Gian nan ‘xoay trục’ nông nghiệp ở ĐBSCL

Chiến lược ‘xoay trục’ ngành nông nghiệp dựa trên trụ cột ‘lúa gạo, rau quả và thủy sản’ sang ‘thủy sản, rau quả và lúa gạo’ đang đi đúng hướng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo điều kiện phát triển mới. Tuy nhiên, trên con đường ‘xoay trục’ đang xảy ra những thách thức cần giải quyết để tiếp tục phát triển, bao gồm ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm…

Ngành nông nghiệp dịch chuyển đúng hướng từ “lúa gạo, rau quả và thủy sản” sang “thủy sản, trái cây và lúa gạo”. Ảnh: Trung Chánh

 

Dịch chuyển đúng kế hoạch đề ra

Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu ban hành năm 2017, nhấn mạnh “xoay trục” ngành nông nghiệp sang trụ cột “thủy sản, rau quả và lúa gạo”, trong đó, thủy sản nước ngọt, mặn và lợ là sản phẩm chủ lực. Cơ sở để thay đổi chiến lược nêu trên được nêu rõ trong Nghị quyết 120, đó là biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế đời sống người dân. Trong khi đó, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, nhất là xây dựng các đập thủy điện làm thay đổi dòng chảy, suy giảm phù sa, nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng…, có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của vùng.

Ngoài ra, mặt trái của phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng cũng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ biển, mất rừng…Từ thực trạng như vậy, rõ ràng việc “xoay trục” để giảm áp lực cho vùng ĐBSCL là cần thiết, bởi phù hợp với bối cảnh mới cũng như đảm bảo tăng trưởng kinh tế – xã hội cho vùng ĐBSCL.

Theo đó, mục tiêu đến 2030, diện tích thủy sản đạt khoảng 1 triệu héc ta, bao gồm luân canh lúa – tôm, tôm – rừng sinh thái; cây ăn trái mở rộng thêm 200.000 héc ta, đưa tổng diện tích đạt khoảng 680.000 héc ta; lúa gạo giảm 220.000-300.000 héc ta, đồng thời tập trung vào chất lượng nhằm đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân. Định hướng “xoay trục” đang đi đúng hướng khi nuôi tôm nước lợ đang được tập trung nhiều hơn để biến nguy thành cơ, tức biến thách thức của xâm nhập mặn thành cơ hội phát triển thêm diện tích nuôi tôm nước lợ. Trong khi đó, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả cũng được thay thế bằng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân.

Cụ thể, trước khi có Nghị quyết 120, trong 3,2 triệu héc ta diện tích đất nông nghiệp của ĐBSCL, thì lúa đạt 1,82 triệu héc ta; 860.000 héc ta thủy sản và 385.000 héc ta cây ăn trái. Tuy nhiên, hiện diện tích lúa đã giảm xuống còn dưới 1,5 triệu héc ta; thủy sản đạt 910.000 héc ta và cây ăn trái cũng đã vượt lên hơn 400.000 héc ta diện tích. Dịch chuyển cơ cấu cây trồng vật nuôi có đóng góp rất lớn vào sự thay đổi kết quả xuất khẩu của ngành thủy sản, rau quả và lúa gạo khi đạt kim ngạch trong năm ngoái lần lượt là 10,07 tỉ đô la Mỹ, 7,12 và 5,666 tỉ đô la Mỹ.

Nói đến kết quả nêu trên, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh, cơ cấu xuất khẩu bắt đầu chuyển đúng như định hướng Nghị quyết 120, tức đứng đầu là thủy sản, rồi đến rau quả và lúa gạo. “Năm 2024, ĐBSCL xuất khẩu tổng cộng được khoảng 28 tỉ đô la Mỹ, đạt mức thặng dư thương mại 14,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm 58% tổng thặng dư thương mại của cả nước”, ông cho biết thêm.

 

Chất lượng suy giảm, môi trường ô nhiễm

Tuy nhiên, phía sau những kết quả đạt được là thách thức dần bộc lộ, bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm suy giảm, gian lận thương mại khiến thị trường nhập khẩu phải lên tiếng cảnh báo. Khi nhìn sang ngành thủy sản, chất lượng con giống không ổn định, môi trường nuôi xuống cấp nghiêm trọng trở thành “gánh nặng” đối với hoạt động phát triển thủy sản nói chung và tôm nói riêng.

Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu thừa nhận, những năm gần đây nuôi tôm ngày càng khó khăn. Bởi lẽ, thứ nhất con giống nhiễm bệnh ngày càng phổ biển trong khi giống quyết định 50 – 60% tỷ lệ thành công vụ nuôi; thứ hai, môi trường nước ô nhiễm làm phát sinh rất nhiều bệnh, trong đó, phổ biến là EHP (là bệnh do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenae gây ra), bệnh mờ đục trắng gan trên tôm giống (TPD)…

Để tiếp tục phát triển trên hướng đi mới, dĩ nhiên cần phải giải quyết những thách thức đang xảy ra, bao gồm cả vấn đề gian lận thương mại, ô nhiễm môi trường…Chẳng hạn, với môi trường cho con tôm phát triển, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn thủy sản Minh Phú gợi ý, nên nuôi tôm “vừa sức tải môi trường”, tức thả nuôi với mật độ vừa phải nhằm tránh ô nhiễm nguồn nước, hạn chế tôm bị thiệt hại do dịch bệnh. Ông Quang của Minh Phú, thừa nhận đơn vị này đã quay lại với mô hình nuôi mật độ thấp sau khi thất bại ở mô hình nuôi mật độ cao. “Trở lại mô hình ban đầu hiệu quả nhất, lợi nhuận tốt nhất, tức mô hình nuôi 30 hoặc 50-70 con/m2”, ông cho biết.

Bên cạnh khắc phục những thách thức xảy ra, rõ ràng cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bởi đây sẽ là động lực để tăng lợi nhuận của từng ngành hàng nói riêng và phát triển vùng ĐBSCL nói chung. “Công nghiệp chế biến sẽ là động lực để tăng năng suất lao động, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế cho ĐBSCL”, ông Tự Anh nhấn mạnh.

Trung Chánh 

Nguồn: thesaigontimes.vn

Tin mới nhất

T3,22/04/2025