Lớp bạt lót ao nuôi tôm: Ưu và nhược điểm

[Người Nuôi Tôm] – Lớp lót đáy ao nuôi tôm giúp cải thiện hiệu quả sản xuất thông qua việc tăng chu kỳ sản xuất, tăng tỷ lệ sục khí và mật độ thả giống.

 

Ao nuôi lót bạt giúp cải thiện hiệu quả sản xuất

Nuôi tôm thường được thực hiện ở các vùng ven biển do có sẵn nước lợ hoặc nước biển để cung cấp cho ao. Các ao nuôi được xây dựng trên đất có chứa pyrit sắt (đất có tính axit sunfat tiềm tàng hoặc đất có tính axit sunfat hoạt động) sẽ có độ pH thấp, gây ra vấn đề cho nuôi tôm. Các ao nuôi được xây dựng trên đất cát thì khả năng giữ nước không được tốt. Đất hữu cơ không cho phép đắp bờ ổn định và có nhu cầu oxy cao. Do đất trũng nên các ao nuôi tôm được xây dựng ở những khu vực này gặp khó khăn trong việc thoát nước và làm khô sau khi thu hoạch. Đáy ao không khô hoàn toàn và sau khi nuôi tôm trong một vài vụ, đáy ao bị thoái hóa, điều này có thể gây căng thẳng cho tôm nuôi ở các vụ tiếp theo và tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát.

Trong số nhiều phương án quản lý, phương pháp tách nước ao và nền đất bằng cách sử dụng lớp lót ao bằng nhựa đã được ưa chuộng thời gian qua. Cho đến nay, đây vẫn là phương pháp hữu hiệu, tiết kiệm chi phí trong nuôi tôm.

Vật liệu nhựa thích hợp để lót ao nuôi tôm là HDPE (polyethylene mật độ cao) và PVC (poly vinyl chloride). Vì cả HDPE và PVC đều kết hợp các chất chống tia cực tím, nên hai vật liệu này có thể chống lại sự hư hỏng do tia UV, cho phép chúng tồn tại trong nhiều năm. Những vật liệu này linh hoạt và được cuộn thành từng cuộn có thể dễ dàng kết dính hoặc dán lại với nhau trong quá trình lắp đặt. Độ dày khuyến nghị cho lớp lót ao nuôi tôm là ít nhất 0,75 mm. Nhiều nhà cung cấp lớp lót HDPE và PVC đảm bảo sản phẩm của họ có thể sử dụng từ 5 đến 10 năm.

Vệ sinh ao nuôi đất truyền thống khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn

 

Thuận lợi

Việc sử dụng bạt nhựa để lót đáy và bờ kè của ao nuôi tôm giúp ngăn ngừa nước ao tiếp xúc với đất phèn để tránh độ pH thấp, pH thấp thường gây ra vấn đề trong ao nuôi tôm, đặc biệt là trong mùa mưa.

Chất lượng nước ao được quản lý dễ dàng hơn vì không có tác động tiêu cực nào đến chất lượng nước ao khi tiếp xúc với đất đáy và bờ. Lớp lót ngăn chặn hiệu quả sự tương tác giữa đất và nước và ngăn ngừa vấn đề về độ chua của đất, ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn ở các khu vực lân cận và kiểm soát sự rò rỉ nước vào ao ở những khu vực có mực nước ngầm cao.

Lớp lót rút ngắn thời gian vệ sinh và chuẩn bị ao, chỉ cần 4 – 8 ngày để hoàn thành quy trình thay vì từ 30 – 45 ngày đối với quy trình vệ sinh ao đất thông thường và quy trình phơi khô tự nhiên. Do đó, số lượng vụ mùa mỗi năm có thể được tăng lên để tăng năng suất ao hàng năm. Ngoài ra, việc thu hoạch có thể hiệu quả hơn trong mùa mưa vì ao lót nhựa vẫn có thể được vệ sinh. Không cần phải cày ải nền ao bằng máy kéo sau khi lắp đặt lớp lót.

Trong thời gian nuôi, chất rắn lơ lửng và các chất thải khác có thể dễ dàng được loại bỏ bằng dòng chảy tự nhiên qua các cống thoát nước (thường ở giữa ao), do đó sẽ có ít chất hữu cơ tích tụ trong ao hơn.

