Thu tiền tỷ từ nuôi tôm công nghệ cao ven sông Lạch Trường

Khi chiếc chành được nhẹ nhàng nhấc lên khỏi mặt nước, hàng chục cá thể tôm cỡ ngón tay nhảy lao xao. Nuôi với mật độ khá dày, nhưng chủ mô hình Đỗ Xuân Ngữ vẫn tự hào: ‘Từ năm 2012 đến nay, gia đình tôi chưa thất bại lứa tôm nào. 3 năm nay, nuôi tôm được chuyển vào mô hình thâm canh trong nhà có mái che, nên hiệu quả càng cao’.

Bể lắng lọc xử lý nước và hệ thống nhà nuôi tôm của ông Đỗ Xuân Ngữ ven sông Lạch Trường.

Giữa đồng không mông quạnh, cái nắng đầu tháng 4 càng thêm chói chang, oi ả. Tuy nhiên, tại các ao nuôi có mái che với hệ thống quạt nước và sục khí vận hành khiến không khí cũng như nhiệt độ nước luôn mát mẻ. Điều lo sợ nhất với nhiều chủ đồng chính là thời tiết giá lạnh hoặc nắng nóng khiến tôm chết, thì nay ông Ngữ đã khắc chế được bất lợi ấy. Đó cũng là lý do, tôm ở đây được duy trì nuôi trong cả mùa đông mà vẫn hiệu quả.

Ở thôn 3 Bái Trung, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), mô hình nuôi tôm của ông Ngữ trở thành điển hình trong vùng với tổng diện tích lên tới 26,7ha, được chia thành 6 khu nuôi lớn. Cùng chúng tôi thăm khu sản xuất, chủ mô hình giới thiệu nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng, đồng thời không ngại chia sẻ kinh nghiệm sau nửa đời người gắn bó với con tôm. Mỗi ao nuôi hàng trăm đến cả nghìn m2, nhưng được lắp mái che bằng hệ thống bạt di động, có thể điều chỉnh để lấy ánh sáng và điều tiết nhiệt độ phù hợp.

Theo chủ mô hình, để có được thành công như ngày hôm nay, gia đình ông đã phải trải qua nhiều bài học, rồi không ít những khó khăn, thất bại. “Từ năm 1991, gia đình tôi đã mạnh dạn thuê, mượn, mua đất và dồn đổi để nuôi trồng thủy sản. Từ những thân ruộng sâu trũng, thậm chí bỏ hoang được đào thành các ao nuôi cá, tôm sú và cua kiểu truyền thống. Ban đầu chỉ 1 – 2 ao, rồi lấy lợi nhuận hàng năm để phát triển dần quy mô. Từ nuôi quảng canh, sau chuyển sang quảng canh cải tiến, đến năm 2013 tôi mới bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp. Đây cũng chính là thời điểm vất vả nhất, bởi tất cả tiền bạc phải dồn cho xây dựng các ao nuôi trải bạt và các thiết bị hiện đại. Kinh nghiệm lại chưa có đã trở thành thách thức lớn, nhưng rồi tôi vẫn vượt qua” – ông Ngữ chia sẻ.

Ở tuổi 60, nhưng duy trì nhịp lao động hằng ngày nên ông Ngữ vẫn có được sự dẻo dai, săn chắc và sức khỏe chẳng kém những lao động làm việc thường xuyên tại đây. Ít năm gần đây, người con trai là kỹ sư thủy sản từ trong Nam về quê cùng ông cai quản và phụ giúp về mặt kỹ thuật nên ông càng yên tâm phát triển nuôi tôm thâm canh.

Với khoảng 45 tỷ đồng đã đầu tư qua các thời kỳ để hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng vùng nuôi, đến nay, mô hình có 19 ao nuôi, trong đó 17 ao có mái che để nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao. Ngoài ra, ông còn dành 2ha để xây dựng các ao lắng lọc và xử lý nước để tiêu diệt mầm bệnh trước khi đưa vào ao nuôi. Để sản xuất ổn định, mô hình còn có nhà điều hành, nhà kho, các công trình phụ trợ và khu nghỉ tạm cho công nhân. Hệ thống đường nội khu sản xuất cũng được bê tông hóa kiên cố, bảo đảm cho các máy móc, thiết bị vào tận nơi để hỗ trợ sức người.

Thành công nuôi thâm canh nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học đã giúp sản phẩm tôm của mô hình được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Với mỗi lứa tôm từ 90 đến 100 ngày, nhiều năm gần đây, mô hình nuôi tôm của ông Ngữ đều cho sản lượng từ 250 đến 300 tấn tôm thương phẩm. Lợi nhuận đem về hằng năm đều đạt từ 10 đến 15 tỷ đồng. “Có ngày, chúng tôi xuất bán 10 tấn là chuyện bình thường. Mỗi lứa thu hoạch, các xe tải thùng chuyên dụng của thương lái ở TP Hà Nội, Hải Phòng, rồi các tỉnh Ninh Bình, Nam Định… về lấy. Việc nhập con giống đầu vào và thức ăn cũng được các doanh nghiệp có uy tín trong nước ký hợp đồng cung ứng, đưa đến tận các bể nuôi” – Chủ mô hình sinh năm 1964, cho biết.

Ở mô hình nuôi tôm được coi là lớn nhất và hiện đại nhất ở huyện Hậu Lộc này, hiện đã có 26 lao động được tạo việc làm thường xuyên với mức thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng. Các lao động được tạo điều kiện ăn 3 bữa, nghỉ ngơi ngay tại khu sản xuất để kiểm soát, theo dõi chặt chẽ con tôm. Hoạt động nuôi tôm của khu đồng nuôi này đã tạo được hiệu ứng để nhiều chủ đồng khác trong huyện cũng đầu tư nuôi tôm công nghiệp.

Những ngày này, tuyến đường bộ ven biển chạy gần khu nuôi tôm ven sông Lạch Trường của xã Hòa Lộc đã hình thành, mở ra cơ hội thuận lợi hơn với các đồng nuôi trong việc kết nối tiêu thụ tôm nuôi nơi đây với các tỉnh phía Bắc. Riêng mô hình nuôi trồng thủy sản lớn nhất nhì huyện Hậu Lộc này, đó còn là điều kiện thuận lợi hơn cho xe tải đưa thức ăn, giống tôm đến tận các ao nuôi.

Lê Đồng 

Báo Thanh Hóa

Tin mới nhất

CN,24/11/2024