Xuất khẩu tôm 2025: Mảng màu tươi sáng

[Người Nuôi Tôm] – Dù phải đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại, ngành tôm đã xuất sắc hoàn thành mục tiêu năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng gần 4 tỷ USD, tăng 14%. Thành công này không chỉ khẳng định vị thế của ngành tôm mà còn đặt nền tảng vững chắc cho những kế hoạch phát triển vượt bậc trong tương lai.

Xuất khẩu tôm năm 2025 dự báo nhiều khởi sắc

 

Xuất khẩu tăng 14%, về đích ấn tượng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam năm 2024, mặt hàng tôm mang về kim ngạch cao nhất. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,856 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… đều ghi nhận tăng trưởng khả quan. Đây là một thành tích đáng ghi nhận, cho thấy sự linh hoạt và quyết tâm của ngành.

“Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU chỉ giảm trong tháng 2 và tháng 3, các tháng còn lại đều ghi nhận tăng trưởng hai con số. Việc tôm Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu vào thị trường EU cho thấy tôm Việt Nam đang ngày càng khẳng định được chất lượng, đảm bảo được các yêu cầu cao tại thị trường này”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP nhận định.

Tuy chưa thể vượt được kim ngạch xuất khẩu tôm kỷ lục của Việt Nam năm 2022 (khi đạt 4,3 tỷ USD), nhưng kết quả này cũng đã cho thấy ngành hàng tôm đang có sự hồi phục rõ nét so với năm 2023 (chỉ đạt 3,4 tỷ USD). Nhờ xuất khẩu tôm tăng mạnh, nên giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đã ghi nhận tích cực hơn kể từ tháng 7/2024. Bên cạnh đó, sản phẩm tôm chế biến đang có sự phát triển mạnh mẽ, đây là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng.

Năm 2024 cũng là năm đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu, với kết quả kinh doanh tích cực từ các thị trường lớn. Điển hình là Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) với tổng thành phẩm tôm chế biến đạt 25.833 tấn, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 22.164 tấn, tăng 27%. Nhờ vào chiến lược tối ưu hóa sản phẩm giá trị gia tăng và hoàn tất thả giống vụ nghịch trên toàn bộ diện tích trại nuôi tôm, Sao Ta vẫn giữ vững vị trí hàng đầu. Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (IDI) cũng đạt kết quả tích cực với doanh thu bán hàng 5.454 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.

Những con số ấn tượng này phản ánh nỗ lực của các doanh nghiệp thủy sản trong việc thích ứng với thách thức thị trường và tận dụng cơ hội từ nhu cầu tăng cao tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu. Đây cũng là dấu mốc quan trọng cho triển vọng phát triển của ngành tôm năm 2025.

 

Xuất khẩu 2025 dự báo tiếp tục tươi sáng

Dù còn nhiều khó khăn, ngành tôm Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là trong xuất khẩu. Sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU sẽ duy trì nhu cầu nhập khẩu cao, trong khi các thị trường mới như châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông cũng đang mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm thủy sản chất lượng từ Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 hiệp định khác. Những hiệp định thế hệ mới, đặc biệt là EVFTA với EU và CPTPP, giúp giảm thuế xuất khẩu, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tăng cường sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.

Phát triển sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng không chỉ là xu hướng mà còn là chiến lược quan trọng giúp ngành thủy sản Việt Nam mở rộng và củng cố vị thế trên thị trường. Sản xuất phụ phẩm từ nguyên liệu thủy sản mang lại cơ hội gia tăng giá trị, thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm tác động đến môi trường. Nếu Hoa Kỳ tăng thuế đối với sản phẩm thủy sản từ các đối thủ như Trung Quốc, Việt Nam có thể trở thành nguồn cung thay thế hấp dẫn cho thị trường này.

Kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2024 rất ấn tượng, toàn ngành nỗ lực vượt bậc để về đích trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa đòi hỏi phải có tầm nhìn xa hơn, nhất là trong bối cảnh sắp kết thúc giai đoạn cũ, chuẩn bị chuyển giao sang chiến lược phát triển mới (giai đoạn 2026 – 2030).

