Sản xuất tôm giống: Lắm nỗi lo, nhiều hạn chế

[Người Nuôi Tôm] – Chất lượng tôm giống được xem là yếu tố quyết định hàng đầu vào sự thành công của nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tôm giống hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần khắc phục để đạt mục tiêu đủ tôm giống tăng trưởng nhanh, sạch bệnh và chịu được tác động của môi trường trong thời gian tới.

Tôm giống là yếu tố quan trọng quyết định sự thành, bại của vụ nuôi

 

Những tồn tại trong sản xuất tôm giống

Chất lượng tôm bố mẹ là yếu tố then chốt quyết định chất lượng con giống. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn giống tôm bố mẹ, nguồn tôm bố mẹ của tôm thẻ chân trắng chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ các nước như Hoa Kỳ, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận – nơi được coi là “thủ phủ” tôm giống của cả nước, quy tụ những đơn vị sản xuất giống thủy sản hàng đầu nhưng hàng năm vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn tôm giống bố mẹ từ Hoa Kỳ, Thái Lan.

Tôm bố mẹ được nhập khẩu vào Việt Nam đều được chứng nhận đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định nhưng tình trạng tôm bố mẹ chất lượng chưa ổn định vẫn xảy ra khá phổ biến, nhất là với tôm thẻ chân trắng, bởi rất khó kiểm soát được chất lượng tôm bố mẹ từ nước xuất khẩu.

Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 152.500 tôm thẻ bố mẹ, 1.079 con tôm sú bố mẹ, 39.600 ấu trùng tôm sú và 16.991.600 ấu trùng tôm thẻ, chủ yếu từ Hoa Kỳ và Thái Lan.

Cả nước hiện có 1.949 cơ sở sản xuất tôm giống, gồm 6 cơ sở sản xuất tôm bố mẹ và 1.943 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống. Trong đó, 6 cơ sở sản xuất tôm bố mẹ đã được Cục Thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; còn 1.943 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống mới có 1.551 cơ sở được các địa phương kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 79,82%. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 32.660 con tôm bố mẹ, gồm 31.968 con tôm thẻ chân trắng và 692 con tôm sú. Sản xuất 136,6 tỷ con tôm giống, gồm 94,6 tỷ con tôm thẻ chân trắng và 42 tỷ con tôm sú. Tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau khoảng 93% số cơ sở và 63% sản lượng giống. Những con số này cho thấy, tôm bố mẹ chủ yếu phải nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, việc nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn hạn chế; tỷ lệ gia hóa thấp; giống sạch bệnh, kháng bệnh thiếu. Công tác quản lý cũng còn phân đoạn, thiếu sự thống nhất để đảm bảo chất lượng giống và kiểm dịch.

Đặc biệt đáng quan tâm, theo số liệu thống kê, hiện nay còn 20,18% cơ sở sản xuất và ương dưỡng tôm giống chưa được cấp giấy đủ điều kiện. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ thành công nuôi tôm tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác. Không những thế, còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc theo quy định của các nước nhập khẩu. Như vậy, từ thực tế trên cho thấy được, mặc dù các cơ sở tôm giống chưa đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn đưa nguồn tôm không đảm bảo vào nuôi trồng.

Trước thực tế trên, giá cả thị trường, chi phí thức ăn, dịch bệnh và chất lượng tôm giống là những quan tâm hàng đầu. Sản phẩm tôm Việt Nam có thể lợi thế khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp đối với Ecuador, Ấn Độ và Indonessia vào cuối tháng 12/2024.

 

Nghịch lý nhu cầu giống rẻ nhưng chất lượng cao

Ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với một nghịch lý lớn: Người nuôi tôm mong muốn có tôm giống chất lượng cao để đảm bảo năng suất và lợi nhuận, nhưng đồng thời lại kỳ vọng giá thành tôm giống phải rẻ. Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức cho cả người nuôi và các cơ sở sản xuất tôm giống.

Hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất tôm giống đạt tiêu chuẩn còn hạn chế, điều kiện sản xuất tại nhiều cơ sở chưa đảm bảo, dẫn đến việc cung cấp tôm giống kém chất lượng. Phần lớn là các cơ sở nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn. Người nuôi tôm thường có tâm lý ưa chuộng giống tôm chất lượng nhưng giá rẻ nên tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tồn tại và cạnh tranh không lành mạnh với các cơ sở sản xuất đạt chuẩn. Các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ đầu tư thấp, không đảm bảo quy chuẩn, bán giá rẻ và khuyến mãi nhiều, nhưng khi người nuôi mua phải giống kém chất lượng, năng suất nuôi bị ảnh hưởng và nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng giống tôm chất lượng và tuân thủ các quy chuẩn sản xuất để đảm bảo hiệu quả và bền vững cho ngành nuôi tôm.

