Thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường: Chặt chẽ trong quản lý

[Người nuôi tôm] – Theo Cục Thuỷ sản, nửa cuối năm năm 2024 được dự báo còn nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất, cung ứng thức ăn thuỷ sản, đặc biệt là nguồn nguyên liệu, giá thành sản phẩm…

Công tác quản lý thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường NTTS cần được thực hiện nghiêm túc và toàn diện (Ảnh: Hoàng Huynh)

 

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo của Cục Thuỷ sản, hiện cả nước có 824 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản (123 cơ sở vốn đầu tư nước ngoài và 701 cơ sở vốn đầu tư trong nước), trong đó 120 cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp. Tổng sản lượng thiết kế khoảng 10 triệu tấn (bao gồm 2,3 triệu tấn thức ăn tôm, 4,3 triệu tấn thức ăn cho cá, ếch, lươn, 240 nghìn tấn thức ăn bổ sung, và 3,2 triệu tấn nguyên liệu). Sản lượng sản xuất thức ăn thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,2 triệu tấn, khoảng 25% tổng công suất; sản lượng nhập khẩu khoảng 132 nghìn tấn.

Đối với các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) có công suất thiết kế đạt khoảng 114 nghìn tấn. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng các sản phẩm xử lý môi trường ước đạt 17 nghìn tấn.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ từ một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản, giá thức ăn tôm năm 2024 nhìn chung không tăng so với năm 2023 và đang có xu hướng giảm. Cụ thể, giá thức ăn hỗn hợp cho tôm sú (độ đạm 42%): 41.000 – 51.000 đ/kg; tôm thẻ chân trắng (độ đạm 40%): 34.500 – 44.700 đ/kg.

Tại Sóc Trăng, một trong những tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng ĐBSCL, hiện tỉnh có 20 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung và sản phẩm xử lý môi trường NTTS, với công suất 350 tấn/năm cho thức ăn bổ sung và 2.500 tấn/năm cho sản phẩm xử lý môi trường. Năm 2023, sản lượng tôm nước lợ đạt 206.334 tấn, nhu cầu thức ăn thủy sản ước 303.026 tấn; trong đó thức ăn tôm sú 25.898 tấn, tôm thẻ chân trắng 277.128 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu thức ăn tôm của tỉnh khoảng 146.038 tấn. Sản lượng thức ăn bổ sung và tươi sống “trứng bào xác Artemia” năm 2023 của tỉnh là 20 tấn, 6 tháng đầu năm 2024 là 11 tấn. Sản lượng chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý môi trường, hỗn hợp khoáng, vitamin năm 2023 là 2.405 tấn, 6 tháng đầu năm 2024 là 1.005 tấn. Đã tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của 11 doanh nghiệp với 225 sản phẩm.

Còn tại Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh có 1 công ty sản xuất thức ăn hỗn hợp cho tôm sú và tôm thẻ chân trắng với sản lượng 6.300 tấn/năm, cùng 11 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường NTTS, 485 cơ sở kinh doanh. Nhu cầu sử dụng thức ăn hỗn hợp hàng năm của Bạc Liêu khoảng 230.000 tấn. Đến nay, tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của 8 công ty với 188 sản phẩm.

 

Biểu đồ cơ sở đủ điều kiện sản xuất theo từng loại sản phẩm

Nguồn: Tài liệu Hội nghị quản lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, ngày 21/6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh

 

Còn nhiều trường hợp vi phạm

Theo báo cáo gần nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, qua thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường, đã phát hiện 14 cơ sở vi phạm với 20 sản phẩm vi phạm, tổng số tiền xử phạt lên tới 107.862.500 đồng. Các hành vi vi phạm chính bao gồm lưu thông sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi chưa gửi thông tin đến Bộ NN&PTNT, buôn bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố, buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng và công dụng, bán hàng hóa mà không có dấu hợp quy hoặc dấu hợp quy không đúng quy định, và buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc theo quy định pháp luật.

Tại Bạc Liêu, kết quả thanh tra, kiểm tra sản xuất và kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản năm 2023 đã phát hiện 25 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt 150.370.000 đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện thêm 7 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt 73.000.000 đồng.

Có thể thấy, công tác quản lý thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản hiện đang đối mặt với nhiều tồn tại và bất cập. Tại hội nghị “Quản lý thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản” diễn ra ngày 21/6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá, việc quản lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là việc quan trọng, vì đây là yếu tố chiếm chi phí cao nhất trong giá thành sản xuất. Dù được tạo hành lang thông thoáng, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, như kinh phí cho công tác lấy mẫu hậu kiểm để đánh giá của các địa phương còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực bị cắt giảm nên việc kiểm tra không được thường xuyên. Ngoài ra, Chi cục trưởng các địa phương chưa có thẩm quyền làm công tác thanh tra và xử phạt, do đó việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Thức ăn thủy sản là yếu tố chiếm chi phí cao nhất trong giá thành sản xuất

 

Công tác quản lý chất lượng là yếu tố then chốt

Trong bối cảnh nhu cầu thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường NTTS năm 2024 dự báo không cao hơn năm 2023, công tác quản lý chất lượng vẫn đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả nuôi trồng. Để đạt được mục tiêu này, Cục Thuỷ sản đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng thức ăn thủy sản và đảm bảo giá thành sản phẩm tương xứng với chất lượng.

Tiếp tục rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển và ổn định sản xuất. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định về quản lý, thủ tục hành chính cũng đang được cập nhật và hoàn thiện. Phối hợp với Bộ Tài chính, Cục Thủy sản hoàn thiện các quy định về giá theo Luật Giá năm 2023, đảm bảo giá thành sản phẩm hợp lý.

Quản lý chặt chẽ các điều kiện sản xuất, công bố sản phẩm, và chất lượng sản phẩm khi lưu thông trên thị trường là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, cần ngăn chặn các hành vi gian lận trong khai báo thông tin sản phẩm và các hoạt động gây hiểu nhầm về công dụng sản phẩm. Công tác thanh tra và kiểm tra về điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm sẽ được tăng cường để ngăn chặn vi phạm.

Việc chứng nhận sự phù hợp, như chứng nhận hợp quy và chứng nhận chất lượng, cần được thực hiện một cách khách quan và minh bạch. Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất các nguyên liệu thay thế nhập khẩu sẽ giúp giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, đề xuất và triển khai các nhiệm vụ khoa học liên quan đến phát triển nguồn nguyên liệu và giải pháp mới trong sản xuất thức ăn thủy sản là cần thiết.

Công tác quản lý thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường NTTS cần được thực hiện nghiêm túc và toàn diện. Từ việc cập nhật các quy định, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đến việc khuyến khích nghiên cứu và phát triển nguyên liệu nội địa, tất cả đều nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả và bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Ngọc Anh

“Trong thời gian tới, cần tăng quyền cho các Chi cục trưởng làm công tác thanh tra và xử phạt để việc thực thi pháp luật ở cơ sở được tốt hơn. Bên cạnh đó, kiến nghị các địa phương, tăng cường nguồn lực, kinh phí, thanh tra kiểm tra, thu mẫu phân tích các sản phẩm thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS, từ đó, xử phạt kịp thời các trường hợp làm gian, làm giả”.

Ông Trần Đình Luân

Cục trưởng Cục Thủy sản

Tin mới nhất

T6,20/09/2024