Bán tôm ‘non’ vì giá giảm, dịch bệnh đe dọa

Giá tôm thương phẩm đang trên đà giảm mạnh kết hợp dịch bệnh thường trực đe dọa khiến người nuôi tôm ở Hà Tĩnh phải xuất bán ‘non’ nhằm né thiệt hại.

Vụ tôm xuân hè năm nay, người nuôi trồng thủy sản phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Thanh Nga.

6 tháng đầu năm, diện tích xuống giống nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Hà Tĩnh đạt hơn 1.500ha. Năm nay, ảnh hưởng thời tiết cực đoan khiến nhiều diện tích tôm chậm lớn; một số vùng tôm chết chưa rõ nguyên nhân. Đặc biệt, vào giai đoạn sinh trưởng mạnh và quan trọng của tôm từ tháng 4 đến tháng 6, hình thái thời tiết nắng gắt xen kẽ mưa dông liên tục xuất hiện khiến rủi ro càng cao.

Hệ quả rõ ràng nhất là oxy hòa tan trong nước giảm thấp, độ pH giảm mạnh, xuất hiện hiện tượng ao nuôi bị sụp tảo đột ngột, sản sinh ra lượng khí độc lớn… Điều này làm môi trường ao nuôi bị xáo động, tôm giảm sức đề kháng, dễ bị vi khuẩn, virus tấn công. Để hạn chế thiệt hại, thu hồi nhanh số vốn bỏ ra, nhiều hộ nuôi đã cân nhắc lựa chọn phương án xuất bán sớm hơn kế hoạch ban đầu.

Anh Lê Thành Hướng, xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh đang nuôi 2 hồ tôm với diện tích 5.400m2. Sau gần 3 tháng thả nuôi, thời tiết khắc nghiệt nên tôm chậm lớn. Cách đây một tuần, gia đình phải “bán chạy” khi tôm mới đạt kích cỡ 90 – 95 con/kg, với giá dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg.

Không ít hộ phải xuất bán tôm “non” vì lo ngại dịch bệnh uy hiếp. Ảnh: Thanh Nga.

Bất an hơn hộ anh Hướng, anh T.V.N, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà đang đứng ngồi không yên khi nhận được thông tin tại vùng nuôi có thêm 2 hộ có tôm bị chết nhiều. Đề phòng dịch bệnh lây lan sang diện tích của gia đình, anh N. quyết định bán “non” số tôm đang nuôi.

“Tôm mới đạt kích cỡ từ 70 – 75 con/kg, chưa đạt mục tiêu 50 – 60 con/kg nhưng nếu không bán khi bị dịch bệnh sẽ mất trắng. Mà bây giờ bán giá tôm cũng rẻ hơn rất nhiều so với đầu năm nên khả năng vụ nuôi này không có lãi”, anh N. nói.

Ngoài nỗi lo dịch bệnh bủa vây, thời tiết diễn biến thất thường, người nuôi tôm tại Hà Tĩnh cũng đang lo ngay ngáy vì giá tôm thương phẩm đầu vụ thu hoạch “tuột dốc không phanh”.

Qua khảo sát thị trường, các địa phương có diện tích thả nuôi lớn như: Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, TX Kỳ Anh… đã bắt đầu bước vào kỳ thu hoạch vụ tôm xuân hè. Tôm thẻ chân trắng còn sống loại 80 – 100 con/kg chỉ ở mức 90.000 – 110.000 đồng/kg; 60 – 80 con/kg có giá 120.000 – 125.000 đồng/kg; loại 40 – 50 con/kg có giá 140.000 – 160.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá 180.000 – 200.000 đồng/kg. Giá bán tôm đá cấp đông thường thấp hơn tôm sống khoảng 10.000 đồng/kg.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thúy, Trưởng phòng Quản lý, nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh), mặc dù mới đầu vụ thu hoạch tôm xuân hè, song giá tôm thời điểm này đã giảm khoảng 20-25% so với đầu năm 2024.

Giá tôm thương phẩm giảm sâu so với đầu năm 2024 cũng khiến hoạt động sản xuất của người dân có phần gián đoạn. Ảnh: Thanh Nga.

Nguyên nhân khiến giá tôm giảm là do đang chính vụ thu hoạch trên cả nước nên nguồn cung vượt cầu. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm cũng giảm thu mua khiến giá bán giảm theo. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh vùng lân cận như: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… không cao, nhất là đối với các loại tôm cỡ nhỏ và trung bình.

Trước thực tế này, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo, người nuôi tôm cần theo dõi sát thị trường, tránh thu hoạch ồ ạt. Có thể xem xét nếu đảm bảo các yếu tố về môi trường, dịch bệnh, thực hiện thu tỉa dần từng đợt một, số lượng tôm còn lại trong ao sẽ có môi trường thuận lợi tăng trưởng nhanh hơn, góp phần tăng kích cỡ khi thu hoạch, tăng giá bán.

Báo Nông Nghiệp

Tin mới nhất

T4,04/12/2024