Bộ NN&PTNT: Chấn chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh, rà soát và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Ngày 25/04/2023, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 2580/BNN-TY gửi đến UBND các tỉnh, thành phố nuôi tôm nước lợ về việc Chấn chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh, ra soát và báo cáo số liệu dịch bênh trên tôm nuôi nước lợ.

Cần chấn chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh, rà soát và báo cáo số liệu dịch bênh trên tôm nuôi nước lợ (Ảnh: Khoa học Việt Đức)

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 23.438ha tại 21 tỉnh, thành phố, tăng 15,5% so với năm 2021, trong đó diện tích thiệt hại xác định do dịch bệnh là 7.135ha (chiếm 30,4% tổng diện tích tôm bị thiệt hại; tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2021), diện tích còn lại do chủ nuôi tôm, cơ quan thú y địa phương không lấy mẫu xét nghiệm bệnh (9.914ha, chiếm 42,3%) và do các yếu tố khác như môi trường (6.389ha, chiếm 27,3%). Riêng từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước có gần 4.024ha tôm nuôi tại 7 tỉnh bị thiệt hại, trong đó khoảng 2.239ha thiệt hại do dịch bệnh (chiếm 55,65%), còn lại 1.785ha thiệt hại do môi trường, thời tiết và không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và phản ánh của người nuôi tôm, công tác phòng chống dịch và báo cáo dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là số liệu về thiệt hại, dịch bệnh chưa sát với thực tế, có thể cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo.

Để khắc phục tồn tại trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các Sở, Ban, ngành của địa phương, UBND cấp dưới, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện một số nội dung sau đây:

  • Thực hiện nghiêm quy định của Luật Thú y, Nghị định số 35/2016/NĐ-CP, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT, các văn bản chỉ đạo của Bộ (Công văn số 1549/BNN-TY ngày 16/3/2022 về việc tăng cường công tác thú y thuỷ sản và phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản và Công văn số 4722/BNN-TY ngày 21/7/2022 về việc tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thuỷ sản nuôi) và hướng dẫn của cơ quan thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản nói chung và dịch bệnh trên tôm nói riêng.
  • Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương theo chỉ đạo của Trung ương; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nhân viên thú y cấp xã theo quy định của pháp luật; đồng thời xem xét cân đối và bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, nhân lực có chuyên môn phù hợp để phục vụ công tác thú y thủy sản của địa phương.
  • Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nuôi và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thú y trong việc báo cáo, chia sẻ thông tin dịch bệnh động vật với nhân viên thú y, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ vùng nuôi.
  • Chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng chống dịch động vật thủy sản, thống kê, báo cáo dịch bệnh thủy sản.
  • Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật trong công tác phòng chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh, kiểm dịch giống thủy sản, buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản trên địa bàn; xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngọc Anh