Quản lý chất thải ngành nuôi tôm như một “tài nguyên chung tiêu cực”

Theo nghiên cứu của Võ Hồng Tú và cộng sự (2024), ngành nuôi tôm đóng góp khoảng 83% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL. Năm 2020, nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD, riêng tôm đạt 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, hoạt động nuôi tôm cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, đặc biệt là vấn đề chất thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Ảnh: ST

Nuôi tôm ở ĐBSCL tập trung chủ yếu tại tám tỉnh ven biển – gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Trong đó, bốn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, và Sóc Trăng chiếm tới 89,07% tổng diện tích nuôi tôm của toàn vùng.

Khảo sát bốn tỉnh trên, nhóm Võ Hồng Tú phát hiện, lượng chất thải dinh dưỡng thừa từ quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú là rất lớn. Cụ thể, lượng dư thừa đạm và lân (tính theo đơn vị gây phú dưỡng) từ nuôi tôm thẻ là 1.154,30 kg/ha, còn từ nuôi tôm sú là 859,06 kg/ha.

Các chất dinh dưỡng thừa này chủ yếu đến từ thức ăn không được tôm hấp thụ hết. Lượng đạm tôm hấp thụ chỉ chiếm 20-31% trong thức ăn, lượng lân hấp thụ chỉ 10-13%. Phần còn lại bị thải ra môi trường dưới dạng chất thải hòa tan trong nước hoặc lắng đọng trong bùn đáy. Mức độ gây ô nhiễm từ hai loại hình nuôi tôm cũng khác nhau. Hiệu quả môi trường trung bình của nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 29,9%, nghĩa là tạo ra khoảng 70% chất thải dinh dưỡng. Con số này ở nuôi tôm sú thấp hơn, chỉ 15,8%, tức tạo ra tới 84% chất thải dinh dưỡng.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ nông dân đạt hiệu quả môi trường cao chỉ chiếm một phần rất nhỏ – 0,34% đối với nuôi tôm thẻ và 0,87% đối với nuôi tôm sú. Theo nhóm Võ Hồng Tú, một số nông dân đạt hiệu quả môi trường cao trong nuôi tôm là nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như công nghệ biofloc (bể lọc sinh học). Công nghệ này giúp chuyển hóa phần lớn chất thải của tôm thành thức ăn có thể sử dụng lại thông qua quá trình tổng hợp của vi sinh vật. Nhờ đó, chất dinh dưỡng dư thừa được liên tục tái sử dụng, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các hộ nuôi tôm theo hướng hữu cơ, giảm sử dụng kháng sinh và hóa chất sẽ hạn chế được dư lượng chất độc hại trong nước thải.

Tuy nhiên, đa số nông dân nuôi tôm vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại môi trường hoặc chưa có điều kiện đầu tư công nghệ xử lý chất thải phù hợp. Họ chủ yếu tập trung vào mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế hơn là giảm thiểu tác động môi trường.

Với lượng chất thải khổng lồ như vậy, thực sự cần có những biện pháp quản lý môi trường nghiêm ngặt để kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động nuôi tôm. Dựa trên quan điểm của Monnin, có thể thấy những hạn chế trong cách nhìn nhận và xử lý vấn đề chất thải nuôi tôm hiện nay ở ĐBSCL như sau:

Thứ nhất, việc đánh giá hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm thường chỉ dựa trên các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, lợi nhuận trước mắt mà chưa tính đến các chi phí môi trường, xã hội lâu dài. Thực tế, nếu tính đủ chi phí để xử lý triệt để lượng nước thải khổng lồ và khắc phục hậu quả ô nhiễm lâu dài, có lẽ nhiều hộ nuôi tôm sẽ không còn lãi. Nhưng việc “nội hóa” chi phí môi trường như một phần của giá thành sản phẩm vẫn rất cần thiết. Các chính sách về phí xả thải, thuế môi trường đặt ra yêu cầu cao hơn về xử lý nước thải có thể khiến nhiều hộ nuôi tôm gặp khó khăn trước mắt nhưng lại có lợi về dài hạn.

Thứ hai, các giải pháp xử lý chất thải nuôi tôm hiện nay thường mang tính cục bộ, tại chỗ. Nước thải được xử lý sơ bộ rồi thải trực tiếp ra sông, biển, chứ chưa được kiểm soát, quản lý ở quy mô lưu vực. Các hộ nuôi tôm hoạt động riêng lẻ, phần lớn chưa coi trọng việc xử lý chất thải hoặc nếu có áp dụng các biện pháp xử lý nước thải thì cũng chỉ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu.

Trong khi đó, các dòng chất thải thường lan truyền, gây ảnh hưởng trên phạm vi rộng. Chất thải nuôi tôm có thể bị cuốn trôi, gây ô nhiễm nguồn nước ở những vùng khá xa so với nơi xả thải. Mức độ tác động cũng có thể kéo dài qua nhiều năm do quá trình lắng đọng, tích tụ. Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh trong giám sát, quản lý chất lượng nước và xử lý ô nhiễm tổng hợp cho các lưu vực sông chính ở ĐBSCL.

Một khía cạnh quan trọng nữa là khái niệm “tài nguyên chung tiêu cực” nhấn mạnh mức độ cần thiết phải thực hiện “quy trình định giá” công khai, khoa học để đánh giá chính xác các chi phí, lợi ích thực sự của ngành nuôi tôm, cả về kinh tế lẫn môi trường. Từ đó, có thể ra các quyết định về duy trì hay cắt giảm ngành sản xuất này một cách công bằng và khả thi cho tất cả các bên liên quan.

Theo: Khoahocvaphattrien.vn

Tin mới nhất

T5,21/11/2024