Tôm thẻ chân trắng bị chết, nghi do bệnh TPD
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đưa ra dẫn chứng, bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (translucent post – larvae disease, viết tắt là TPD) được phát hiện lần đầu tiên ở trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại Trung Quốc từ năm 2020. Nguyên nhân gây bệnh, được xác định là do chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, làm cho tôm có các dấu hiệu: Gan tụy và ruột trắng, trong suốt, cơ thể mờ nhạt và teo nhỏ.
Hiện, Tổ chức Thú y thế giới và mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản Châu Á – Thái Bình Dương (NACA) chưa công bố thông tin và phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh này. Đến nay, ngoài Trung Quốc chưa có quốc gia nào báo cáo có xuất hiện bệnh TPD trên tôm nuôi.
Dịch bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm thẻ (Ảnh: VPAS).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết, tại huyện Năm Căn nghi ngờ tôm bệnh TPD xảy ra từ tháng 11 – 2/2023 tại 9 hộ (2ha). Theo tìm hiểu, khảo sát các hộ này tôm giống thả nuôi được 3 ngày tôm giảm ăn và có chết rải rác, đến ngày thứ 7-8 tôm chết hàng loạt, tôm chết có biểu hiện tôm giảm ăn, gan tụy nhạt vàng, ruột trống rỗng, thân có màu trắng mờ đục, tỷ lệ chết lên đến 80-90%.
Gần đây, tháng 1 đến 3/2024 tại huyện Đầm Dơi xảy ra tình trạng tôm thẻ chân trắng chết tại 4 hộ (0,72ha). Theo thông tin các chủ hộ nuôi thì nguồn tôm giống từ các cơ sở sản xuất tại tỉnh Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau cung cấp, lúc thả tôm khỏe mạnh bình thường, sau khi thả 2-3 ngày tôm có biểu hiện giảm ăn, thân trắng đục, gan tụy mờ nhạt… và chết từ từ ngày càng nhiều đến ngày thứ 7, tỷ lệ chết cao trên 90%”;
Qua nhận định, khảo sát của các đơn vị và thông tin cung cấp của người nuôi tôm tại một số vùng nuôi, hiện tượng tôm chết sớm với các dấu hiệu: Tôm giảm ăn, bơi lờ đờ, đường ruột trống không có thức ăn, gan tụy nhạt màu, thân tôm gần như trong suốt hay mờ đục. Sau đó tôm chết nhanh, chết nhiều sau 5-10 ngày thả nuôi.
Theo đối chiếu và mô tả dấu hiệu bệnh tôm chết sớm nghi do bệnh TPD của Cục Thú y cho thấy: Tại các diện tích nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, hiện tượng tôm chết sớm có thể nghi do bệnh TPD là rất cao, xảy ra giai đoạn hậu ấu trùng tôm giống (Post Larvae), có thể nguồn xuất phát từ các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống đã bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao, tỷ lệ chết đến 90% trong vòng vài ngày sau khi thả nuôi.
Cà Mau chỉ đạo “hỏa tốc”
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có Công văn hỏa tốc, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện và TP.Cà Mau và các đơn vị liên quan, khẩn trương tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, gửi đơn vị chức năng để xét nghiệm, xác định nguyên nhân tôm nuôi chết sớm. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi thủy sản, dịch bệnh trên tôm, cua, đặc biệt là bệnh mờ đục ở ấu trùng tôm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời hướng dẫn, xử lý dịch bệnh nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi; khuyến cáo người nuôi mua tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, nuôi tôm thâm canh, nhất là giống thẻ chân trắng, tăng cường công tác vận chuyển tôm giống, kiểm soát tôm giống nhập tỉnh.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phân viện nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, các Viện, Trường và đơn vị chức năng khẩn trương tổ chức nghiên cứu giải pháp phòng, trị bệnh TPD, nhằm giúp người dân giảm thiệt hại, ổn định sản xuất trong thời gian tới.
UBND các huyện và TP. Cà Mau chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan, thường xuyên, kiểm tra, theo dõi, giám sát, phát hiện, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tuân thủ khuyến cáo lịch thời vụ thả nuôi của cơ quan chức năng…