Bạc Liêu: Xuất khẩu 1 tỉ USD từ tôm trong năm 2023 không xa vời

Bạc Liêu được xem là thủ phủ tôm của cả nước. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu đối với tôm của Bạc Liêu vẫn còn thua xa tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng. Bước vào năm 2023, tỉnh này quyết tâm đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD từ con tôm.


Từ khâu giống, vùng nuôi đều đảm bảo an toàn tại Tập đoàn Việt Úc Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Tất cả đều sẵn sàng

Ông Trần Văn Minh – Giám đốc Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods-F89 (phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai) – cho biết, doanh nghiệp đã chủ động thay đổi mẫu mã, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường; đồng thời mạnh dạn đầu tư, đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất mới ứng dụng công nghệ hiện đại ở tất cả các khâu sản xuất; tự động hóa khâu phân loại kích cỡ, chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

Cùng với đó, công ty cũng đẩy mạnh chuỗi liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhờ chủ động chuyển đổi, thích ứng tốt trong điều kiện khó khăn, nên hoạt động sản xuất của công ty luôn duy trì, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 400-500 lao động, đảm bảo kế hoạch sản xuất lợi nhuận đề ra.

Bà Âu Ngọc Vững – Giám đốc doanh nghiệp Âu Vững, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu – cho biết, năm 2023 khá thuận lợi từ đầu năm do thị trường đã được mở rộng. Doanh nghiệp chủ động được nguồn nuôi theo mô hình sinh học, tôm sạch nên giá trị mang lại hứa hẹn sẽ cao hơn.

Trong khi đó Tập đoàn Việt Úc tại tỉnh Bạc Liêu phát triển hệ sinh thái mang tên Việt Úc tại thành phố Bạc Liêu với hàng loạt các cơ sở: Trại tôm giống, vùng nuôi, nhà máy chế biến…

Không khó để đạt mục tiêu

Năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đề ra chỉ tiêu xuất khẩu tôm đạt 1 tỉ USD. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu này, tỉnh triển khai nhiều giải pháp từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ tôm.

Ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu – cho biết: Đối với nuôi trồng thủy sản, tỉnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất ở các vùng nuôi theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển bền vững, gắn với xây dựng cánh đồng lớn.

Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại, phát triển bền vững. Tỉnh cũng khuyến khích, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các doanh nghiệp và nông dân theo hình thức hợp tác sản xuất quy mô lớn.

Nhìn nhận về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2023, ông Phan Văn Sáu – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu – cho biết, so với các năm 2021-2022, xuất khẩu thủy sản năm 2023 có nhiều thuận lợi hơn. Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào do thời tiết thuận lợi, cùng với đó là diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, cho sản lượng lớn tiếp tục được mở rộng. Mặt khác, cùng với việc nhiều nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư nâng cao công suất thì một số nhà máy được xây dựng mới với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm phát triển ngành tôm của cả nước, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là ở phân khúc chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ cũng như các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết mà chủ động trong sản xuất. Tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) để tận dụng các cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới…

Bạc Liêu hiện có gần 50 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Nếu như những năm trước, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất khẩu tôm đông lạnh và chủ yếu là xuất thô mang lại giá trị không cao, thì năm 2023 này nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn.

Chia sẻ với mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh Bạc Liêu tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp chế biến thủy sản hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, xuất khẩu trực tiếp tôm nuôi sang các thị trường lớn, tiềm năng; tỉnh hoàn toàn ủng hộ và hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu.

Bảo Ngọc

Theo Báo Lao động

Tin mới nhất

T2,25/11/2024