Bạc Liêu: Sẵn sàng mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025

[Người Nuôi Tôm] – Năm 2023, tổng sản lượng tôm nuôi của Bạc Liêu đạt 247.143 tấn, đứng đầu cả nước về sản lượng, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 147.234 ha, đạt gần 100% so với mục tiêu đến năm 2025.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Hoàng Huynh)

Thông tin này được công bố tại hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 13/9. Kết quả đánh giá cho thấy, sau 3 năm triển khai, ngành tôm Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các Sở, ngành và các địa phương; doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống, nuôi và chế biến tôm…

Hội nghị tạo cơ hội cho các đại biểu trao đổi thẳng thắn, nêu ra những vấn đề còn vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm giúp tỉnh Bạc Liêu sớm hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là đạt chỉ tiêu xuất khẩu tôm lên tới 1,3 tỷ USD vào năm 2025.

 

Ngành tôm luôn nằm trong Top đầu của cả nước

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, sau ba năm triển khai Đề án, Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ông khẳng định mục tiêu “Xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước” là hoàn toàn khả thi và mang lại ý nghĩa to lớn cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Toàn tỉnh hiện có 25 tổ chức và hơn 800 cá nhân tham gia nuôi tôm siêu thâm canh trên diện tích gần 7.000 ha, tăng 2,9 lần so với năm 2020, trong đó có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước.

Bạc Liêu tự hào là tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong lĩnh vực sản xuất tôm giống chất lượng cao, với 360 cơ sở sản xuất và kinh doanh tôm giống. Tôm giống chất lượng cao chiếm hơn 70% tổng sản lượng tôm được sản xuất trong năm.

Sản lượng nuôi tôm của Bạc Liêu luôn đứng trong Top đầu cả nước qua các năm. Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh đã vươn lên dẫn đầu toàn quốc với hơn 247.143 tấn tôm, tăng 52% so với năm 2020. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững như nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, tôm – lúa, và tôm – rừng đã nhận được sự đánh giá cao từ các tổ chức trong và ngoài nước về tính hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã có sự phát triển nhanh chóng so với thời điểm trước khi thực hiện Đề án.

Tỉnh hiện có 48 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất thiết kế đạt 294.000 tấn/năm. Các nhà máy này được đầu tư đồng bộ, sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại và công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm, được chứng nhận bởi Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khu vực Nam Bộ. Trong năm 2023, sản lượng tôm xuất khẩu đạt 91.854 tấn, mang về kim ngạch 973,6 triệu USD.

 

Những khó khăn trong quá trình triển khai

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu khẳng định, mục tiêu biến địa phương này thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là hoàn toàn khả thi, nhưng ông cũng thẳng thắn nêu ra những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án.

Theo kế hoạch, Đề án bao gồm 5 chương trình và 20 dự án với tổng vốn đầu tư vượt quá 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chỉ mới thực hiện được 2 dự án, do không thể cân đối nguồn vốn, nhiều dự án vẫn chưa thể khởi động.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là Bạc Liêu thiếu sân bay, cảng biển và tuyến cao tốc kết nối với các thành phố lớn. Tỉnh cũng không nằm trong danh sách các địa phương được chọn để xây dựng trung tâm đầu mối liên kết với vùng nguyên liệu thủy sản ven biển.

Hơn nữa, vấn đề liên kết chuỗi vẫn còn rời rạc, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tình trạng nuôi trồng ngoài quy hoạch và xây dựng cơ sở nuôi không đảm bảo quy định vẫn diễn ra, chưa tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Công tác xử lý vi phạm môi trường trong thời gian qua chưa được thực hiện một cách quyết liệt.

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngành tôm hiện còn thiếu và chưa đồng bộ; hệ thống điện 3 pha cho các vùng nuôi tôm chỉ mới phủ gần 40% diện tích. Giá tôm nguyên liệu đang có xu hướng giảm mạnh, trong khi chi phí vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho người nuôi.

Ngoài ra, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề, cùng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên tôm và tình hình giá cả thị trường tiêu thụ không thuận lợi, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành tôm.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tiêu biểu được trưng bày tại hội nghị (Ảnh: Hoàng Huynh)

 

Nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc để về đích thành công

Rõ ràng, việc phấn đấu biến Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm quốc gia là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, để thực hiện Đề án thành công, cần khẩn trương giải quyết những khó khăn còn tồn tại.

Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành và địa phương trong thời gian tới, bao gồm: bố trí kinh phí cho các dự án ưu tiên phù hợp với thực tế địa phương để thực hiện các chương trình nuôi trồng và chế biến thủy sản, bảo vệ môi trường; hỗ trợ và phối hợp quản lý chặt chẽ vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tôm; cũng như nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch khu vực nuôi ứng dụng công nghệ cao. Tất cả nhằm quyết tâm thực hiện đạt các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án.

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương tăng cường đầu tư phát triển hệ thống lưới điện phục vụ cho sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị khác để nghiên cứu và tham mưu các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà máy trong tỉnh xuất khẩu tôm, nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, phấn đấu đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025.

Phạm Huệ

Tin mới nhất

T6,22/11/2024