Ấn Độ: Người nuôi tôm kiến nghị bãi bỏ thuế nhập khẩu vật tư đầu vào

[Người Nuôi Tôm] – Ngành tôm Ấn Độ đang tích cực kiến nghị bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với các vật tư thiết yếu cho nuôi trồng thủy sản trong nước, đồng thời khẩn trương thúc đẩy đàm phán thương mại với Hoa Kỳ.

Nếu chi phí đầu vào tăng sẽ đẩy ngành tôm Ấn Độ tới nguy cơ gặp khủng hoảng – Ảnh: ST

 

Trước nguy cơ bị Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu, người nuôi tôm Ấn Độ đang khẩn thiết kêu gọi Chính phủ loại bỏ thuế đối với các yếu tố đầu vào quan trọng của ngành nuôi trồng thủy sản, bao gồm tôm bố mẹ và thức ăn cho trại giống.

Liên đoàn Nuôi tôm Ấn Độ chỉ ra rằng, phần lớn tôm bố mẹ sử dụng trong nước được nhập khẩu từ chính Hoa Kỳ, cùng với một lượng đáng kể thức ăn trại giống, premix và artemia. Theo họ, việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu này không chỉ thể hiện cam kết của Ấn Độ đối với thương mại công bằng mà còn có thể tạo tiền đề cho các biện pháp đáp trả từ phía Hoa Kỳ.

Mức thuế quan trả đũa 26% được đề xuất, kết hợp với thuế chống bán phá giá (3,88%) và thuế chống trợ cấp (5,77%), đang tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành tôm Ấn Độ. Hơn 90% người nuôi tôm trên toàn quốc là nông dân quy mô nhỏ hoặc cận biên, hiện đang hoạt động với lợi nhuận rất thấp hoặc thậm chí thua lỗ. Do đó, bất kỳ sự giảm giá nào của tôm tại trang trại sẽ càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sinh kế ở khu vực nông thôn và cản trở nghiêm trọng hoạt động sản xuất tôm.

Trong bối cảnh bất ổn do thông tin về thuế quan, nhu cầu thị trường đang giảm sút, khiến các nhà xuất khẩu phải hạ giá chào bán khoảng 10%. Họ đặc biệt lo ngại rằng Ecuador sẽ có lợi thế cạnh tranh nhờ mức thuế suất 10% mà Hoa Kỳ đề xuất cho quốc gia Nam Mỹ này, nhờ vào vị trí địa lý gần gũi hơn với thị trường tôm lớn thứ hai của Ecuador. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Ecuador, những người đã xuất khẩu tôm trị giá 1,55 tỷ USD trong năm 2024, lại không tỏ ra quá lạc quan về triển vọng này.

Ông G. Pawan Kumar, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ, bày tỏ lo ngại về việc Hoa Kỳ có thể điều chỉnh giá các lô tôm đông lạnh đã giao do ảnh hưởng của thuế quan mới, trong khi biên lợi nhuận hiện chỉ đạt 3-4%. Hiệp hội đang nỗ lực vận động Chính phủ miễn trừ thuế cho ngành tôm trong các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, đồng thời khám phá các thị trường mới như Trung Quốc. Ấn Độ cũng nổi bật là một trong những quốc gia tiên phong trong việc đàm phán thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ.

Tố Uyên

Xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ đã đạt kỷ lục trong năm tài chính 2024 với 1.782.602 tấn, trị giá 7,38 tỷ USD, trong đó tôm đông lạnh chiếm ưu thế với giá trị 4,88 tỷ USD. Hoa Kỳ vẫn là thị trường hàng đầu, nhập khẩu 297.571 tấn.

Tin mới nhất

T3,29/04/2025