Khả năng kháng bệnh ở tôm: Những khám phá mới về cơ chế di truyền

[Người Nuôi Tôm] – Nghiên cứu mới của Benchmark Genetics đã công bố những tiến bộ trong khả năng kháng bệnh Enterocytozoon hepatorenal (EHP) và hội chứng phân trắng (WFS) ở tôm chân trắng. Khám phá này mở ra cơ hội cho giải pháp quản lý bệnh bền vững, tăng năng suất, lợi nhuận và bảo vệ môi trường trong nuôi tôm.

 

Ngành tôm toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức lớn từ bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là WFS. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa vi khuẩn Vibrio và vi bào tử trùng EHP là nguyên nhân chính gây ra WFS, dẫn đến thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người nuôi tôm.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Benchmark Genetics đã mang lại hy vọng mới. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng có thể tăng cường khả năng kháng bệnh của tôm thông qua chọn lọc di truyền, cho phép chọn giống tôm kháng lại nhiều loại bệnh, từ đó nâng cao sức khỏe và năng suất của đàn tôm.

Nghiên cứu đã đưa ra một số phát hiện chính quan trọng. Đầu tiên, khả năng kháng bệnh EHP và WFS cho thấy tính di truyền trung bình, điều này cho phép áp dụng lai tạo chọn lọc như một chiến lược khả thi để cải thiện khả năng kháng bệnh. Thứ hai, không có mối tương quan di truyền tiêu cực đáng kể giữa khả năng kháng bệnh và sự tăng trưởng của tôm, cho phép chúng ta cải thiện đồng thời cả hai đặc điểm này. Hơn nữa, phương pháp chọn lọc bộ gen đã chứng minh ưu điểm vượt trội so với phương pháp chọn lọc dựa trên phả hệ truyền thống, với tính chính xác và hiệu quả cao hơn trong việc dự đoán khả năng kháng bệnh. Cuối cùng, khả năng kháng bệnh được xác định là chịu ảnh hưởng từ nhiều gen có tác động nhỏ, điều này càng khẳng định tính cần thiết của việc áp dụng chọn lọc bộ gen trong nghiên cứu và phát triển giống tôm.

Việc áp dụng các giống tôm kháng bệnh mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm: giảm thiểu thiệt hại kinh tế nhờ vào việc tôm khỏe mạnh và ít bệnh, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí điều trị và gia tăng lợi nhuận; nâng cao năng suất với sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả hơn của tôm; và đảm bảo nuôi trồng bền vững thông qua việc giảm thiểu sử dụng thuốc kháng sinh, từ đó bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Nghiên cứu này không chỉ khẳng định tiềm năng của các giải pháp di truyền trong việc nâng cao năng suất và tính bền vững của ngành nuôi tôm mà còn đóng góp đáng kể vào việc phát triển các giải pháp bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Hiểu Lam (Theo Hatcheryfm)

Tin mới nhất

T6,17/01/2025