Chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ nuôi tôm thu đông

Những ngày này, các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang khẩn trương vệ sinh ao đầm và chuẩn bị các điều kiện về vật tư, con giống có chất lượng để bước vào vụ nuôi tôm thu đông 2021.

 

Anh Hồ Văn Đức, xóm 12, xã Quỳnh Thanh cho biết: Trong vụ 2, gia đình anh thả nuôi giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2.000 m2, sản lượng đạt hơn 1 tấn, với giá trị trên 70 triệu đồng. Xác định vụ thu đông tôm thường cho giá trị kinh tế cao, do vậy ngay sau khi hoàn tất việc thu hoạch tôm vụ 2, anh đã nhanh chóng tháo cạn nước và thau rửa sạch sẽ bùn, tạp chất dưới đáy ao trải bạt. Đồng thời, bỏ vôi, lân bột trong ao nhằm tăng độ kiềm, độ PH, khử phèn trong đất và nước, sát khuẩn bờ, đáy ao.

Bên cạnh đó, anh Đức cũng đang tiến hành thay những đường bạt bị rách, kiểm tra hệ thống quạt ô xy trong ao. Ít ngày nữa, gia đình anh sẽ tiến hành thả 10 – 15 vạn con giống tôm thẻ.

Các hộ nuôi tôm ở Quỳnh Lưu tu sửa hệ thống quạt ô xy trong ao nuôi. Ảnh: Hồng Diện

Toàn xã Quỳnh Thanh có 75 ha nuôi tôm công nghiệp, 10 ha nuôi tôm quảng canh nước lợ và 5 ha nuôi tôm sú quảng canh. Trước đây, Quỳnh Thanh chỉ có từ 10 – 15 ha đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng để thả tôm vụ đông và 100% diện tích đều cho giá trị kinh tế cao. Đối với vụ nuôi này có lợi thế chi phí đầu vào thấp, môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, dịch bệnh ít xảy ra hơn, sản phẩm lại dễ bán, giá cao hơn chính vụ từ 70 –  90 nghìn đồng/kg.

Do vậy vụ thu đông năm nay, xã đã khuyến cáo người nuôi thả tôm 50% tổng diện tích. Hiện tại, các hộ dân đang tích cực xử lý môi trường; dùng mật mía, men vi sinh, lân bột để gây màu nước nhằm tạo các tảo có lợi, hạn chế bệnh phát sinh ở tôm.

Nông dân Quỳnh Thanh đầu tư xây dựng bể xi măng, nhà bạt để đáp ứng tốt việc nuôi tôm trong điều kiện thời tiết mưa lạnh. Ảnh: Hồng Diện

 

Ông Hồ Xuân Xuyên – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết: UBND xã chỉ đạo các hộ nuôi tôm xong vụ 1 ai có điều kiện thì nuôi vụ 2, còn không thì dừng lại thực hiện các quy trình xử lý ao hồ nhằm thải hết các chất có hại để thả nuôi vụ thu đông. Vụ thu đông chi phí chỉ khoảng từ 30 – 40% so với vụ chính, bởi vì mùa đông tôm ăn ít, các hóa chất khác sử dụng ít thì chi phí đầu vào thấp.

Còn tại xã Quỳnh Bảng, có tổng diện tích 186 ha nuôi tôm thì trong vụ thu đông sắp tới địa phương chỉ sẽ thả nuôi gần 50 ha. Xã khuyến cáo người dân có đủ điều kiện thả nuôi vụ tôm sắp tới phải làm nền ao và bờ bê tông kiên cố, trang bị đầy đủ hệ thống quạt nước, ô xy. Đồng thời, che chắn xung quanh bờ, tránh trường hợp khi có mưa bão nước tràn vào và côn trùng, động vật rơi xuống ao; căng lưới trên mặt ao nhằm tạo độ ẩm cho diện tích nuôi tôm trong thời tiết lạnh.

Bên cạnh đó, địa phương cũng lưu ý bà con quản lý hiệu quả môi trường nuôi, xử lý tốt nguồn nước đầu vào và chọn con giống có chất lượng. Hiện tại, toàn xã đã xây dựng được gần 2 ha nuôi tôm trong bể xi măng để nuôi tôm qua đông.

Người dân thau rửa sạch bùn đất trong ao nuôi tôm. Ảnh: Hồng Diện

 

Ông Hoàng Quang Dũng – Cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Bảng cho hay: Ngay từ đầu năm xã xây dựng kế hoạch vào vụ nuôi tôm và có phân ra từng giai đoạn, giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn thu đông. Đối với vụ thu đông thì khuyến cáo cơ sở nào đảm bảo các yếu tố theo quy định thì cho nuôi, còn những hộ không đảm bảo thì không áp dụng nuôi, tránh trường hợp bị thiệt hại về kinh tế.

Vụ thu đông này huyện Quỳnh Lưu dự kiến thả 1 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 100 ha. Thời gian thả tôm bắt đầu từ ngày 1/9 – 30/10, huyện đang chỉ đạo nhân dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng, với mật độ thưa từ 70 – 120 con/m2, nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cũng như tốc độ phát triển của vật nuôi.

Trong tổng số 465 ha nuôi tôm của huyện Quỳnh Lưu thì chỉ có gần 100 ha có đủ các yếu tố, điều kiện về cơ sở hạ tầng để nuôi tôm vụ thu đông. Mỗi năm, riêng vụ thu đông bình quân sản lượng đạt trên 300 tấn, với giá trị đạt 6 tỷ đồng. Phát huy những kết quả đạt được nên bà con đang tích cực làm tốt công tác chuẩn bị để một vụ nuôi mới thắng lợi toàn diện.

Hồng Diện

Nguồn: Báo Nghệ An

Huyện yêu cầu người nuôi tôm phải đảm bảo đủ điều kiện hệ thống bờ ao cao hơn mức nước lũ lụt hàng năm, hệ thống đăng chắn tốt, tiêu thoát nước ổn định. Đồng thời, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nuôi tôm theo nhiều giai đoạn theo công nghệ Semi Biofoloc. Ngoài ra, người nuôi cần thường xuyên theo dõi quan trắc môi trường định kỳ tại các vùng nuôi thủy sản của các cơ quan chức năng để có biện pháp lấy và xử lý nước đảm bảo. Trong quá trình nuôi, khi tôm có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ bệnh thì người nuôi phải báo ngay cho cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

Ông Bùi Xuân Trúc – Phó trưởng phòng NN & PTNN huyện Quỳnh Lưu

Tin mới nhất

T5,21/11/2024