Cách xử lý ao nuôi bị nhớt bạt

Các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh công nghệ cao trên ao lót bạt HDPE cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng xảy ra hiện tượng bạt bị đóng nhớt, đóng rong rêu làm nấm đồng tiền, nấm thuỷ mi hình thành và gây hại cho tôm.

Mặt khác, tôm thẻ chân trắng là loài ăn tạp, ngoài thức ăn dạng viên công nghiệp sử dụng cho tôm ăn, chúng còn ăn các loại thức ăn có sẵn trong ao như: Giáp xác, động vật nhỏ, các thực vật như rong, rêu, các loài tảo… Dẫn tới dễ mắc các bệnh về đường ruột. Sau đó là hư gan tuỵ, gây thiệt hại với tốc độ nhanh, tỷ lệ nhiễm bệnh cao, hiệu quả điều trị thấp.

Nguyên nhân hình thành nhớt bạt

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây nhớt bạt đó là nguồn nước. Nguồn nước nhiều hạt lơ lửng, giàu phù sa, các loài tảo chưa qua lắng lọc hoặc lắng lọc không kỹ đã đưa vào ao nuôi.


Có nhiều nguyên nhân gây ra nhớt bạt ao nuôi. Ảnh: vaidiakythuat.com

Các nguyên nhân khác: Hệ thống ao chứa, ao lắng lọc, ao zic zac, ao sẵn sàng, không đầy đủ, không đảm bảo tỷ lệ so với diện tích ao nuôi, không sử dụng đúng chức năng từng ao trên. Không đảm bảo thời gian lắng lọc, vấn đề này thường thấy ở những mô hình áp dụng quy trình xử lý nước nhanh.

Sử dụng hóa chất

Sử dụng hóa chất lắng lọc như chất lắng tụ PAC[Al2(OH)nCl6-n]m, thuốc tím KMnO4, chất khử kim loại EDTA không phù hợp từng công đoạn xử lý, liều lượng sử dụng hoá chất chưa linh hoạt, đối với từng nguồn nước khác nhau.

Ngoài ra, sử dụng hoá chất như vôi, Zeolite, Dolomite… chất lượng thấp, chứa nhiều tạp chất. Những tạp chất này không tan, lắng xuống đáy ao nuôi, hình thành nhớt bạt, rong rêu.

Quản lý việc cho tôm ăn

Người nuôi quản lý việc cho tôm ăn chưa hiệu quả, để xảy ra tình trạng dư thừa thức ăn, làm nguồn nước nuôi ô nhiễm, khí độc hình thành, hàm lượng khí độc trong ao nuôi tăng cao theo thời gian nuôi, theo mức độ ô nhiễm nguồn nước, hình thành nhớt bạt, rong rêu.

Bà con hay sử dụng mật rỉ đường, cung cấp nguồn Carbon cho vi sinh có lợi trong ao, để vi sinh có dinh dưỡng phát triển.

Khi pH cao, bà con đánh mật rỉ đường để vi sinh có lợi phát triển, khi mật độ vi sinh tăng cao, chúng sẽ hình thành cơ chế tiết ra các Enzyme, Acid hữu cơ, kéo pH giảm xuống.

Tuy nhiên, khi hệ vi sinh chưa hình thành trong ao nuôi, hoặc số lượng vi sinh còn ít, vi sinh trong ao giai đoạn mới thả giống sử dụng mật rỉ đường rất hạn chế, lượng rỉ đường không được vi sinh sử dụng, còn dư, sẽ hình thành nhớt bạt, rong rêu ở đáy ao hay ở phần bạt ngập trong nước ao.

Phân tôm thải ra ngoài môi trường, không được siphon kỹ, cũng sẽ hình thành nhớt bạt, rong rêu.

