Hình thành chuỗi liên kết ‘4 nhà’ để nâng cao hiệu quả nuôi tôm

Ngày 21/9, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị bàn giải pháp giảm giá thành, nâng cao hiệu quả nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.

Tôm thẻ chân trắng. Ảnh minh họa: Huỳnh Sử/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá tôm trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến bất lợi cho người nuôi, nhiều cỡ tôm giảm ở mức thấp. Cập nhật giá tôm ngày 20/8/2023 cho thấy, tôm thẻ chân trắng (ao bạt) kích cỡ 20 – 100 con/kg giảm từ 21.000 – 62.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước; trong đó, tôm giảm sâu là loại 20 con/kg giảm 62.000 đồng/kg, loại 25 con/kg giảm 52.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giảm 38.000 đồng/kg.

Ông Đỗ Thành Nghĩ, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Hiệp Tiến (xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân) chia sẻ, ngành chức năng cần quan tâm kết nối, hình thành chuỗi liên kết ‘‘4 nhà’’ để nâng cao hiệu quả nuôi tôm trong thời gian tới. Hợp tác xã cũng mong muốn kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, cung ứng tôm giống, thức ăn, thuốc thú y phục vụ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.

‘‘Hiện nay, người nuôi tôm đang gặp khó khăn về vốn, trong khi đó nhiều trường hợp đã thế chấp tài sản cho ngân hàng nên rất khó tiếp cận thêm nguồn vốn vay. Do khó khăn đó mà người nuôi tôm phải chấp nhận mua thiếu con giống, vật tư, thức ăn, thuốc thủy sản… với giá cao hơn so với thị trường, khiến giá thành nuôi tôm đội lên cao’’, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Hiệp Tiến chia sẻ.

Giám đốc Hợp tác xã Hưng Hiệp Tiến đề xuất ngân hàng xem xét hỗ trợ người nuôi tôm được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua liên kết chuỗi. Các ngành chức năng quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống điện 3 pha, áp giá điện phù hợp để giảm bớt chi phí đầu vào, giảm giá thành nuôi tôm, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Đặng Hải Đăng, Hội quán Đoàn Kết (xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau) chia sẻ, muốn giảm giá thành trong nuôi tôm siêu thâm canh cần chú trọng nuôi với mật độ cao để đem lại nâng suất lớn, mới có giá trị lợi nhuận nhiều. Vì vậy, các thành viên Hội quán Đoàn Kết đã nghiên cứu sâu về quy trình kỹ thuật nuôi, giảm các khâu trung gian; đồng thời áp dụng kỹ thuật xử lý nước nhanh, tuần hoàn nước, quản lý chất lượng nước trong nuôi tôm.

Các thành viên Hội quán Đoàn Kết xử lý nước nguồn đầu vào ít sử dụng thuốc, hóa chất… nên đã giảm khoảng 15% chi phí nuôi. Cùng với đó, vận hành hệ thống xử lý nước đơn giản còn giảm được chi phí từ thuê mướn nhân công và tiết kiệm sử dụng điện. Tuy nhiên, việc nuôi tôm siêu thâm canh với quy mô lớn không chỉ thành thạo về quy trình, kỹ thuật nuôi mà đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn.

UBND tỉnh Cà Mau xác định ngành tôm là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh. Song, ngành tôm đang nhiều khó khăn, sức cạnh tranh thấp. Giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn tăng cao, không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản điều tăng cao. Thêm nữa, nhà máy sản xuất thức ăn đa phần là của tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài nên nhà nước chưa can thiệp được về giá.

Thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất, dẫn đến giá tôm nguyên liệu ở mức cao hơn so với giá của các nước khác như Ấn Độ, Ecuador… Do chênh lệch giá sản phẩm giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực nên người tiêu thụ đã tìm các nhà cung ứng giá rẻ hơn.

Người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở Cà Mau lo lắng vì bán tôm với giá thấp, trong khi chi phí sản xuất đầu vào tăng cao. Phía doanh nghiệp không thu mua tôm với giá cao hơn.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ, giá thành nuôi tôm ngày càng tăng cao phụ thuộc vào 2 yếu tố. Đó là chi phí sản xuất cao và kỹ thuật nuôi tôm; trong đó, chi phí sản xuất là quan trọng nhất. Bởi vì giá thành nuôi tôm được tính trên khối lượng sản phẩm. Nếu chi phí đầu vào thấp thì người nuôi tôm mới có lãi, duy trì ổn định sản xuất.

Để góp phần giảm giá thành, nâng cao hiệu quả, việc nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh không dừng lại ở giải pháp giảm chi phí sản xuất đầu vào mà cần chú trọng ứng dụng khoa học – kỹ thuật nuôi tôm, quy trình nuôi, tổ chức sản xuất, cải tạo môi trường, đảm bảo chất lượng tôm giống. Bên cạnh đó, Trung ương và tỉnh cần kịp thời có chế chính sách, hỗ trợ cho các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, thu mua nguyên liệu và tạo điệu kiện thuận lợi cho người nuôi tôm tiếp cận nguồn tài chính, gói tín dụng ưu đãi của nhà nước.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất để kích cầu sản xuất, kinh doanh. Do đó, lãnh đạo ngân hàng nhà nước chi nhánh Cà Mau, các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến đến người nuôi tôm, doanh nghiệp các điều kiện, về quy định thủ tục để nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Cùng với đó là tăng hạn mức cho vay, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ gốc trung hạn, dài hạn lần kế tiếp.

UBND tỉnh cũng mời gọi các ngân hàng, doanh nghiệp cung ứng đầu vào và người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trong tỉnh tham gia mô hình sản xuất liên kết chuỗi, đảm bảo tính bền vững. Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiên phong trong tham gia liên kết chuỗi. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả quản lý nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp, mở rộng các vùng nuôi siêu thâm canh đạt chứng nhận theo yêu cầu của khách hàng phục vụ chế biến hàng giá trị gia tăng để xuất khẩu.

Tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét việc giảm lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, ban hành cơ chế chính sách đặc thù ưu đãi cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước để phục vụ cho sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đồng thời giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn và các loại sản phẩm phục vụ nuôi tôm; ưu tiên áp giá điện theo hướng có lợi cho ngành nghề nuôi tôm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có giải pháp bình ổn giá tôm nguyên liệu và giá thức ăn, vi sinh, hóa chất… để người dân an tâm, chủ động sản xuất.

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm hơn 278.480 ha; trong đó, diện tích nuôi thâm canh là 1.767 ha, siêu thâm canh là 4.612 ha. Tổng sản lượng nuôi tôm của tỉnh 8 tháng năm 2023, đạt 158.338 tấn, đạt 67,96%; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 676,42 triệu USD, đạt 56,37% so kế hoạch, giảm gần 12,84% so cùng kỳ năm trước, do các thị trường xuất khẩu chủ lực đều giảm.

Kim Há

Nguồn: Baotintuc.vn

Tin mới nhất

CN,24/11/2024