Anh nông dân U-50 chia sẻ hiệu quả nuôi tôm thẻ thâm canh trên ao lót bạt

Với kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi tôm thẻ thâm canh từ mô hình sản xuất của gia đình là bước đệm vững chắc để anh nông dân U-50 tại huyện Cần Giờ có thể mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi tôm thẻ truyền thống sang nuôi tôm thâm anh trên ao lót bạt.“Với mô hình này gia đình tôi nuôi mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ thuận lợi tôi thu được khoảng 150 triệu đồng/vụ” – chia sẻ của anh Trịnh Đức Thuấn (sinh năm 1968), chủ cơ sở nuôi tôm công nghệ cao tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Anh Trịnh Đức Thuấn (áo tím) đang xem Giảng viên hướng dẫn kỹ thuật trong buổi kiến tập của Lớp đào tạo dạy nghề nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông TP.HCM tổ chức

Theo anh Thuấn, sử dụng kỹ thuật ao lót bạt nuôi tôm có nhiều ưu thế như: Có thể quản lý dịch bệnh, thức ăn, môi trường, rủi ro tôm chết thấp, giúp sản phẩm tôm sạch, cho năng suất cao và đạt hiệu quả kinh tế hơn so với mô hình truyền thống.

Chia sẻ về điều đó, Anh Thuấn cho biết: “Những năm gần đây, việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thời tiết và một số tác nhân khác khiến tôm dịch bệnh; để ngăn ngừa và kiểm soát, một số hộ nuôi đã sử dụng các chất hóa học không an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Nhằm hạn chế tình trạng trên, tôi đã mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng và năng suất tôm. Một trong những kỹ thuật tôi mạnh dạn áp dụng là sử dụng ao lót bạt để nuôi tôm thay vì nuôi truyền thống ao bùn. Tổng diện tích mô hình của tôi 2,5 hecta, trong đó diện tích lót bạt đáy là 0,68 hecta.”.

Học hỏi, tích lũy kiến thức để nâng cao kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, là phương châm giúp anh thành công với mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh của mình. Để thực hiện phương châm ấy, anh Thuấn luôn tích cực tham gia các buổi hội thảo, tập huấn về chuyên đề nuôi tôm thẻ thâm canh cũng như nuôi tôm công nghệ cao do các ban ngành liên quan tổ chức.

Đặc biệt, vừa qua anh đã tích cực tham gia đăng ký trở thành học viên xuất sắc của lớp dạy nghề nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông TP.HCM tổ chức (từ tháng 4/2022 – 5/2022). Không những vậy, mô hình của anh cũng chính là nơi để Ban Tổ chức lớp học đăng ký làm điểm kiến tập thực tế cho những buổi học thực hành giúp học viên có nơi kiến tập thuận lợi và hiệu quả.

Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh trên ao trãi bạt của anh Trịnh Đức Thuấn

Với sự mạnh dạn tìm tòi học hỏi, cũng như đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao sử dụng lót bạt đáy trong ao nuôi, đã giúp anh tùng bước đạt hiệu quả kinh tế và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 – 10 nhân công lao động phục vụ mô hình của anh, với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Từ sự đóng góp của anh dành cho sự phát triển kinh tế ở địa phương, đã giúp anh nhận được thành tích đáng mừng trở thành gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2018 do Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ bình xét và khen tặng. “Tôi sẽ cố gắng nghiên cứu phát huy nhiều hơn nữa, để có kinh nghiệm chia sẻ với những hộ nuôi, cùng nhau nhân rộng mô hình và cùng nhau giữ gìn môi trường đảm bảo thật tốt cho việc phát triển con tôm, nhằm cải tiến sản xuất và đưa con tôm sạch đạt chất lượng ra thị trường, từ đó nhân rộng mô hình sản xuất trong khu vực” – anh Thuấn thể hiện mong muốn.

Hy vọng với sự yêu nghề, cùng niềm đam mê chia sẻ kinh nghiệm trong suốt hơn 20 năm găn bó với nghề và gần 10 năm ứng dụng công nghệ cao sử dụng ao lót bạt trong nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Trịnh Đức Thuấn đã giúp các hộ nuôi tôm ở xã Lý Nhơn nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung mạnh dạn thay đổi phương thức nuôi, từng bước đạt hiệu quả, nhằm mục đích cùng nhau phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương, nâng cao đời sống người dân phù hợp với mục tiêu của nền nông nghiệp đô thị Thành phố đã đặt ra.

M.Hiếu

Nguồn: khuyennongtphcm.vn