Bàn cách chống ‘ế’ cho con tôm Việt

Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại. Tuy vậy, chất lượng vẫn là vấn đề quyết định lớn nhất để ngành tôm phát triển bền vững thị trường, cũng như cạnh tranh với các đối thủ như Ecuador…

Ông Ngô Thế Anh, đại diện Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. XK đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị XK chiếm 13-14% tổng giá trị XK tôm của toàn thế giới. Kim ngạch XK tôm của Việt Nam trong năm 2022 cũng lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.

Kỳ vọng thị trường tốt lên vào cuối năm

Theo ông Thế Anh, 6 tháng đầu năm nay, diện tích thả nuôi đạt 656 nghìn ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng và diện tích thả nuôi đảm bảo kế hoạch và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, nhưng kim ngạch XK lại giảm.

“Được mùa nhưng giá bán giảm sâu, chi phí đầu vào cao”, ông Thế Anh nêu thực trạng mà ngành tôm đang gặp phải.

Xuất khẩu tôm đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD trong năm 2022, nhưng 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh tới gần 32% so với cùng kỳ.

Cụ thể, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2022, XK tôm đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, nhưng 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh tới gần 32% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc – Hồng Kông và Hàn Quốc) đồng loạt giảm 2 con số, giảm mạnh nhất là thị trường EU với 48,9%, Mỹ giảm 38,1%, Hàn Quốc 28%, Nhật Bản giảm 29%, Trung Quốc và Hồng Kông giảm 15,7%. Nhìn chung, bức tranh thị trường tôm nửa đầu năm nay rất ảm đạm.

Tuy nhiên, thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên trong những tháng gần đây. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm sẽ giúp cho XK mặt hàng tôm tăng trở lại.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng hy vọng trong mùa lễ hội cuối năm, cơ hội XK tôm vào thị trường Mỹ, Trung Quốc sẽ gia tăng.

“Hiện nay, thị trường đang có dấu hiệu tốt hơn, do vậy doanh nghiệp cần cố gắng cầm cự một thời gian nữa để chờ vào mùa lễ hội. Chúng tôi vẫn kỳ vọng năm nay có thể đạt kim ngạch XK gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, các DN cần tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm hơn”, ông Hòe nói.

Đại diện cho phía DN, ông Hòe cũng chỉ ra thách thức là thị trường Trung Quốc sau khi bỏ chính sách “Zero COVID-19”, lượng tôm từ Ecuador đổ vào lớn, các địa phương có dân số đông như Quảng Đông, Phúc Kiến… tăng nhập tôm Ecuador rất nhiều, sản lượng tăng xấp xỉ 50%, giá trị tăng 30%. Điều này tạo áp lực rất lớn lên tôm Việt Nam.

Cạnh tranh khốc liệt, tiêu chuẩn chất lượng rất nghiêm ngặt

Đáng lo ngại, vấn đề đảm bảo chất lượng vẫn là khó khăn lớn nhất của con tôm Việt Nam. Cụ thể, đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, một số lỗi thường gặp của tôm Việt Nam khi XK sang Trung Quốc là dính kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn. Hàng thủy sản Việt Nam bị liệt vào nhóm có vi phạm, bị cảnh báo nhiều nhất về an toàn thực phẩm trong cơ cấu sản phẩm nông sản XK sang Trung Quốc.

Thời gian tới, đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý các doanh nghiệp XK thủy sản cần đảm bảo chất lượng sản phẩm để phát triển thị trường bền vững.

Trong khi đó, đại diện Tham tán thương mại Thương vụ Ả rập Xê út cho biết, hiện có 38 doanh nghiệp Việt Nam được XK thủy sản nói chung và mặt hàng tôm vào thị trường này, nhưng đã có 1 doanh nghiệp bị treo giấy phép vì không không xuất đúng nhãn mác, bao bì đăng ký, giờ chỉ còn 37 doanh nghiệp. Trong khi đó, đây là thị trường lớn, đòi hỏi phải kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, xu hướng tiêu dùng của khu vực EU là phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đây là xu hướng chính, đang được đưa dần vào văn bản pháp lý của EU. Thực phẩm tôm hữu cơ có cơ hội tăng trong thời gian tới nhưng đi kèm với đó là các quy định mới sẽ có hiệu lực, để đảm bảo các sản phẩm hữu cơ được bán ở EU đều có cùng một tiêu chuẩn. DN cần có chứng nhận bền vững từ trang trại đến nhà cung cấp.

Trước thực tế trên, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, để ngành tôm phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đề ra, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) để nâng cao chất lượng, giảm giá thành tăng sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, ngành tôm cần cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại thúc đẩy XK; nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy XK vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Bộ Công Thương cũng cần đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại để đa dạng hóa thị trường sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết, khai thác các cơ hội từ các hiệp định; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, kết nối giao thương thúc đẩy XK sản phẩm tôm.

Đặc biệt, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, quy định thị trường để Bộ, ngành định hướng phát triển thị trường sản phẩm tôm; tăng cường kết nối giao thương doanh nghiệp thúc đẩy XK.

Nhật Linh

Nguồn: vnbusiness.vn