Lớp lót ngăn chặn sự xói mòn của bờ ao do sóng, gió và dòng nước do máy sục khí tạo ra, giúp giảm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa ao. Ao lót bạt thường có thể được sục khí mạnh hơn, hỗ trợ mật độ thả và năng suất cao hơn trên một đơn vị diện tích. Vì đáy ao sạch hơn nên vào thời điểm thu hoạch sẽ có ít tôm có mang bẩn (bùn hữu cơ tích tụ), tôm sạch sẽ có giá cao hơn.

 

Nhược điểm

Trước hết, chi phí đầu tư ban đầu để lót ao tương đối cao, giá này tùy thuộc vào loại lót và kích thước ao cùng nhiều yếu tố khác. Cần có nhiều nhân công và thiết bị thủ công để vệ sinh, chuẩn bị ao đúng cách trước khi có thể tiến hành chu kỳ sản xuất tiếp theo. Việc sử dụng thiết bị hạng nặng để vệ sinh ao sau khi thu hoạch bị hạn chế do nguy cơ làm hỏng lớp lót.

Lớp lót ao có thể gây khó khăn hơn cho quá trình nở hoa của sinh vật phù du trong ao trước khi thả tôm giống hậu ấu trùng. Khi thời gian nuôi tiến triển, phospho tích tụ trong nước ao, khi đó hiện tượng nở hoa của thực vật phù du có xu hướng tăng lên. Điều này có thể gây ra mức oxy hòa tan thấp vào ban đêm, gây tình trạnh thiếu oxy hòa tan và sinh vật phù du chết hàng loạt.

Do hiện tượng nở hoa của thực vật phù du thường xuyên xảy ra cộng với các vấn đề liên quan đến sự suy giảm oxy hòa tan, nên có thể cần sục khí cơ học nhiều hơn ở các ao có lót bạt so với các ao không lót bạt, đặc biệt là trong nửa sau của vụ nuôi.

Ao nuôi tôm lót bạt được thiết kế, xây dựng và quản lý tốt có thể quản lý hiệu quả chất hữu cơ và bùn

 

Yêu cầu trước khi lắp đặt

Để lót ao đúng cách, ao phải được chuẩn bị kỹ lưỡng sao cho đất mịn và chặt, loại bỏ các vật liệu sắc nhọn hoặc không liên quan như đá hoặc gốc cây và cành cây trên bề mặt đáy ao, kéo dài lên dọc theo tất cả các sườn bên trong của bờ ao. Nếu sử dụng cống thoát nước trung tâm thì cống phải được thiết kế và lắp đặt đúng cách.

Các tấm nhựa phải được lót dọc theo bề mặt nhẵn của đáy ao và bờ, và phải được cố định trên đỉnh bờ bằng cách chôn các cạnh vào bờ trong một rãnh sâu khoảng 50 cm. Đối với các ao có đáy thấp hơn mực nước bên ngoài hoặc các ao được xây dựng ở nơi mực nước ngầm gần bề mặt đất, có thể cần một số ống thông để nước từ bên dưới tấm nhựa thoát ra ngoài, ngăn không cho bọt khí hình thành khiến lớp lót nhựa phồng lên.

Nếu có thể – như trong trường hợp ao mới xây – hình dạng ao nên được thiết kế để giảm thiểu số lượng tấm lót nhựa, vì các khu vực mối nối là phần yếu nhất của lớp lót nhựa. Các tấm nhựa phải có đủ độ chồng lên nhau (khoảng 12 – 15cm cho mỗi mối nối) để chúng có thể được dán lại với nhau đúng cách. Cần đặc biệt chú ý đến các khu vực cống thoát nước trung tâm và cống dẫn nước vào, vì lớp lót nhựa có thể tiếp xúc với các loại vật liệu khác, dẫn đến các mối nối yếu hơn.

Tóm lại, các ao lót nhựa được lắp đặt và quản lý đúng cách sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất của các ao nuôi tôm, cho phép nâng số vụ nuôi/năm do thời gian nghỉ giữa các chu kỳ giảm, đồng thời cải thiện tốc độ sục khí cơ học, tăng mật độ thả giống.

Vũ Hải

Tin mới nhất

T3,22/10/2024