Ngành chuyên môn khuyến cáo gì trong vụ nuôi tôm xuân – hè 2024?

Thời điểm này, nhiều hộ nuôi tôm tại Hà Tĩnh đang chuẩn bị cho vụ mới. Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Quản lý, nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) đã đưa ra các khuyến cáo để vụ nuôi xuân – hè giành thắng lợi.

P.V: Thưa bà, hiện nay, người nuôi tôm đang chuẩn bị bước vào vụ mới. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, chất lượng môi trường nuôi tôm của toàn tỉnh như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy: Để hướng dẫn và khuyến cáo các hộ dân công tác chuẩn bị tốt ao hồ và phòng trừ dịch bệnh đầu vụ nuôi, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương tiến hành quan trắc môi trường, thu mẫu tôm tự nhiên kiểm tra mầm bệnh đốm trắng (WSSV) ở một số vùng nuôi tôm tập trung trong toàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Quản lý, nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh).

Cơ quan chuyên môn kiểm tra môi trường tại 45 vùng nuôi tập trung ở 7 huyện, thị ven biển với các chỉ tiêu như: độ sâu ao, pH đất, độ mặn, pH nước, độ kiềm… Kết quả kiểm tra cho thấy các thông số quan trắc đầu vụ nuôi cơ bản có giá trị nằm trong giới hạn cho phép.

Đồng thời, chúng tôi cũng đã lấy 30 mẫu tôm tự nhiên tại các vùng nuôi tôm trong toàn tỉnh để kiểm tra mầm bệnh đốm trắng, kết quả không phát hiện mầm bệnh đốm trắng trên 30 mẫu tôm. Theo đánh giá, đây là những điều kiện môi trường thuận lợi để người nuôi tôm thực hiện cải tạo ao, hồ và tiến hành thả giống trong thời gian tới.

P.V: Để vụ nuôi tôm xuân – hè 2024 đạt kết quả tốt, ngành có những khuyến cáo như thế nào đối với người nuôi toàn tỉnh?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy: Để vụ nuôi giành thắng lợi, đề nghị các hộ nuôi thực hiện cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Theo đó, chú ý tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm hao hụt nước trong quá trình nuôi, thất thoát sản phẩm trong điều kiện mưa lớn và bão lũ xảy ra. Cấp nước vào ao lắng lọc thời điểm đỉnh triều qua túi lọc, sau đó xử lý nước trong ao lắng trước khi cấp cho ao nuôi; xử lý nước phải đảm bảo các thông số môi trường có giá trị nằm trong giới hạn cho phép trước khi thả giống.

Người nuôi tôm Hà Tĩnh đang tập trung cải tạo ao, hồ chuẩn bị cho vụ nuôi mới.

Đối với nước nguồn cấp tại vùng nuôi có độ kiềm thấp cần sử dụng các loại vôi để nâng độ kiềm lên khoảng giá trị phù hợp trước khi cấp vào ao nuôi. Người nuôi cần cải tạo ao cẩn thận, xử lý môi trường, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ nuôi, xử lý nước,… đúng quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo tiêu diệt hết mầm bệnh trước khi thả giống.

Đối với những ao nuôi lấy nước vào độ sâu trung bình đạt 0,8-1,0m cần có phương án hạ cốt đáy ao xuống, đắp cao bờ ao nhằm đảm bảo mức nước lấy vào ao khi nuôi tôm đạt >1,3m, giảm thiểu sự biến động các yếu tố môi trường trong những lúc thời tiết biến động mạnh, nắng nóng kéo dài.

Người nuôi cần chú trọng kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống thông qua kính hiển vi hoặc bằng các kỹ thuật hiện đại.

Tháng 3 – tháng 4 là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, gió mùa lạnh kết hợp với mưa phùn, có những thời điểm nắng nóng ban ngày nhiệt độ cao, ban đêm nhiệt độ xuống thấp kết hợp sương muối ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đối tượng nuôi. Vì thế, khi hoàn thành thả giống, bà con nên lưu ý công tác quản lý môi trường ao nuôi, duy trì mực nước trong ao cao (1,3-1,5m) để hạn chế biến động nhiệt độ và các yếu tố môi trường kết hợp với tăng cường quạt nước hạn chế phân tầng nước và cung cấp đủ oxy hòa tan đảm bảo cho tôm phát triển.

P.V: Thưa bà, chất lượng tôm giống là khâu trọng yếu ban đầu trong quá trình nuôi, bà có những lưu ý gì đối với vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty CP Thủy sản Thông Thuận ở xã Cương Gián (Nghi Xuân) đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng, còn lại người nuôi vẫn phải nhập từ các tỉnh như Khánh Hòa, Nghệ An, TP Đà Nẵng… Vì vậy, người nuôi tôm cần chủ động trong việc xây dựng hợp đồng ký kết để ràng buộc trách nhiệm của công ty, đơn vị cung ứng giống với cơ sở nuôi; theo dõi hồ sơ, chứng từ, thông tin về lô hàng nhập về để tránh thiệt hại cho cơ sở về sau.

Ngành chuyên môn kiểm tra các yếu tố môi trường chuẩn bị cho vụ tôm xuân – hè.

Đồng thời, chú trọng kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống thông qua kính hiển vi hoặc bằng các kỹ thuật hiện đại. Người nuôi cũng cần thực hiện đúng kỹ thuật thả giống, kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi, bảo đảm sức khỏe đàn tôm giống.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Từ đầu tháng 3 đến nay, tình hình thời tiết không thuận lợi nên việc cải tạo ao nuôi phần lớn triển khai chậm hơn so với mọi năm. Huyện Lộc Hà, TP Hà Tĩnh có khoảng 50 – 60% diện tích đã và đang được cải tạo; các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh có khoảng 20 – 35% diện tích; tại huyện Kỳ Anh, người dân cải tạo còn chậm (khoảng 5% diện tích).

Một số vùng nuôi ao đất người dân cải tạo khá đồng đều như Nam Phúc Thăng, thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), vùng nuôi Bình Hà – Hộ Độ (Lộc Hà), Thạch Long (Thạch Hà), Kỳ Hà (TX Kỳ Anh), Thạch Trung (TP Hà Tĩnh),…

Thái Oanh

Báo Hà Tĩnh

Tin mới nhất

T6,22/11/2024