Bổ sung Nucleotide: Giải pháp giảm chi phí thức ăn và khả năng kháng vibrio harveyi trên tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Việc bổ sung nucleotide trong chế độ ăn giúp cải thiện hiệu suất tăng trưởng và hiệu quả kinh tế, đồng thời tăng tỷ lệ sống trong thử thách với Vibrio harveyi trên tôm thẻ chân trắng.

Nucleotide là các hợp chất điều hòa miễn dịch, các khối cấu tạo của DNA và RNA, và rất quan trọng đối với nhiều quá trình sinh lý trong cơ thể sống. Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, việc bổ sung nucleotide trong chế độ ăn đã được nghiên cứu và báo cáo có thể giúp tăng cường khả năng kháng bệnh và tăng trưởng trong suốt thời gian nuôi. Đồng thời, việc bổ sung nucleotide trong chế độ ăn cũng đã được chứng minh là cải thiện các chức năng sinh học và mang lại một số lợi ích sức khỏe ở các loài động vật khác, bao gồm điều chỉnh khả năng miễn dịch, chống lại nhiễm trùng và tăng cường hiệu suất tăng trưởng.

Ở tôm, vi khuẩn Vibrio harveyi là tác nhân gây bệnh nghiêm trọng, dẫn đến hiện tượng tôm chết hàng loạt trong hệ thống nuôi thương phẩm. Từ góc độ sinh học, việc bổ sung nucleotide vào chế độ ăn, đặc biệt thích hợp trong giai đoạn đầu, vì trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng nhanh. Để phát triển chế độ ăn thực tế bền vững và phù hợp về mặt kinh tế cho tôm thẻ chân trắng, đồng thời giảm sử dụng bột cá (FM), nucleotide có thể được bổ sung trong chế độ ăn của tôm chống lại các tác động tiêu cực của các thành phần khác.

Do đó, mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tác dụng lâu dài của việc bổ sung nucleotide đối với hiệu suất tăng trưởng, lợi nhuận, phản ứng miễn dịch và khả năng chống lại V. harveyi ở tôm thẻ chân trắng bằng chế độ ăn bột cá (FM) đã được thay thế một phần bằng bột đậu nành (SBM) và được nuôi trong điều kiện ao nuôi thâm canh ngoài trời.

Thiết lập nghiên cứu

Các chế độ ăn bao gồm các mức độ bổ sung bột cá (FM) khác nhau và bột đậu nành (SBM), bột gluten ngô và các sản phẩm lúa mì làm thành phần protein chính. Chế độ ăn đối chứng (10FM, chứa 10% FM) và chế độ ăn trong đó một phần bột cá đã được thay thế bằng các nguồn thực vật 6FM (6% FM). Các Nucleotides thương mại (N, Nucleoforce, Bioiberica, SAU, Palafolls, Spain) được bổ sung ở mức 0,1% trong chế độ ăn chứa các mức FM khác nhau: 10FMN (10% FM; 0,1% nucleotide), 8FMN (8% FM; 0,1% nucleotide) và 6FMN (6% FM; 0,1 % nucleotide).

Thử nghiệm tăng trưởng được tiến hành trong ao với kích thước 20x30m tại Đại học Kỹ thuật Thủy sản Jakarta (Jakarta, Indonesia). Tổng số 22.500 tôm thẻ chân trắng được lấy từ Salira teknik Benur (Serang, Banten, Indonesia) và được nuôi thích nghi một tuần trong bể ương. Sau đó, tôm (trọng lượng trung bình ban đầu 1,06 ± 0,01g) được phân bố ngẫu nhiên vào 50 lồng (450 con/ lồng) kích thước 2×2×1m. Mười nhóm tôm lặp lại được cho ăn chế độ ăn thử nghiệm khác nhau trong 110 ngày và được cho ăn 4 lần/ngày.

Các mẫu Vibrio harveyi được phân lập từ tôm bị nhiễm bệnh, tôm được cho ăn chế độ ăn thử nghiệm trong 30 ngày được cho cảm nhiễm với Vibrio harveyi (105 CFU/mL) bằng phương pháp tiêm. Tỷ lệ chết của tôm được quan sát hàng ngày trong thử nghiệm cảm nhiễm 5 ngày và tỷ lệ chết tích lũy đã được tính toán.

Kết quả nghiên cứu

Hiệu suất tăng trưởng

Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng nucleotide thương mại đã cải thiện hiệu suất tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng trong quá trình thử nghiệm. Cụ thể, tôm trong các nhóm có bổ sung nucleotide, khẩu phần mà trong đó bột cá đã được thay thế một phần bằng nguồn protein thực vật có trọng lượng cơ thể cuối cùng tốt hơn (FBW), phần trăm tăng trọng (PWG), hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), tăng trưởng trung bình hàng ngày (ADG) cải thiện đáng kể so với các chế độ ăn không bổ sung nucleotide. Chế độ 6FMN đạt được kết quả tốt hơn đáng kể so với 6FM ở FBW, PWG, FCR, TGC và ADG (Bảng 1).

Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy nucleotide có tác dụng lâu dài đối với sự tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng, cho đến khi chúng đạt đến kích cỡ thương phẩm.

Mô học của gan tụy tôm

Kết quả cho thấy rằng, việc bổ sung 0,1% nucleotide có khả năng ngăn chặn một phần sự phát triển của các biến đổi mô học gan tụy rõ rệt được quan sát thấy ở tôm được cho ăn khẩu phần chứa 6% bột cá. Lợi ích của việc bổ sung nucleotide vào chế độ ăn có thể là do trọng lượng phân tử thấp, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ tối ưu trong gan tụy.

Khả năng kháng bệnh trong thử thách với Vibrio harveyi

Việc bổ sung nucleotide giúp tăng cường khả năng kháng bệnh, tỷ lệ sống cao hơn đáng kể khi thử thách V. harveyi ở tất cả các nhóm được bổ sung nucleotide, so với cả 10FM và 6FM. Tử vong chủ yếu xảy ra từ 18-32 giờ sau khi nhiễm bệnh, tôm thẻ chân trắng có biểu hiện bơi thụ động trên mặt nước, yếu, cứng cơ, cơ bụng màu trắng đục và gan tụy có màu vàng đỏ.

Lợi nhuận là một thông số quan trọng trong sản xuất tôm, liên quan đến chi phí thức ăn, tạo thành một biến số chính trong sản xuất tôm từ quan điểm kinh tế. Về tổng thể, kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung nucleotide tạo ra lợi tức đầu tư cho người nuôi. Cụ thể hơn, việc bổ sung nucleotide vào khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng với lượng bột cá giảm đã dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn nhờ hiệu suất tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Hơn nữa, lợi nhuận ở nhóm 10FMN cao hơn so với 10FM (cao hơn 5,47%), đồng thời 10FMN cho khả năng kháng bệnh tốt hơn. Bên cạnh đó, việc bổ sung nucleotide trong khẩu phần ăn không có tác động đáng chú ý màu sắc, mùi thơm, hương vị và kết cấu của tôm.

Quan điểm

Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung nucleotide trong khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng, trong đó FM được thay thế một phần bằng các nguồn thực vật đã cải thiện hiệu suất tăng trưởng, khả năng kháng bệnh tốt hơn và lợi nhuận cao hơn. Mặt khác, ở nhóm tôm được nuôi theo chế độ ăn thương mại với lượng bột cá bình thường, việc bổ sung 0,1% nucleotide cho phép khả năng kháng bệnh cao hơn và không làm giảm hiệu suất tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và lợi nhuận, đồng thời không làm thay đổi các thông số cảm quan.

Hà Anh (Theo Globalseafood)