Ảnh hưởng của nhớt bạt trong ao nuôi tôm

Khi bạt bị đóng nhớt, đóng rong, đóng rêu… tôm nhỏ dễ mắc vào, tôm trong ao khó di chuyển, vùng sạch trong ao cho tôm sinh sống dần bị thu hoạch. Thức ăn, vỏ tôm, phân tôm dính vào đó, các chất hữu cơ này phân huỷ, là môi trường cho vi khuẩn khu trú, phát triển hay hình thành các khí độc, tôm không có vùng sạch.

Khi bạt bị đóng nhớt, đóng rong, đóng rêu, là môi trường thuận lợi để các loại nấm như nấm đồng tiền, nấm thuỷ mi… hình thành, phát triển, gây hại cho tôm.

Đặc biệt nấm đồng tiền, khi xuất hiện trong ao cho thấy môi trường nước ao đó đã ô nhiễm. Nấm đồng tiền có mùi tanh, rất hấp dẫn, kích thích tôm trong ao sử dụng làm thức ăn.

Khi tôm ăn nhớt bạt, rong, rêu, các loài tảo, nấm đồng tiền dễ bị bệnh đường ruột như viêm ruột, trống ruột, lỏng ruột, ruột đứt khúc, phân trắng… Sau đó chúng chuyển sang giai đoạn giảm hoặc bỏ ăn, hư gan tuỵ, rớt đáy, gây thiệt hại với tốc độ nhanh, tỷ lệ nhiễm bệnh cao, hiệu quả điều trị rất thấp.

Cách phòng, xử lý, khi ao nuôi bị nhớt bạt

Trong quá trình ương nuôi

Bà con dùng vitamin C, Yucca tạt xuống hồ ương, ao nuôi định kỳ, với mục đích phòng, hạn chế nhớt bạt, rong rêu hình thành.

Trong giai đoạn ương tôm, khi tôm còn nhỏ, hoạt động kém, cần chủ động siphon đáy, rà đáy hồ ương thật kỹ, loại trừ triệt để nhớt bạt, rong rêu ra khỏi hồ, ao ương.

Công việc siphon đáy cần làm nhẹ nhàng, tránh nhớt bạt, rong rêu bung ra môi trường nước.

Khi bạt đóng nhớt, rong rêu

  • Khi bạt bị đóng nhớt, đóng rong rêu, thường bà con hay áp dụng biện pháp chà bạt. Tuy nhiên, bà con cần lưu ý, khi chà sẽ khiến nhớt bạt, rong rêu bung ra, nếu không loại bỏ triệt để ra khỏi hồ, ao ương, ao nuôi, tôm ăn vào cơ thể, dễ bị bệnh đường ruột.
  • Không nên dùng rỉ mật đường khi mật độ vi sinh trong ao còn ít, nên dùng rỉ mật đường ủ chung EM, khóm, tỏi. Các dòng vi sinh EM đã qua thời gian ủ chung với khóm được khuyên dùng để tạt vào các ao có nhớt bạt, rong rêu.
  • Chỉ nên sử dụng vi sinh xử lý nhớt bạt, rong rêu. Tuyệt đối không dùng hoá chất tẩy nhớt bạt, diệt rong rêu khi có tôm trong ao. Mặt khác, khi sử dụng vi sinh, cũng cần cân đối chi phí sản xuất, để vụ nuôi có lãi.
  • Thường xuyên kiểm tra nền đáy, siphon, loại bỏ phân tôm, vỏ tôm.
  • Điều chỉnh, định lượng thật kỹ thức ăn cho tôm thẻ chân trắng phù hợp từng giai đoạn ương, nuôi, kích cỡ tôm, tình trạng sức khoẻ, diễn biến môi trường, diễn biến thời tiết, khí hậu đảm bảo để tôm phát triển tốt, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, mau về size lớn, môi trường ổn định, không bị nhớt bạt, rong rêu nơi đáy bạt, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Lý Vĩnh Phước

Tép Bạc

Tin mới nhất

T6,22/11/2024