Chủ động phòng trị bệnh trên tôm: Từ tác nhân đến quản lý tổng thể

[Người Nuôi Tôm] – Trước thực trạng bệnh trên tôm nuôi đang ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, nhóm nghiên cứu của ThS. Võ Hồng Phượng và ThS. Võ Bích Xoàn, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, đã tổng hợp các nhóm bệnh phổ biến và đưa ra giải pháp phòng trị hiệu quả, nhấn mạnh vai trò kiểm soát con giống, quản lý môi trường, giám sát mùa vụ và sử dụng biện pháp sinh học thay cho kháng sinh.

Đa dạng tác nhân, khó kiểm soát

Ngành tôm Việt Nam những năm gần đây liên tục đối mặt với nhiều loại bệnh nguy hiểm khiến tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Các nghiên cứu cho thấy, tôm nuôi bị ảnh hưởng bởi nhiều nhóm tác nhân gây bệnh, trong đó phổ biến và nguy hiểm nhất là virus, vi khuẩn Vibrio, ký sinh trùng (như EHP) và các nguyên nhân liên quan đến môi trường, dinh dưỡng.

Các bệnh thường gặp được kiểm tra tại Trung tâm Quan trắc – Viện NCNTTS2 từ tháng 01 – 5/2025 (Nguồn: Báo cáo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II)

Các bệnh do virus như hội chứng đốm trắng (WSSV), hoại tử gan tụy cấp (AHPND), hoại tử dưới vỏ và cơ (IMNV)… thường gây ra tỷ lệ chết cao và lây lan nhanh, đặc biệt khi điều kiện môi trường không ổn định. Vi khuẩn Vibrio, bao gồm Vibrio alginolyticus, V. parahaemolyticus và tổng số Vibrio spp., luôn hiện diện trong hệ sinh thái ao nuôi, nhưng khi vượt ngưỡng cho phép (trên 10⁴ CFU/g trong gan tụy), chúng có thể trở thành tác nhân gây bệnh nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nhóm vi bào tử trùng EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) cũng là nguyên nhân chính gây hội chứng phân trắng và làm giảm tốc độ sinh trưởng ở tôm. Loại ký sinh này đặc biệt phát triển mạnh trong mùa mưa, với tỷ lệ nhiễm cao gấp gần 9 lần mùa khô. Tuy nhiên, phân bố bệnh phân trắng không quá khác biệt giữa mùa khô và mùa mưa ở nhiều vùng, ngoại trừ miền Bắc, nơi có mùa đông kéo dài làm thay đổi điều kiện sống trong ao. Ngoài ra, các yếu tố khác như chất lượng thức ăn, mất cân bằng dinh dưỡng, hệ thống hạ tầng không đảm bảo cũng khiến tôm dễ bị tổn thương và nhiễm bệnh.

Những yếu tố đầu vào then chốt: Từ con giống đến vận hành trại

Một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất tôm là chất lượng con giống. Giống yếu, mang mầm bệnh từ trại sản xuất giống sẽ là nguồn lây nhiễm lan rộng khi được thả nuôi đại trà. Việc cập nhật và áp dụng bộ tiêu chí đánh giá giống là cần thiết để kiểm soát chất lượng đầu vào, góp phần giảm thiểu rủi ro bệnh tật.

Cơ sở hạ tầng và năng lực vận hành trang trại cũng là yếu tố quyết định mức độ an toàn sinh học. Các trại nuôi không có hàng rào sinh học, thiếu ao lắng, ao xử lý, hay không được vận hành bởi đội ngũ kỹ thuật chuyên môn sẽ dễ dàng bị xâm nhập bởi mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.

Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, mùa vụ cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển và bùng phát bệnh. Ví dụ, EHP thường bùng phát trong mùa mưa, khi độ mặn giảm, sự thay đổi môi trường đột ngột tạo điều kiện thuận lợi cho vi bào tử trùng phát triển. Vì vậy, lịch mùa vụ và thời điểm thả nuôi cần được nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp với đặc điểm từng vùng nuôi.

Nhóm tác nhân truyền nhiễm: Hiểu rõ để kiểm soát

Từ thực tế sản xuất, nhóm nghiên cứu cho biết các tác nhân gây bệnh chủ yếu tập trung ở ba nhóm:

– Nhóm vi bào tử trùng EHP, ký sinh trực tiếp trong tế bào biểu mô đường tiêu hóa, làm rối loạn hấp thu dinh dưỡng và giảm tốc độ lớn của tôm.

