Minh Phú: Mở rộng công suất với nhà máy mới tại Cà Mau

[Người nuôi tôm] – Vừa qua, Minh Phú Seafood – một trong những công ty chế biến tôm lớn nhất Việt Nam đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến tôm hiện đại tại ngoại ô Cà Mau.

 

Tập trung sản phẩm tôm có giá trị gia tăng 

 

Thủy sản Minh Phú hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau và Việt Nam. Ảnh: MPC

 

Chia sẻ tại sự kiện diễn ra ở Tokyo ngày 11/4, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, nhà máy mới sẽ là bước tiến chiến lược trong nỗ lực mở rộng thị phần xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm. Dự án được đặt tại ngoại ô thành phố Cà Mau, sẽ nâng tổng công suất chế biến hàng năm của Minh Phú lên 121.000 tấn, từ mức hiện tại là 91.000 tấn.

Bên cạnh đó, với công suất sản xuất 30.000 tấn/năm, nhà máy sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm tôm giá trị gia tăng như tempura, tôm tẩm bột, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Nhật Bản, EU và Úc – New Zealand.

Theo ông Quang, khoảng 60% sản lượng của nhà máy sẽ là các sản phẩm giá trị gia tăng như tôm duỗi (nobashi), tempura, các món chiên và topping sushi. Đây đều là  những mặt hàng đang có sức hút lớn tại thị trường Nhật Bản. 40% còn lại sẽ là các sản phẩm sơ chế như tôm còn vỏ bỏ đầu và tôm lột vỏ để đuôi.

Việc đầu tư vào nhà máy mới diễn ra chỉ vài tháng sau khi Minh Phú Hậu Giang – một công ty con của tập đoàn khánh thành cơ sở chế biến riêng biệt vào tháng 2/2024. Cơ sở này bổ sung thêm 15.000 tấn công suất mỗi năm và đã bắt đầu vận hành thử nghiệm, nhận được đơn hàng ngay từ những chuyến mẫu đầu tiên.

Tại nhà máy ở Hậu Giang, hiện tại khoảng 80% sản lượng là tôm tẩm bột, phần còn lại là tempura, dòng sản phẩm có nhu cầu cao vào mùa lễ hội cuối năm. Minh Phú đang hướng tới việc tự động hóa toàn bộ dây chuyền tẩm bột và chiên, kỳ vọng sẽ hoạt động ở quy mô lớn từ cuối năm 2025.

 

Tối ưu chi phí bằng nuôi tôm probiotic

Song song với đầu tư vào chế biến, Minh Phú cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ nuôi tôm probiotic tại các trang trại do công ty sở hữu. Phương pháp này giúp cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách loại bỏ kháng sinh, giảm điện năng và hạn chế sử dụng hóa chất xử lý nước.

Ông Quang cho biết, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) trong mô hình nuôi probiotic đã giảm từ 1,6 – 1,7 xuống còn khoảng 1,3. Tức chỉ cần 1,3kg thức ăn để tạo ra 1kg tôm, đồng thời nâng cao tỷ lệ sống. Hiện chỉ khoảng 20% sản lượng tôm của Minh Phú đến từ các trang trại nội bộ, nhưng ông kỳ vọng tỷ lệ này sẽ tăng mạnh khi mô hình probiotic được mở rộng, qua đó giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm.

 

Đẩy mạnh xuất khẩu tôm chế biến sang Nhật Bản

Một thay đổi quan trọng là Nhật Bản đã chính thức vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Minh Phú. Theo ông Quang, các thị trường xuất khẩu chủ lực hiện nay lần lượt là Nhật Bản, Úc – New Zealand, EU và Hoa Kỳ.

Sự thay đổi này phản ánh sự dịch chuyển chiến lược của Minh Phú trong việc tối ưu hóa sản phẩm cho các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và xu hướng tiêu dùng các sản phẩm chế biến sẵn, tiện lợi.

Phương Nhung (theo Undercurrentnews )

Tin mới nhất

T2,05/05/2025