Cà Mau: Liên kết chuỗi giá trị tôm lúa

“Mô hình sản xuất tôm – lúa là mô hình thích nghi với biến đổi khí hậu, được nhiều nhà khoa học và người nuôi đánh giá bền vững về mặt môi trường, do có tính đa dạng loài và áp dụng các biện pháp “quản lý tổng hợp”, giảm nhu cầu sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, phù hợp với các điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá.

Mô hình sản xuất lúa – tôm tại Cà Mau được hình thành từ năm 2000, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau. Hiện nay, diện tích lúa – tôm toàn tỉnh khoảng 35.900 ha, trong đó huyện Thới Bình 18.000 ha, U Minh 14.900 ha, Trần Văn Thời 2.000 ha, Cái Nước 500 ha và TP Cà Mau 500 ha.

Mô hình bền vững

Mô hình sản xuất lúa – tôm có nhiều ưu điểm. Sau 1 vụ tôm, các chất thải sẽ được cây lúa chuyển hoá và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu. Ngược lại, sau 1 vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân huỷ tạo môi trường sống cho các loài động thực vật thuỷ sinh, đây là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Nhờ đó, mô hình này góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận.

Người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trồng các giống lúa chất lượng cao (ST 24, ST 25…), nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực trong vụ lúa, nuôi kết hợp cua trong vụ tôm sú nên cho thu nhập cao trên một đơn vị diện tích. (Ảnh chụp tại Hợp tác xã Lúa tôm Trí Lực, xã Trí Lực, huyện Thới Bình).

Ngoài việc luân canh 1 vụ lúa vào mùa mưa và 1 vụ tôm sú vào mùa khô, gần đây người dân còn linh động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi xen canh tôm càng toàn đực trong vụ lúa; nuôi kết hợp cua trong vụ tôm sú nên cho thu nhập cao trên một đơn vị diện tích.

Nhiều thách thức, khó khăn

Thời gian qua, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn mặn đã gây ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trong đó có mô hình sản xuất lúa – tôm.

Hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất lúa – tôm được quan tâm đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh nên chưa đảm bảo các yêu cầu cấp, thoát nước phục vụ cho một số vùng sản xuất, nhất là những vùng sâu trong nội đồng. Vào mùa khô, nhiều vùng sản xuất thiếu hụt nguồn nước, hoặc có năm mưa lớn kéo dài không thoát nước được, lúa bị ngập úng. Thiết kế ruộng nuôi tôm của người dân chưa đảm bảo cho sản xuất thích ứng với điều kiện thời tiết, đảm bảo ổn định các yếu tố môi trường nước trong thời gian nuôi. Việc triển khai thực hiện các mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm thực sự chưa được nhiều. Sản xuất còn manh mún, riêng lẻ; các ngân hàng chưa thật sự an tâm tham gia vào chuỗi liên kết…

Ðể phát huy giá trị kinh tế và giá trị gia tăng con tôm, cây lúa từ mô hình này, tỉnh đề ra giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Liên kết với viện, trường đại học mời các nhà khoa học tham gia xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến, phù hợp, bảo đảm các tiêu chuẩn chứng nhận, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường nhằm đáp ứng kịp thời liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đa chứng nhận để bán được con tôm trong mô hình lúa – tôm ở tất cả các thị trường trên thế giới nhằm nâng giá trị cao hơn. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập thể, thành lập các tổ hợp tác, câu lạc bộ, hội quán, hợp tác xã…

Ngành nông nghiệp tỉnh nhà đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lai tạo nhiều giống tôm phù hợp mô hình sản xuất lúa – tôm.

“Khi vào các hợp tác xã, người dân thực hiện vụ mùa đồng loạt nên dễ quản lý dịch bệnh. Nguồn vật tư hay các loại giống cũng được cung cấp với giá rẻ hơn. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các xã viên để sản xuất hiệu quả hơn. Ðặc biệt, sản phẩm tạo ra có sản lượng lớn nên dễ dàng ký kết hợp đồng bao tiêu”, ông Lê Văn Mưa, Giám đốc Hợp tác xã Lúa tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình), nhận định.

Tuy vậy, hoạt động của các hợp tác xã vẫn còn nhiều cái khó. Theo ông Lê Văn Mưa, nguồn nước sau nhiều năm sản xuất có xu hướng bị ô nhiễm, phải bỏ ra nguồn chi phí lớn để xử lý bằng men vi sinh. Bên cạnh đó, từ tháng 2-5 hàng năm thiếu nước trầm trọng; giá tôm cũng không ổn định. “Hiện chỉ có Công ty Tấn Vương (tỉnh An Giang) bao tiêu nguồn gạo hữu cơ của hợp tác xã, chính vì thế tính cạnh tranh chưa cao. Hợp tác xã đang rất cần nguồn vốn ưu đãi không tín chấp; có chính sách đặc thù về thuế; cần có thêm những cơ chế đặc thù cho con tôm ở vùng lúa – tôm, và trợ giá để giá tôm ổn định là quan trọng nhất”, ông Mưa đề xuất.

Ông Phan Hoàng Vũ cho rằng: “Chúng ta sẽ mời gọi doanh nghiệp tham gia, từng bước hình thành liên kết chuỗi, nhất là khâu cung ứng giống, vật tư, phân bón đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm con tôm và cây lúa, gắn với xây dựng vùng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh để chủ động tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm lúa và tôm Cà Mau. Phát triển thêm các hợp tác xã có đầy đủ năng lực để tham gia vào các chuỗi liên kết”.

“Cần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống và phải tuân thủ triệt để theo quy trình sản xuất đã được đưa ra bởi nhà khoa học hay ràng buộc của doanh nghiệp. Nông dân cần năng động trong việc liên kết lại với nhau để thành lập các tổ chức sản xuất có đầy đủ điều kiện và năng lực triển khai thực hiện, kết nối, triển khai, tiếp nhận những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và tổ chức khác. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần giữ chữ tín và tuân thủ hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp, không tự ý phá vỡ khi giá cả biến động, như thế mối liên kết này mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực. Rà soát và xác định quy hoạch cụ thể vùng sản xuất tập trung phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng để có lộ trình liên kết, đầu tư hiệu quả”, ông Phan Hoàng Vũ nhấn mạnh./.

Phú Hữu

Báo Cà Mau

Tin mới nhất

T6,22/11/2024