Cho tôm ăn “tỏi đen” liệu có khả thi?

Tỏi được biết đến là một chất kháng sinh tự nhiên cho tôm, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe của con người. Ứng dụng tỏi, mà gần đây là tỏi đen bổ sung vào thức ăn nhằm tăng cường miễn dịch cũng như phòng bệnh cho tôm là biện pháp hữu hiệu thay thế các loại hóa chất và kháng sinh.

Tỏi đen là thành phẩm khi tỏi trắng trải qua quá trình lên men.

 

Vậy tỏi đen là gì?

Tỏi đen có tên tiếng anh là Black Garlic và không có trong tự nhiên. Tỏi đen là thành phẩm khi tỏi trắng trải qua quá trình lên men trong điều kiện nghiêm ngặt về nhiệt độ (60 đến 90 độ C) và độ ẩm dao động từ 80 đến 90%. Thời gian lên men khá dài, thường kéo dài từ 30 – 60 ngày. Nhờ đó, tỏi trắng được lên men thành tỏi đen nhánh và hàm lượng các hoạt chất trong tỏi đen tăng lên rất nhiều lần so với tỏi trắng khi sử dụng.

Tỏi đen có công dụng ra sao? 

Tỏi tươi có thành phần chính là alliin, hợp chất này dễ bị enzym alliinase thủy phân thành allicin. Còn tỏi đen do có quá trình lên men nên hàm lượng các nhóm hoạt chất đã tăng lên nhiều như các hợp chất sulfur hữu cơ, polyphenol, đường fructose, đặc biệt hàm lượng hoạt chất chính là S-Allyl-L-cystein (SAC) tăng lên gấp 4 – 5 lần so với tỏi trắng. Do vậy, tỏi đen có tác dụng mạnh và khác so với tỏi trắng.

Tác động tích cực của tỏi đen đối với tôm thẻ chân trắng

Tỏi đen là một trong những thức ăn cung cấp cho tôm sức đề kháng tốt và duy trì hệ tiêu hóa ổn định. Bổ sung khoáng chất cần thiết vào thức ăn giúp tăng cường chức năng gan, tiêu hóa tốt, tăng cường sức đề kháng, giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, chống stress, tăng cường miễn dịch, tăng trưởng nhanh và tăng tỷ lệ sống.

Theo một nghiên cứu của Amoah và cộng sự (2021) đã thực hiện thí nghiệm đánh giá tác động của tỏi đen khi bổ sung trong thức ăn cho tôm thẻ chân trắng (trọng lượng ban đầu 0,60 ± 0,001 g) với các nồng độ khác nhau (5,10,20,40 và 80 g/kg thức ăn) trong suốt 56 ngày nuôi. Kết quả cho thấy sự cải thiện đáng kể về trọng lượng cuối cùng, tỷ lệ tăng trọng, trọng lượng tăng trưởng cụ thể, yếu tố điều kiện, tỷ lệ hiệu quả protein, tỷ lệ sống, chỉ số gan và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn ở các nhóm được bổ sung tỏi đen so sánh với nhóm không có tỏi đen. Bổ sung tỏi đen với liều lượng 8% hoặc 80 g/kg thức ăn có thể giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng và sức khỏe của tôm.

tôm thẻ chân trắng

Tỏi đen có tác dụng tích cực trên tôm thẻ chân trắng.

 

Một số lưu ý khi sử dụng tỏi đen nói riêng cũng như tỏi nói chung trong nuôi trồng thủy sản: Không nên nấu chín tỏi, vì khi ở nhiệt độ cao các hoạt chất trong tỏi sẽ phân hủy và giảm tác dụng. Ngoài ra, chất Alicin trong tỏi là kháng sinh sẽ gây tác dụng phụ làm tôm rối loạn hệ tiêu hóa đường ruột khi cơ quan tiêu hóa bị trống rỗng. Vậy nên nếu dùng tỏi nên bổ sung vào bữa ăn cuối cùng trong ngày và với liều lượng phù hợp.

Rõ ràng, tỏi đen thể hiện một số lợi thế khi so sánh với tỏi tươi. Vì tỏi từ lâu đã được tiêu dùng trong xã hội loài người và đã được công nhận là một trong những thực phẩm an toàn, nên sẽ không có bất kỳ ràng buộc nào đối với việc phát minh thêm các sản phẩm tỏi đen cho thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, cũng như mục đích y tế. Bên cạnh đó, một quy trình có hệ thống và hiệu quả hơn để sản xuất tỏi đen là rất quan trọng vì điều thiết yếu là phải kiểm soát sự thay đổi mức chất chuyển hóa trong quá trình lên men để sản xuất hàng loạt ở quy mô công nghiệp.

Nhất Linh

Nguồn: Tepbac.com

Tin mới nhất

T5,21/11/2024