Bangladesh: Phê duyệt nhập khẩu tôm thẻ chân trắng

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Hơn 5 triệu con tôm thẻ chân trắng sẽ được nhập khẩu để bắt đầu nuôi thương mại trong nước.

Theo nguồn tin địa phương, Chính phủ Bangladesh đã chấp thuận nhập khẩu hơn 5 triệu con giống tôm thẻ chân trắng không có nguồn gốc bản địa về để nuôi thương mại tại quốc gia này.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học xanh (BD) được cấp phép nhập khẩu tôm giống PL10 – PL12 từ Ấn Độ, với điều kiện con giống đó chỉ được sử dụng với mục đích duy nhất là để sản xuất giống mới.

Năm 2020, Bộ Thủy sản Bangladesh (DoF) lần đầu tiên cấp phép cho hai dự án thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng. Một dự án do Shushilan điều hành tại Trung tâm Nước mặn của Viện Nghiên cứu Thủy sản Bangladesh (BFRI) ở vùng ven biển Paikgachha upazila của Khulna. Dự án bắt đầu vào tháng 3 năm 2021 và thu hoạch lô 13.896 kg tôm đầu tiên vào tháng 7 năm 2021. Sau thành công của dự án thí điểm đầu tiên, DoF đã cho phép thêm 11 công ty nữa nuôi thử nghiệm giống tôm lai.

Các nhà xuất khẩu từ lâu đã yêu cầu Chính phủ của họ cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng vì loài tôm sú của Bangladesh đã mất khả năng cạnh tranh về giá ở các thị trường trọng điểm phương Tây như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Theo các nhà xuất khẩu, tôm thẻ chân trắng là mặt hàng dẫn đầu trên thị trường tôm toàn cầu vì giá cả phải chăng. Hơn 60 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ecuador và Mexico, đang sản xuất tôm thẻ chân trắng, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, theo Tổ chức Tôm và Cá Bangladesh, xuất khẩu của Bangladesh chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu quốc tế về tôm đông lạnh.

Tố Uyên (Theo Hatchery)

Tin mới nhất

T6,22/11/2024