi lấy nước vào ao nuôi, cần lọc kỹ qua ao lắng nhiều lần để loại bỏ những nguy cơ gây bệnh như mùn bã hưu cơ, vật chủ trung gian truyền bệnh (cua, giáp xác tự nhiên)… Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, hạn chế người lạ ra vào khu nuôi. Vệ sinh khử trùng dụng cụ ao nuôi sạch sẽ, rào lưới xung quanh ao nuôi chống các loại giáp xác từ bên ngoài vào… loại bỏ những nguy cơ mang mầm bệnh vào ao nuôi.

Ngoài những biện pháp kể trên, theo TS. Yuri (Công ty Prima Indonesia), để kiểm soát tốt bệnh EHP, người nuôi cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như quản lý dịch bệnh, đặc biệt quản lý dịch bệnh từ đầu nguồn, tức là từ con giống, nhất là con giống bố mẹ. Trong đó cần kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu từ các nước đang có mầm bệnh EHP.

Đồng quan điểm, TS. Trần Hữu Lộc Giảng viên Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để phòng tốt bệnh EHP, điều cần thiết là người nuôi tôm nên chọn con giống sạch bệnh, cải tạo ao nuôi thật kỹ, sử dụng vi sinh ức chế các loại vi sinh vật có hại, hạn chế tôm bị stress… ngay từ giai đoạn đầu nuôi tôm, nhất là trong mùa mưa như hiện nay.

Chia sẻ tại Diễn đàn tôm Việt 2022, TS. Trần Hữu Lộc cho biết, hiện tại, ở Ấn Độ nuôi tôm trên ao đất không còn hiệu quả, chính vì thế người nuôi tôm Ấn Độ đang tính tới việc chuyển hướng nuôi luân canh tôm, cá hoặc cho đất nghỉ, cày xới đất, phun xịt vi sinh để thay đổi hệ sinh thái trong đất, khiến EHP bị cạnh tranh bởi những vi sinh vật khác trong môi trường. Hệ vi sinh vật trong môi trường nếu được kích thích phát triển tốt sẽ dần lấn át vi khuẩn EHP. Đó là lý do tại sao nếu ao nuôi nhiễm EHPviệc đầu tiên cần làm là xử lý vôi, sau đó cho đất nghỉ, cày xới đất tiến hành phun xịt vi sinh để để hỗ trợ phân giải các chất hữu cơ, kích thích các hệ vi sinh vật khác. EHP mất đi ký chủ dẽ dần bị tiêu biến. Đất nhiễm EHP, bỏ tôm vào nuôi, tôm sẽ nhiễm EHP nhưng để đất nghỉ, phun xịt vi sinh, để từ 1 – 2 tháng, nuôi tôm vụ mới không còn sự xuất hiện của EHP.

Cũng theo TS. Lộc, EHP không tồn tại được lâu trong nguồn nước sạch. Điều này có nghĩa là khi chúng ta tiến hành lấy nước từ nguồn nước bị nhiễm EHP, đã có đủ thời gian cách ly (khoảng 15 ngày) sẽ không còn nhận thấy sự xuất hiện của EHP.

Bên cạnh đó, tôm dễ mắc EHP vào mùa mưa, bởi có sự thay đổi về môi trường nuôi diễn ra đột ngột, khiến con tôm bị stress, nhiễm các bệnh vi khuẩn, dẫn đến tôm nuôi dễ bị mẫn cảm với EHP. Thêm vào đó, mùa mưa độ mặn ao nuôi không cao khiến người nuôi phải xử lý, việc xử lý nước không triệt để cũng dễ dẫn đến xuất hiện mầm bệnh EHP trong ao nuôi. Hiện đang trong giai đoạn mùa mưa, các yếu tố môi trường dễ biến động, đồng thời diễn biến dịch bệnh trên tôm nước lợ cũng đang diễn ra rất khó lường. Hiện, Chi cục Thủy sản, phòng NN&PTNT các tỉnh đều khuyến cáo người nuôi cần lưu ý một số vấn đề kỹ thuật trong cải tạo ao và quản lý môi trường, dịch bệnh trong giai đoạn mùa mưa. Nếu điều kiện nguồn nước quá khó khăn, người nuôi nên tạm ngưng thả giống, tìm đối tượng nuôi khác phù hợp hơn.

Hoàng Long (Tổng hợp)

Nguồn lây EHP chủ yếu đến từ nguồn thức ăn tươi sống của tôm bố mẹ. Theo một số nghiên cứu, EHP không tồn tại trên vật chủ đông lạnh. Bởi vậy, chỉ cần đông lạnh nguồn thức ăn tươi sống của tôm bố mẹ (hàu, mực) thì đã giảm được 2/3 mối nguy. Phần còn lại đến từ con dời biển, tuy nhiên EHP không ký sinh trên con dời, mà con dời chỉ bị nhiễm bệnh EHP, cho nên có thể dùng phương pháp dòng nước chảy để rửa dời biển trong khoảng 6 giờ đồng hồ.

TS. Trần Hữu Lộc

Giảng viên Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh

Tin mới nhất

T6,22/11/2024