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, nhu cầu thủy sản toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, mở ra nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam. Với năng lực sản xuất vượt trội và sự chỉ đạo linh hoạt từ các cơ quan quản lý, cùng việc tổ chức sản xuất chặt chẽ giữa các thành phần trong chuỗi giá trị, ngành thủy sản dự kiến sẽ tiếp tục gặt hái thành công và duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Tôm tiếp tục là “át chủ bài” trong xuất khẩu thủy sản

 

Tạo đà cho giai đoạn phát triển mới

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025 của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng các doanh nghiệp và nông dân, ngư dân trong toàn ngành thủy sản đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất và xuất khẩu thủy sản năm 2024, tiếp tục khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam vươn tầm thế giới. Trong năm qua, ngành thủy sản có một
số điểm nhấn quan trọng như tổng sản lượng đạt 9,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, giải ngân 100%.

Trong những năm tới, toàn ngành cần xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng, quyết liệt và thực thi nhanh chóng. Mặc dù tiềm lực còn lớn, chúng ta cần xác định rõ những lĩnh vực cần thúc đẩy để tận dụng cơ hội. Đặc biệt, trong ngành tôm, cần giải quyết triệt để vấn đề giống và dịch bệnh. “Chúng ta cần nâng cao năng suất cho các loài tiềm năng như tôm, tập trung vào an toàn sinh học, quan trắc môi trường và đặc biệt là xử lý triệt để dịch bệnh cố hữu. Giống tôm phải được kiểm soát 100%, cùng với quản lý vùng nuôi và nguyên liệu theo chuỗi. Giải quyết được tồn tại trên mới đảm bảo tăng trưởng bền vững. Quan trọng, toàn ngành phải tự tìm được nguyên nhân chủ quan, khách quan là gì, từ đó thay đổi cách làm, xem lại rà soát lại. Chỉ được bàn tiến không bàn lùi. Xuất khẩu là đầu kéo, sản xuất là đầu đẩy, phải kết hợp cả hai yếu tố này mới phát triển mạnh mẽ được”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng chế biến và phát triển thị trường, cũng như nâng cao công tác truyền thông. Sự đồng lòng và phối hợp giữa các bộ ngành trong triển khai và giám sát là rất quan trọng. Cuối cùng, Việt Nam cần nỗ lực chuyển đổi xanh để bắt kịp xu thế toàn cầu và đón đầu thời đại.

Tổng kết lại, mặc dù ngành thủy sản năm 2024 phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nhìn chung, chúng ta đã phát huy tốt nội lực và đạt được những kết quả khả quan. Những thành công này sẽ là nền tảng vững chắc để chúng ta hướng tới các mục tiêu và định hướng mới trong năm 2025. 

Phương Nhung

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:

Phải thay đổi tư duy, giải quyết triệt để mới có thể phát triển bền vững

Thời gian qua, khoa học công nghệ có nhiều đóng góp tích cực, nhưng trong bối cảnh hiện tại phải liên tục đổi mới. Khoa học phải xuất phát từ thực tiễn, phải phục vụ lại thực tiễn. Chúng ta phải chủ động, quản lý phải chắc, chuyên môn phải sâu, thái độ phải quyết liệt hơn. Công việc hôm nay không để ngày mai. Từ những kết quả, kinh nghiệm đúc rút trong năm 2024 phải đưa ra chỉ đạo, lãnh đạo chuẩn bị cho năm 2025.

Những con số trong xuất khẩu đều là những dấu mốc thể hiện sự đoàn kết nhất trí, cố gắng của toàn ngành. Đây sẽ là tiền đề cho năm về đích quan trọng trong Kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển ngành giai đoạn 2026 – 2030.

 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP:

Cần một mô hình tăng trưởng phù hợp với tình hình mới

Một trong những vấn đề nổi bật mà chúng ta cần xem xét là 5 – 6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng chỉ cầm chừng ở mức 8 – 10 tỷ USD/năm (ngoại trừ 2022). Trong khi chiến lược phát triển ngành đến 2030 đặt kết quả mục tiêu là 14 – 16 tỷ USD/2030, chúng ta phải giữ được tốc độ tăng trưởng 2 con số (10 – 15%/năm). Như vậy, xuất khẩu cần có động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định, thay đổi nhanh trong kỷ nguyên số. Để đạt được mục tiêu này, ngành không chỉ cố gắng giữ vững thị phần, tăng hàm lượng chế biến giá trị mà còn cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp.

P.V (Ghi)

Tin mới nhất

T5,23/01/2025