Bất ngờ với lượng phát thải khí nhà kính đo được ở mô hình nuôi tôm – lúa, tôm – rừng
Phát triển “nuôi tôm ôm cây lúa” theo hướng hữu cơ, truy xuất dấu chân carbon trong chuỗi giá trị tôm và chuỗi giá trị lúa gạo đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính gần chạm đến ngưỡng “Net Zero”…

Tại Bạc Liêu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Bộ NNPTNT vừa phối hợp Sở NNPTNT Bạc Liêu tổ chức hội thảo phát triển ngành tôm ít phát thải và bền vững ở Việt Nam.

Giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp

Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP 26 là đến 2050, Việt Nam sẽ đưa phát thải khí nhà kính về 0, tức là “Net – Zero” về phát thải. Theo đó, ngành nông nghiệp đang thúc đẩy các giải pháp để giảm phát thải trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp.

Năm 2011 Bộ đã chủ trì thành lập nhóm Hợp tác Công tư (PPP) ngành hàng thủy sản. Từ 4 thành viên tham gia ban đầu, đến nay nhóm đã mở rộng lên 7 thành viên. Đồng trưởng nhóm PPP Thủy sản hiện nay gồm Cục Thủy sản (D-FISH), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức – GIZ và Công ty Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, trên cơ sở đó nhóm đã huy động được một số nguồn lực quốc tế, cả về tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ ngành thủy sản chuyển sang sản xuất xanh, giảm phát thải.

Thu hoạch lúa an toàn tại gia đình anh Nguyễn Văn Trung (ở ấp 5 xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Ảnh: H.N

Ông Nhữ Văn Cẩn – Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, trong 10 năm (2012-2022), diện tích nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam đã tăng gấp 1,2 lần từ 644.000ha lên 737.000ha; sản lượng tăng gấp 2,29 lần, từ mức 463.000 tấn năm 2012 lên hơn 1 triệu tấn năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu tôm đã tăng gấp 2,27 lần, từ 2,1 tỷ USD năm 2012 lên 4,3 tỷ USD.

Việt Nam đã hình thành các tỉnh trọng điểm, vùng nuôi tôm tập trung công nghệ cao; vùng sản xuất giống tôm tập trung (2.224 cơ sở). Hiện cả nước có hơn 500 cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, cùng với khoảng 500 doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu tôm với tổng công suất trên 1,5 triệu tấn/năm.

Ngành tôm phát triển nhanh cũng đi kèm với nhiều hệ lụy, đó là mức độ thâm canh chưa đồng đều; hạ tầng vùng nuôi hạn chế, quy mô nhỏ, nguồn nước cấp, thoát nước chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác sản xuất và nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như dịch bệnh. Chi phí sản xuất còn cao do chưa chủ động được nguồn tôm giống…

PGS-TS Võ Nam Sơn (Trường ĐH Cần Thơ) cho hay, trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, nhiều công đoạn gây phát thải khí nhà kính. Ví dụ khâu nuôi tôm gây ra phát thải do sử dụng các dạng năng lượng dầu/xăng, điện, vôi, phân bón, thức ăn, chế phẩm sinh học… Đối với công đoạn chế biến tôm, việc sử dụng dầu/xăng, điện, khí NH3 và các dung dịch làm lạnh khác, các khâu vận chuyển/lưu kho đều phát thải khí nhà kính.

Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ đã đo lường lượng phát thải khí nhà kính đối với từng mô hình nuôi tôm (kgCO2 tương đương/kg tôm tươi) cho thấy: Nuôi thâm canh 9,3; nuôi siêu thâm canh 11,7; nuôi siêu thâm canh theo ASC 12,5.

Trong khi đó, lượng phát thải ở các mô hình nuôi tôm theo hướng xanh lại vô cùng thấp, tiệm cận mức Nét – Zero: Nuôi tôm rừng 0,8; nuôi tôm rừng hữu cơ 0,3; nuôi tôm quảnh canh cải tiến 07; mô hình xen canh lúa – tôm chỉ 1,3.

Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm – lúa

Ông Patrick Haveman – Phó Đại diện UNDP tại Việt Nam nhận định ĐBSCL có nhiều tiềm năng để tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng tôm tự nhiên với giá trị cao. Hiện nay, ở Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bến Tre, nhiều cơ sở kinh doanh, HTX quy mô nhỏ và vừa có vùng nuôi tôm dựa vào tự nhiên.

“Mặc dù vậy các sản phẩm tôm rừng, tôm lúa, tôm sạch chưa được tập trung quản lý và cấp chứng nhận tương xứng với giá trị chất lượng. Bộ NNPTNT cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở và trang trại nhỏ và vừa này tăng cường liên kết hợp tác để tạo ra dòng sản phẩm tôm hữu cơ, tôm sinh thái có thương hiệu đặc thù của vùng ĐBSCL” – ông Patrick Haveman nói.

Người dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thu hoạch tôm càng xanh nuôi trong ruộng lúa. Ảnh: C.L

Song song với đó, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để giúp các cơ sở sản xuất này có truy xuất nguồn gốc và dấu chân carbon cho các dòng tôm sinh thái. Từ đó, góp phần mở rộng và ổn định nguồn cung ứng tôm chất lượng cao, đáp ứng cho các chuối cung ứng tiêu dùng cao cấp trong nước hoặc xuất khẩu đi các thị trường quốc tế.

Được biết, Nhóm PPP ngành hàng thủy sản đã ký MoU (bản ghi nhớ hợp tác) giữa 7 đối tác triển khai dự án thúc đẩy chuỗi giá trị tôm -lúa theo hướng chứng nhận quốc tế gồm: GIZ, D-FISH, Sở NNPTNT Cà Mau, UBND huyện Thới Bình, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Lộc Trời và 2 HTX tại Cà Mau.

Dự án đã thực hiện thí điểm trên 12 hộ thuộc 2 HTX tại xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau từ tháng 12/2021, thả nuôi tôm trong ruộng lúa, canh tác theo hướng hữu cơ. Trong ruộng lúa, các loại tảo khuê, tảo lam phát triển, trở thành thức ăn cho tôm, nhờ vậy người nuôi giảm được lượng thức ăn công nghiệp cho tôm. Phân do tôm thải ra sẽ trở thành dinh dưỡng cho cây lúa phát triển, nên không cần sử dụng phân bón hóa học.

Trên cơ sở đó, PGS-TS Võ Nam Sơn cho rằng ngành hàng tôm cần chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn. Các nông hộ, trang trại nuôi tôm nên nuôi đa loài trong một ao, sử dụng các đầu vào “xanh” như: dùng điện mặt trời, ngừng sử dụng phân bón hóa chất, nuôi thêm các loài hấp thu hữu cơ (chất lơ lửng)…

Chương Hương

Nguồn: danviet.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024