Tình hình kháng kháng sinh trên vi khuẩn V. parahaemolyticus (Nguồn: Báo cáo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II)

– Nhóm vi khuẩn Vibrio, trong đó nổi bật là V. alginolyticus và V. parahaemolyticus, có thể gây bệnh gan tụy cấp và một số bệnh ngoài vỏ. Khi số lượng Vibrio vượt ngưỡng an toàn (gan tụy trên 10⁴ CFU/g), nguy cơ phát bệnh rất cao.

– Nhóm vi sinh vật truyền nhiễm khác, gồm các vi khuẩn cơ hội và các vi nấm, đôi khi cùng phối hợp với các yếu tố dinh dưỡng kém để hình thành các bệnh tổng hợp khó điều trị.

Giải pháp kiểm soát tổng thể: Tích hợp nhiều khía cạnh

Để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý tổng thể, bao gồm:

Kiểm soát chất lượng con giống: Việc cập nhật bộ tiêu chí đánh giá giống sạch bệnh, giống tăng trưởng nhanh và có sức đề kháng tốt là cơ sở để đảm bảo chất lượng đầu vào. Cần có các biện pháp kiểm dịch và kiểm tra định kỳ tại trại giống để loại bỏ nguồn mầm bệnh tiềm ẩn. Quản lý mùa vụ và cảnh báo dịch bệnh: Cần xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường nhằm phát hiện sớm các điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Việc kết nối dữ liệu quan trắc với lịch sản xuất mùa vụ sẽ giúp người nuôi có các điều chỉnh kịp thời.

Quản lý vi khuẩn Vibrio bằng giải pháp sinh học: Thay vì lạm dụng kháng sinh, gây ra hiện tượng đa kháng thuốc và để lại tồn dư trong tôm thương phẩm, nên chuyển sang sử dụng các chủng vi khuẩn có lợi (probiotics), chất kích thích miễn dịch tự nhiên (như beta-glucan, chiết xuất thảo dược). Mục tiêu là duy trì mật độ Vibrio trong gan tụy và ruột tôm dưới 10⁵ CFU/g và trong nước dưới 10³ CFU/ml.

Ương tôm theo giai đoạn: Ương tôm trong các bể nhỏ theo từng giai đoạn phát triển giúp dễ dàng theo dõi, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh và giảm áp lực lây lan mầm bệnh. Cách làm này đang ngày càng phổ biến tại các trang trại công nghệ cao.

Xử lý nguồn nước hiệu quả: Nguồn nước cấp và nước trong ao nuôi cần được lắng lọc, xử lý hóa lý, sinh học kỹ càng trước khi sử dụng. Khi phát hiện mầm bệnh, cần cô lập khu vực, sử dụng clo hoặc các hợp chất oxy hóa mạnh để xử lý, đồng thời không xả thải ra môi trường chung.

Vai trò của truyền thông và chuyển giao kỹ thuật: Một yếu tố quan trọng nhưng thường bị xem nhẹ là truyền thông nâng cao nhận thức người nuôi. Việc chia sẻ thông tin dịch bệnh, phổ biến kiến thức về kiểm soát sinh học, hướng dẫn sử dụng probiotics và sản phẩm tăng cường miễn dịch sẽ giúp người nuôi thay đổi cách tiếp cận, giảm lệ thuộc vào hóa chất.

Ngoài ra, cần kết nối nhóm nghiên cứu, cơ quan chuyên môn với người nuôi qua các mô hình trình diễn, tập huấn kỹ thuật, đồng hành từ khâu chuẩn bị ao nuôi đến khi thu hoạch. Điều này sẽ giúp kiến thức khoa học đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả.

Phòng trị bệnh trên tôm không thể chỉ dựa vào một giải pháp đơn lẻ. Đó là sự kết hợp giữa chọn giống tốt, kiểm soát môi trường, quản lý vi khuẩn hợp lý và vận hành trại nuôi bài bản. Những khuyến nghị của nhóm nghiên cứu ThS. Võ Hồng Phượng và ThS. Võ Bích Xoàn cho thấy rõ hướng đi chủ động và tổng thể, hướng tới mục tiêu nuôi tôm bền vững, an toàn sinh học và hiệu quả kinh tế lâu dài.

Vũ Ninh

Tin mới nhất

T3,22/07/2025