Doanh nghiệp tôm Việt: Nắm bắt thời cơ vàng tại thị trường Trung Quốc

[Người Nuôi Tôm] – Ecuador và Ấn Độ là hai nhà cung cấp tôm lớn sang thị trường Trung Quốc, nhưng thị phần của hai quốc gia này có dấu hiệu đi xuống trong thời gian gần đây. Đây là thời điểm lý tưởng để các nhà xuất khẩu nắm bắt xu hướng, tận dụng cơ hội để tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường tỷ dân vô cùng tiềm năng. 

Đây là thời điểm lý tưởng để các nhà xuất khẩu tôm Việt gia tăng thị phần tại Trung Quốc

 

Tận dụng cơ hội

Thị trường tôm toàn cầu đang trải qua những biến động phức tạp, trong bối cảnh này, Trung Quốc – một trong những thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới vẫn giữ vai trò quan trọng đối với các nhà xuất khẩu bao gồm cả Việt Nam.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 367.000 tấn tôm, trị giá 1,78 tỷ USD, giảm 11% về khối lượng và 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Hai nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc là Ecuador và Ấn Độ đều chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân chính được lý giải là do chiến lược đẩy mạnh sản xuất tôm trong nước của Trung Quốc và tình hình kinh tế suy giảm, khiến người dân thắt chặt chi tiêu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về ngành tôm 2024 diễn ra tại Chennai, Ấn Độ, nhà phân tích thị trường tôm, ông Erwin Termaat cho rằng, lệnh hạn chế đối với 9 công ty xuất khẩu của Ecuador do cáo buộc các lô hàng xuất khẩu từ tháng 2 đến tháng 3 có kết quả dương tính với metabisulfite vượt mức cho phép đã làm sai lệch dữ liệu nhập khẩu của năm.

Giá tôm của Ecuador vẫn ổn định trong suốt thời gian hạn chế. Lệnh cấm của Trung Quốc trùng với mức giảm 27% về khối lượng và giảm 43% về kim ngạch xuất khẩu tôm trong quý I/2024 của Ecuador. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng khiến hoạt động xuất khẩu tôm của Ecuador bị ảnh hưởng như nhu cầu của Trung Quốc yếu. Hậu quả là thị phần xuất khẩu tôm của Ecuador sang thị trường Trung Quốc đã giảm từ 64% trong quý I/2023 xuống còn 50% trong quý I/2024. Đây là cơ hội để các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam có thể tận dụng khoảng trống, tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường Trung Quốc.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, giá tôm trên toàn cầu giảm, nhưng giá tôm Việt Nam giảm ít hơn do chế biến nhiều hàng giá trị gia tăng mà Ecuador và Ấn Độ không thể hoặc chế biến được ít, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Một điểm mạnh nữa của tôm Việt Nam là màu sắc đỏ tươi, rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc, trong khi tôm từ Ecuador thường chỉ có màu đỏ nhạt do nuôi ao đất. Đặc điểm này có thể giúp sản phẩm tôm Việt Nam thu hút người tiêu dùng và gia tăng sự ưa chuộng.

Mặt khác, căng thẳng từ Biển Đỏ đẩy giá cước vận tải biển tăng cao khiến các doanh nghiệp Ecuador đang gặp khó trong việc đưa hàng đến Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhìn thấy khó khăn khi xuất khẩu tôm đến các thị trường xa như EU, Hoa Kỳ… và đang có nhiều giải pháp tập trung khai thác lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Trung Quốc.

 

Thách thức cần vượt qua

Điều bất ngờ nhất trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ, để trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 682 triệu USD; Trung Quốc chỉ chiếm vị trí thứ hai, với hơn 550 triệu USD. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 260 triệu USD, tăng 21%; trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ đạt 229 triệu USD, tăng 1%.

“Xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng trưởng giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4. Và sang tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều. Nguyên nhân chính là giá tôm của Việt Nam cao hơn so với giá của các nguồn cung đối thủ”, Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP, Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP thông tin.

Theo ông Erwin Termaat, nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến sự ổn định của nguồn cung tôm sang Trung Quốc, trái ngược với sự tăng trưởng đáng kể của các thị trường EU và Hoa Kỳ. Tại Trung Quốc, nhu cầu tôm không thay đổi so với năm trước, trong khi EU và Hoa Kỳ tăng lần lượt 11% và 14%. Điều này đã tạo ra những thách thức nhất định cho các nhà xuất khẩu tôm, đặc biệt là Việt Nam, khi phải cạnh tranh với các đối thủ từ các nước khác như Ecuador và Ấn Độ.

Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là giá thành sản phẩm. Tôm Việt Nam có giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, gây khó khăn trong việc cạnh tranh giá cả. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp trong nước phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.

Ngoài ra, với xu hướng sản xuất tôm nội địa của Trung Quốc đang được đẩy mạnh, việc duy trì và mở rộng thị phần sẽ không dễ dàng. Các doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp thị hiệu quả, tận dụng các kênh phân phối đa dạng và xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác Trung Quốc.

Một thách thức khác là nhu cầu từ Trung Quốc không đồng đều trong năm, với sự suy giảm đáng kể vào tháng 5. Tuy nhiên, dự kiến lượng hàng nhập khẩu sẽ tăng vào cuối năm, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sản xuất và tiếp thị để nắm bắt cơ hội này.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong quý III/2024 khó có thể tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân là do nhu cầu tôm đông lạnh của Trung Quốc chậm lại. Tại Trung Quốc, Việt Nam vẫn phải cạnh tranh mạnh với Ecuador khi bắt đầu từ 01/5/2024, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% cho tôm Ecuador theo Hiệp định thương mại tự do song phương.

Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là giá thành sản phẩm

 

Tìm giải pháp bứt phá

Ngành tôm đang đối mặt với hai vấn đề lớn, thứ nhất giá tôm xuất khẩu sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ. Thứ hai, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu tôm trong nửa cuối năm 2024.

Trong khi đó, theo quy luật thị trường, kể từ quý III trở đi là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh.

Vì vậy, theo VASEP, người nuôi cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi phù hợp để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn.

Đối mặt với rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần luôn chủ động có chiến lược cho riêng mình. Ví dụ điển hình như thị trường Hoa Kỳ, tuy có sức tiêu thụ lớn, nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh.

Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này, tập trung cho thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… Có doanh nghiệp chủ động về hoạt động nuôi, đề ra giải pháp nuôi và thu hoạch, để bán được giá tốt hơn.

Trung Quốc là một thị trường tiềm năng với nhu cầu tiêu thụ tôm lớn. Tuy nhiên, để khai thác triệt để cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần áp dụng các giải pháp chiến lược từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển đa dạng sản phẩm, đến tối ưu hóa chi phí và xây dựng mối quan hệ đối tác. Nếu thực hiện tốt các chiến lược này, ngành tôm Việt Nam có thể vượt thách thức và đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024.

Hảo Mai