Một số chuyên gia trong ngành thủy sản cho biết, chi phí con giống tuy chỉ chiếm 8 – 10% tổng giá thành sản xuất tôm, nhưng lại là yếu tố quyết định đến thành bại của cả vụ nuôi. Chất lượng con giống không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm mà còn tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất.

Chất lượng tôm bố mẹ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng tôm giống

 

Giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống

Tình hình trên đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp quản lý sản xuất tôm giống. Trước hết, tập trung nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước; phát triển hệ thống sản xuất giống tôm chất lượng cao, kháng bệnh. Quản lý, cấp giấy chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng. Các cơ sở sản xuất giống phải áp dụng tốt biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Chú trọng tuyên truyền người dân sử dụng con giống rõ nguồn gốc.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, ương dưỡng, lưu thông giống trên thị trường. Thực hiện quy chế phối hợp giữa các địa phương cung cấp giống – mua giống – hợp tác, liên kết các cơ sớ sản xuất tôm giống nhỏ thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Chú trọng liên kết vùng tiêu thụ tôm giống/nuôi để kiểm soát chất lượng.

Để nâng cao chất lượng con tôm giống, tập trung đề xuất những thông tin về chất lượng tôm giống cùng với diễn biến của giá tôm thế giới hiện nay nhằm giúp bà con nuôi tôm nhỏ lẻ tránh được vấn đề lựa chọn giống kém chất lượng. Tìm nguồn vốn cho những hộ nuôi nhỏ lẻ, bởi vì họ rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm. Sự hợp tác giữa hai mắt xích quan trọng là con giống và chế biến là bước đi hết sức cần thiết và cấp bách. Tiếp đó rồi mới tính đến các vấn đề khác trong chuỗi giá trị con tôm như: Thức ăn, thương lái chế phẩm sinh học.

Đối với các cơ sở sản xuất tôm giống, cần phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất giống. Phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, tham gia xây dựng định hướng chiến lược nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất. Hỗ trợ dự báo, phân tích, cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, cá nhân trong quy trình chuỗi sản xuất tôm giống. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia sản xuất, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, với mục tiêu hướng tới ngành tôm bền vững thì việc ứng dụng khoa học – kĩ thuật, công nghệ tiên tiến cũng cần được đẩy mạnh hơn.
Để nâng cao chất lượng tôm giống, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận đã ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất như: công nghệ xử lý nước bằng hệ thống siêu lọc, tích hợp tia cực tím (UV), công nghệ ozone, công nghệ sinh học để quản lý, kiểm soát chất lượng nước. Hiện nay, các cơ sở đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh, hoá chất độc hại trong suốt quá trình ương dưỡng tôm giống. Bên cạnh đó, một số cơ sở cũng đã kết hợp áp dụng các tiêu chuẩn BMP, VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn OIE vào hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng con giống. Nhờ đó chất lượng con giống ngày càng được nâng cao, khẳng định vị thế vững chắc của tỉnh.

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh Bến Tre cũng tập trung quản lý chất lượng tôm giống để phục vụ nhu cầu cho các cơ sở nuôi tôm công nghệ cao. Trong đó, quan trọng nhất là nguồn gốc, chất lượng tôm để việc xuất khẩu tôm ổn định và hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh nhấn mạnh, hoạt động sản xuất con giống ngày càng được nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh có 56 trại sản xuất ương dưỡng giống tôm, với tổng công suất thiết kế ước tính khoảng 6 tỷ con giống/ năm. Trong đó, có 3 trại sản xuất giống quy mô lớn như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH MTV Việt Úc Bến Tre, Công ty TNHH Toàn Cầu. Riêng Công ty TNHH MTV Việt Úc được UBND tỉnh cấp chứng nhận Doanh nghiệp sản xuất giống CNC đã góp phần cung cấp nguồn tôm giống chất lượng cho tỉnh.

Phương Nhung

Tin mới nhất

T2,06/01/2025